| Hotline: 0983.970.780

Doveco Sơn La có công suất chế biến 52.000 tấn rau, quả/năm

Thứ Năm 18/05/2023 , 09:49 (GMT+7)

Từ thành công của hai nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) sẽ khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào 19/5.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doveco chia sẻ về tầm nhìn khi xây dựng nhà máy tại Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doveco chia sẻ về tầm nhìn khi xây dựng nhà máy tại Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Giấc mơ lên vùng đất dốc

Tháng Năm này, ngoài niềm vui chung của đất nước nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến thắng Điện Biên Phủ, người Doveco còn hân hoan trong một niềm vui nữa khi Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La sắp được khánh thành và đi vào hoạt động.

Mồ hôi ướt rịn trán, mắt chăm chú theo dõi từng hạng mục trong kịch bản chuẩn bị cho buổi lễ, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doveco vẫn nhoẻn cười, miệng không ngớt động viên cán bộ, công nhân viên công ty cố gắng về đích trong chặng đường nước rút.

“Vui lắm, phấn khởi lắm”, ông Khuê vồn vã khi tiếp chúng tôi. Và như sợ bầu không khí lạc quan đang ngập tràn khắp hàng nghìn người Doveco chưa kịp lan tỏa sang phía người nghe, ông kéo chúng tôi vào phòng họp, giới thiệu tỉ mỉ về “đứa con sắp chào đời” nơi miền đất dốc Sơn La. Chỗ này đặt dây chuyền chế biến dứa, chỗ kia ứng dụng công nghệ của Israel, Hoa Kỳ. Ông nói một mạch, rõ ràng, như thể muốn mời mọi người vượt đèo Mộc Châu, ngược đèo Chiềng Đông để chung vui với Doveco Sơn La vào hôm 19/5 này.

Có lẽ, nếu ai từng lăn lộn ròng rã 5 năm ròng, đi khắp vùng cao nguyên Nà Sản tới mức quen thuộc cả gốc cây, ngọn cỏ như ông Đinh Cao Khuê, thứ tình cảm ấy cũng sẽ chớm nở. Càng vui hơn khi nhà máy đi vào hoạt động, 320 lao động tại chỗ, 50 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết cung cấp giống, vật tư, phân bón và khoảng 500.000 tấn nông sản các loại hàng năm sẽ được hưởng lợi.

Nhà máy Doveco Sơn La được đặt tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. Ảnh: Bá Thắng.

Nhà máy Doveco Sơn La được đặt tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. Ảnh: Bá Thắng.

Vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng có tiềm năng khổng lồ về rau, quả. Nhờ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, chất lượng nông sản nơi đây thực sự khác biệt so với các vùng khác. Theo lời ông Khuê, từ cách đây gần chục năm, nhân một lần được thưởng thức xoài và nhãn Sơn La, thấy hương vị tươi ngon, đậm đà, ông ấp ủ giấc mơ lấp khoảng trắng về chế biến nông sản tại khu vực này.

“Tôi đã thử đưa nông sản Sơn La cho bạn bè quốc tế thưởng thức, hầu hết đều đánh giá rất cao”, người đứng đầu Doveco nhớ lại. Giấc mơ của vị chủ tịch cứ thế lớn dần theo năm tháng, để rồi vỡ òa khi UBND tỉnh Sơn La chấp thuận và quy hoạch vùng triển khai dự án tại huyện Mai Sơn – thủ phủ của các loại cây ăn quả và thuận tiện giao thông đến các vùng nguyên liệu như dứa, chanh leo, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương.

Theo quy mô thiết kế, công suất của Doveco Sơn La đạt 52.000 tấn sản phẩm chế biến/năm. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo quy mô thiết kế, công suất của Doveco Sơn La đạt 52.000 tấn sản phẩm chế biến/năm. Ảnh: Tùng Đinh.

Ban đầu, Doveco dự kiến triển khai 3 dây chuyền, gồm dây chuyền chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 20.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Italia; dây chuyền chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; dây chuyền chế biến rau quả đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ, thiết bị của Italia và Đức.

Đến nay, công ty lắp đặt thêm dây chuyền chế biến lon sắt, với công suất 300 lon/phút và dây chuyền sấy lạnh nhãn công suất 120 tấn/ngày để phù hợp với vùng nguyên liệu và cơ cấu sản phẩm tại tỉnh Sơn La.

Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La được đặt tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, khởi công vào ngày 29/9/2020. Trong quá trình xây dựng, nhà máy vinh dự được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước của Trung ương và địa phương đến thăm, động viên, trong đó có chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 5/2022.

Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động cũng như nâng cao giá trị đầu tư.

"Hiện nay, nông sản tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt tại Sơn La đang vào mùa vụ với sản lượng rất lớn. Để có thể đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản, đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như đa dạng hoá thị trường, cần phải nâng cao giá trị nông sản bằng việc tăng cường hàm lượng công nghệ trong chế biến và sau thu hoạch”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La là một trong những đơn vị điển hình trong việc tiên phong đưa nhà máy chế biến nông sản lên các vùng nguyên liệu lớn.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công thương Sơn La thăm nhà máy của Doveco. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công thương Sơn La thăm nhà máy của Doveco. Ảnh: Bá Thắng.

Những dấu chân không ngừng lại

Trước khi đến Sơn La, người Doveco đã lăn lộn vào nhiều vùng đất khó. Những người lớn tuổi hẳn vẫn nhớ câu ca: “Ai qua Quán Cháo, Đồng Giao - Má hồng để lại, xanh xao theo về” để nói về sự khó khăn của vùng nguyên liệu nơi Doveco Ninh Bình đang đứng chân cách đây hơn nửa thế kỷ.

Bằng sự chủ động, linh hoạt, dám nghĩ dám làm, từ Nông trường quốc doanh Đồng Giao ban đầu, người Doveco đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang dứa vào thập niên 1970, kế đó là triển khai xây dựng nhà máy đông lạnh IQF đầu tiên vào năm 1978. Hàng nghìn hecta đất đỏ màu mỡ ngày càng được bồi đắp bởi màu xanh của rau, quả và tiếng nói, tiếng cười của lớp lớp thế hệ công nhân viên.

Thừa thắng xông lên, năm 2019, Doveco khánh thành trung tâm chế biến tại Gia Lai, với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tiên xuất hiện trên địa bàn, đồng thời mở ra thời kỳ bùng nổ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. Đến nay, 43 nhà máy chế biến đã nối bước Doveco xuất hiện ở Gia Lai, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, nâng cao cuộc sống cho người dân địa phương.

Từ thành công của các nhà máy tại Ninh Bình, Gia Lai và sắp tới là Sơn La, không hề quá khi nói rằng sự có mặt của Doveco giúp thay đổi đáng kể bộ mặt của vùng đất nơi họ đặt chân. Không chỉ tạo công ăn việc làm, Doveco còn góp phần xây dựng, hình thành nền kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.

Khi đi vào hoạt động, Doveco Sơn La sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Khi đi vào hoạt động, Doveco Sơn La sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Để đảm bảo vùng nguyên liệu liên kết sản xuất bền vững, công ty còn đầu tư ban đầu cho bà con tham gia liên kết như: cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV với giá ưu đãi hoặc cho khấu trừ vào sản phẩm khi thu hoạch. Trong quá trình canh tác, đơn vị sẽ cử cán bộ đến trực tiếp giúp đỡ người dân theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Thay mặt Công ty Doveco, ông Đinh Cao Khuê cam kết: “Ở bất cứ đâu nơi nào đứng chân, dù là Ninh Bình, Gia Lai hay Sơn La, chúng tôi cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đủ tiêu chuẩn do người dân sản xuất bằng giống của công ty theo giá được ký kết trong hợp đồng. Khi giá thị trường cao hơn giá đã ký kết thì đơn vị sẽ thu mua theo giá thị trường”.

Nhà máy Sơn La khánh thành hôm nay sẽ gieo thêm một điểm sáng về chế biến sâu trên bản đồ nông sản cả nước, đồng thời giữ chắc thế kiềng ba chân cho Doveco tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Vui mừng, trân quý với những gì đã làm được, nhưng dấu chân của người Doveco chắc chắn sẽ không dừng lại, nhất là khi tiếng gọi của xoài, sầu riêng… nơi miền Tây Nam bộ vẫn đang vọng về.

Với vị trí tại huyện Mai Sơn, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La có rất nhiều thuận lợi trong giao thông cũng như vùng nguyên liệu. Từ đây, các nông sản ở Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đều có thể tập kết về, chế biến và vận chuyển đi tiêu thụ một cách thuận lợi.

Ngay từ khi đặt những viên gạch đầu tiên của công trình này, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã tin tưởng với việc xây dựng nhà máy này sẽ giúp Sơn La trở thành Trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả của vùng Tây Bắc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo ông Đông, Sơn La có tiềm năng rất lớn để trồng các loại cây ăn quả như chanh leo, dứa, xoài, nhãn… và Sơn La cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến nông sản tại đây.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.