11 năm sống chung với ngõ lội, nhà dột
Dự án khu dân cư Thành Đồng, thuộc phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư số 17121000003, ngày 9/1/2013. Dự án có tổng diện tích 9,84ha, thời gian hoạt động 50 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận.
Hơn 11 năm kể từ khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất, nhiều hộ dân có diện tích đất ruộng, đất thổ cư trong vùng quy hoạch dự án không đồng thuận bởi họ cho rằng với số tiền đền bù giải phóng mặt bằng của dự án không đáp ứng được việc chuyển đến khu tái định cư mới cũng như sinh kế lâu dài.
Gia đình bà Đặng Thị Cán, xóm Quán Vã 2, phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên có diện tích 378m2 đất thổ cư nằm trong vùng quy hoạch khu dân cư Thành Đồng. Để đi vào nhà bà Cán, phải đi qua con đường đất khá dài, ngày nắng thì bụi bẩn và ngày mưa thì lầy lội. Vì con đường nằm trong dự án được quy hoạch nên dù gia đình bà Cán muốn bỏ tiền ra đổ bê tông cải tạo tuyến đường vào nhà để ngày nắng không bị bụi bẩn, ngày mưa không lầy lội cũng không thể làm. Ngôi nhà cấp 4 của bà xây từ nhiều năm trước đã xiêu vẹo, nhiều chỗ bị dột muốn xây mới hoặc sửa lại cũng không thể vì không biết khi nào dự án triển khai sẽ lấy đến, như vậy sẽ rất lãng phí tiền đầu tư. Chưa kể các thủ tục pháp lý khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Loan, xóm Quán Vã 2, phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên con dâu bà Cán cho biết, gia đình chị có 315m2 đất thổ cư nằm trong quy hoạch du dân cư Thành Đồng. Cũng giống như bà Cán mẹ chồng chị, nhiều năm nay gia đình phải sống trong khó khăn bởi nằm trong vùng quy hoạch.
Chị Loan cũng cho biết, những khó khăn về đường đi, nhà xuống cấp chị và mẹ chồng chị có thể sống chung trong nhiều năm nay nhưng việc khiến họ lo lắng đó là số tiền đền bù đất thổ cư, đất ruộng mà gia đình họ bị thu hồi để phục vụ dự án khu dân cư Thành Đồng quá thấp. Với số tiền ấy, không thể đủ đáp ứng cho gia đình mua đất tái định cư tại nơi ở mới, chưa kể đến việc mất ruộng, không có sinh kế lâu dài, bền vững.
500m2 đất thổ cư chưa mua nổi 100m2 đất đô thị
Tại biên bản làm việc ngày 19/2/2024 về việc đối thoại để giải quyết dứt điểm công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Khu dân cư Thành Đồng trên địa bàn phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên giữa lãnh đạo UBND thành phố Phổ Yên với 21 hộ dân tại tổ dân phố Quán Vã, phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên, nhiều hộ dân đều ý kiến thắc mắc về mức giá bồi thường được đưa ra cũng như những thắc mắc liên quan đến vấn đề tái định cư tại nơi ở mới.
Thực hiện dự án khu dân cư Thành Đồng, gia đình ông Đặng Việt Hùng, tổ dân phố Quán Vã, phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên có diện tích đất phải thu hồi là 768,8m2 tại thửa đất số 184, tờ bản đồ số 1, loại đất ODT (đất ở) và CLN (đất trồng cây lâu năm). Với mức áp giá đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng là 935.000 đồng/m2 đất ở và 467.500 đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm. Tổng giá trị diện tích đất ở và đất nông nghiệp sau đền bù gia đình ông Hùng nhận được là 499.664.000 đồng.
Trong đơn khiếu nại ngày 10/11/2023 của ông Đặng Việt Hùng gửi UBND thành phố Phổ Yên ông Hùng có nêu: Giá đất áp dụng để tính giá trị bồi thường hỗ trợ thu hồi đất giải phóng mặt bằng với gia đình ông là chưa thỏa đáng. Ông Hùng đưa ra dẫn chứng: Giá đất ở tại khu vực tổ dân phố Quán Vã nơi ông sinh sống đang dao động từ khoảng 3 triệu đến 12 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí.
Ông Hùng cũng không đồng ý với mức giá trị bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất giải phóng mặt bằng kèm theo thông báo số 122/TB-PTQD ngày 30/8/2023 của Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Phổ Yên.
Tại bản cam kết ngày 25/3/2024 của UBND thành phố Phổ Yên về việc thực hiện quy trình, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, UBND thành phố Phổ Yên đồng ý cho gia đình ông Đặng Viết Hùng thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định hiện hành để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang làm đất ở tại một vị trí đảm bảo: Vị trí chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch của địa phương giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt.
Tuy nhiên theo ông Hùng thì sau một thời gian đi tìm kiếm, ông không thể tìm được mảnh đất theo điều kiện ghi trong bản cam kết của UBND thành phố đưa ra vì hầu như các khu vực có mảnh đất ông muốn mua đều nằm trong khu vực quy hoạch.
Như vậy, cái khó lớn nhất đối với gia đình ông Hùng là việc bồi thường giải phóng mặt bằng với diện tích đất bị thu hồi đất phục vụ dự án khu dân cư Thành Đồng với mức giá thấp, không như mong muốn. Trong khi đó, gia đình ông có con trai là Đặng Việt Tiến, sinh năm 1996 (đã lập gia đình) và con gái là Đặng Khánh Huyền, sinh năm 2004 có nhu cầu đất để lo cho gia đình riêng. Tuy nhiên theo quy định thì gia đình ông Hùng không thuộc diện được bố trí đất tái định cư trong khu vực dự án.
Số điền đền bù thấp so với mức giá đất trên thị trường khu vực phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên; việc mua đất để chuyển đổi không thể tìm được khiến khó khăn tiếp nối khó khăn với gia đình ông Đặng Viết Hùng.
Không chỉ riêng gia đình ông Hùng gặp khó, mà ngay cả những hộ trong diện được giao đất tái định cư tại khu dân cư Thành Đồng cũng gặp khó khăn. Bởi tại Quyết định 1062, ngày 29/2/2024 của UBND thành phố Phổ Yên về việc phê duyệt giá đất cụ thể để giao đất tái định cư tại dự án khu dân cư Thành Đồng trên địa bàn phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên mức giá quy định với lô đất bám đường quy hoạch rộng 28m, vỉa hè 4m là 5.250.000 đồng/m2; lô đất bám đường quy hoạch 15m, vỉa hè rộng 4m là 2.362.500 đồng.
Như vậy, với mức giá nêu trên thì nhiều hộ gia đình ở phường Ba Hàng, Đồng Tiến bị thu hồi cả nghìn m2 đất trồng cây lâu năm cũng chưa thể mua nổi 100m đất ở khu vực có đường rộng 28m, vỉa vè 4m tại khu dân cư Thành Đồng. Tương tự, với hộ dân đình có đất thổ cư bị thu hồi đến 500m2 thì tiền được bồi thường cũng chưa thể mua nổi 100m2 đất tại khu vực này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các hộ dân ở khu vực có đất bị thu hồi phục vụ dự án khu dân cư Thành Đồng là người làm nông nghiệp, làm nghề lao động tự do, đất ruộng, đất vườn là sinh kế đảm bảo duy trì ổn định cuộc sống của họ. Chưa kể khi chuyển đến nơi ở mới, ngoài khoản tiền bỏ ra để mua đất, họ còn phải lo khoản tiền xây nhà để ổn định cuộc sống.