| Hotline: 0983.970.780

Dự án hơn 80 tỷ đồng chậm tiến độ: Dân 'dài cổ' chờ nước sạch

Thứ Tư 20/02/2019 , 13:30 (GMT+7)

Dự án Nhà máy nước sạch tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt có tổng mức đầu tư 80,03 tỷ đồng, khởi công ngày 30/9/2015, dự kiến kết thúc các hạng mục xây lắp vào 30/4/2018. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới hoàn thành 51,6% khối lượng.

22-08-29_1
Nhà thầu án binh bất động từ gần 1 năm nay

Một người dân xã Cẩm Vân cho biết, năm 2013, người dân phát hiện Công ty Nicotex, một đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV thuộc Bộ Quốc phòng chôn lấp chất thải nguy hiểm. Biết chuyện, bà con kịch liệt phản đối và yêu cầu cơ quan chức năng về kiểm tra mức độ ảnh hưởng của nguồn nước. Sau đó, một dự án nước sạch được triển khai. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, sau khi hoàn thành một số hạng mục thì nhà thầu gần như án binh bất động.

“Nhà máy Nicotex gần như không hoạt động nữa, nhưng một số thôn như Yên Lâm, Yên Bái của xã Cẩm Vân; An Cư của xã Cẩm Tâm bị ô nhiễm nguồn nước. Chúng tôi rất sợ nguồn nước của các thôn khác cũng bị ảnh hưởng nên dự án nước sạch trở thành niềm mong mỏi bấy lâu nay. Nhưng gần một năm qua, dự án không triển khai nữa. Khu vực thi công giờ trâu, bò vào chăn thả, cỏ mọc um tùm”.

Theo quan sát của PV, tường rào bao quanh, bể lắng, hệ thống ống dẫn nước và nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện. Khu vực xây dựng nhà máy chưa lắp đặt máy móc thiết bị… Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã sốt ruột: “Có thời điểm người dân tụ tập, đập phá vì phát hiện Nicotex gây ô nhiễm. Nay sự việc đã lắng xuống nhưng dự án nước sạch triển khai quá chậm khiến bà con rất băn khoăn”.

22-08-29_2
Khuôn viên dự án trở thành nơi chăn thả trâu, bò

Được biết, dự án nhà máy nước sạch tại xã Cẩm Vân do Sở NN- PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng; vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu khác và ngân sách địa phương. Trong đó, ngân sách Trung ương 66,83 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 13,2 tỷ đồng.

Nhà máy nước sạch Cẩm Vân sẽ lấy nước từ sông Mã với công suất nhà máy 2.250 m3/ngày đêm. Hệ thống đường ống cấp nước lắp đặt đáp ứng nhu cầu cho 19.987 người dân (dự kiến đến năm 2035 là 22.500 người) các xã Cẩm Vân, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) và xã Yên Lâm (Yên Định).

Dự án khởi công xây dựng từ 30/9/2015, dự kiến kết thúc các hạng mục xây lắp vào 30/4/2018 nhưng đến thời điểm hiện nay mới được cấp 43 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương; địa phương chưa bố trí được kinh phí. Chính vì thế, sau khi hoàn thành 51,6% khối lượng, từ gần 1 năm nay, nhà thầu đã không thể tiếp tục thi công.

Đại diện BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN- PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, gói thầu xây lắp đã hết hạn từ 30/4/2018. Hiện tại tỉnh đã có chủ trương gia hạn giao thực hiện hợp đồng. Tỉnh giao Sở Tài chính, Sở KH- ĐT bố trí nguồn vốn còn thiếu. Trên cơ sở đó, Sở NN- PTNT tính toán thời gian để gia hạn hợp đồng nhưng đến nay chưa có vốn nên chưa có cơ sở để tính toán thời gian bàn giao công trình.

“Kế hoạch vốn bố trí hàng năm cho dự án rất hạn hẹp, tổng vốn bố trí cho dự án đến nay là 43,0 tỷ/80,03 tỷ đồng, rải đều cho hàng năm. Trong khi chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản nên tiến độ thi công phải theo tiến độ bố trí vốn của dự án", một cán bộ BQL dự án cho biết.

22-08-29_3
Nhiều hạng mục công trình còn dang dở
22-08-29_4
Một số sắt thép hoen gỉ
22-08-29_5
Máy móc, thiết bị chưa được lắp đặt
Cũng theo BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN- PTNT tỉnh, dự kiến năm 2019 dự án được bố trí thêm 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn. Sau khi có vốn, đơn vị thi công sẽ tập trung triển khai các hạng mục còn lại như cụm đầu mối; công trình dân dụng; công trình phụ trợ; hệ thống giám sát mạng lưới cấp nước DMA; phần cấp điện. Song song với đó, nhà thầu triển khai thi công các hạng mục còn lại thuộc hệ thống đường ống chính và mạng dịch vụ trên địa bàn 3 xã.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.