| Hotline: 0983.970.780

Dự án trữ nước đình trệ, dân chật vật tìm nguồn nước

Thứ Tư 31/05/2023 , 16:44 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Trong khi người dân đang phải chật vật tìm nguồn nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất thì dự án trữ nước trị giá hàng chục tỷ đồng lại đình trệ suốt nhiều năm.

Nhu cầu nước tưới và sinh hoạt của người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện nay đã vượt ngưỡng khai thác khoảng 6.000m3/ngày. Ảnh: Lê Khánh.

Nhu cầu nước tưới và sinh hoạt của người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện nay đã vượt ngưỡng khai thác khoảng 6.000m3/ngày. Ảnh: Lê Khánh.

Có 2.100 giếng, Lý Sơn vẫn thiếu nước ngọt trầm trọng

Những năm gần đây, cứ bước vào mùa hè, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, trước đây, người dân trên đảo phải dò tìm mạch nước ngầm và khoan giếng nhằm lấy nước ngọt. Tính đến nay, số lượng giếng nước trên đảo đã lên đến 2.100 cái.

Trước thực trạng người dân khoan, đào giếng tự phát, vượt kiểm soát và để bảo vệ túi nước ngọt trên đảo, năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các cá nhân, tổ chức nào muốn khoan giếng phải xin phép. Thế nhưng, cùng với việc phát triển du lịch thì nhu cầu sử dụng nước ngọt ở đảo Lý Sơn không ngừng gia tăng.

Theo bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất, du lịch toàn huyện khoảng 21.000m3/ngày nhưng trữ lượng nước được đánh giá chỉ 15.000m3/ngày, như vậy người dân đã khai thác vượt ngưỡng hơn 6.000m3/ngày. Điều này đã gây nên tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng, suy giảm túi nước trên huyện đảo.

Bên cạnh nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt thì vấn đề nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở huyện đảo này cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Toàn huyện có 325ha đất sản xuất chủ yếu trồng hành, tỏi. Lượng nước ngọt để bơm tưới cho diện tích này là rất lớn. Thế nhưng, thời điểm này, nhiều giếng nước trên địa bàn đã khô cạn và nhiễm mặn khiến việc canh tác của bà con thêm phần vất vả.

Bà Phạm Thị Trường (huyện Lý Sơn) chia sẻ: “Mấy giếng đào cái thì cạn nước, cái thì nhiễm mặn nên mùa hè phải chuyển từ trồng hành sang trồng bắp để đỡ nước tưới, vậy mà vẫn không đủ. Bây giờ, nhiều người không có giếng phải dùng nhờ nước từ các giếng của các hộ lân cận, trung bình mỗi giờ chạy nước tưới phải trả cho họ khoảng 120.000 đồng, rất tốn kém”.

Nhiều giếng khoan cạn kiệt nước mỗi khi đến mùa hè. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều giếng khoan cạn kiệt nước mỗi khi đến mùa hè. Ảnh: Lê Khánh.

Nêu rõ khuyết điểm từng cơ quan, đơn vị

Nhằm giải quyết khó khăn về nguồn nước ngọt cho đảo Lý Sơn, năm 2017, dự án “Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn” được triển khai thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 45 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động. Quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục như bể chứa, kênh thu gom nước, hệ thống đường ống cấp nước, nhà quản lý.

Người dân kỳ vọng, sau khi dự án trữ nước hoàn thành sẽ giải quyết được một phần vấn đề khan hiếm nước ngọt suốt nhiều năm qua. Mặc dù vậy, đến tháng 4/2020, dự án mới thực hiện đạt khối lượng khoảng 21% rồi tạm dừng cho đến nay.

Lãnh đạo huyện Lý Sơn thừa nhận, việc dự án chậm trễ là do công tác khảo sát chưa kỹ, chưa bám sát đồ án quy hoạch được phê duyệt và khó khăn trong lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng do đó phải nhiều lần điều chỉnh.

Dự án 'Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn' sau nhiều lần điểu chỉnh vẫn chưa thể hoàn thành. Ảnh: Lê Khánh.

Dự án “Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn” sau nhiều lần điểu chỉnh vẫn chưa thể hoàn thành. Ảnh: Lê Khánh.

Trong đó, dự án điều chỉnh mở rộng bể chứa nước số 1 từ 6.790m2 lên 22.908m2, không thực hiện bể chứa nước số 2, bổ sung bể chứa nước 2A (tại chân núi Giếng Tiền) và bể chứa nước số 3 (tại Đồng Thầu Đâu).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện điều chỉnh lại phát hiện bể chứa nước 2A nằm trong khu vực bảo vệ của di tích thắng cảnh núi Giếng Tiền nên tiếp tục điều chỉnh, không thực hiện bể này mà mở rộng bể nước số 3 từ 16.312m2 lên 51.644m2.

Ngoài ra, dự án trữ nước phải tạm dừng thi công còn do huyện Lý Sơn chờ phê duyệt của đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 theo quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất để có cơ sở cập nhật, tiến hành làm các bước điều chỉnh dự án.

Liên quan đến dự án này, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã nhận được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh dự án của chủ đầu tư cùng các sở, ngành. Ông Minh yêu cầu huyện Lý Sơn phải có báo cáo tổng thể, toàn diện và làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, lập dự án khi trình chủ đầu tư.

“Sau khi có báo cáo giải trình của đơn vị tư vấn lập dự án, huyện Lý Sơn tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, nêu rõ khuyết điểm của từng cơ quan, đơn vị. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó đến các đơn vị có liên quan, bởi lẽ thời điểm lấy ý kiến để cấp quyết định chủ trương đầu tư, cả 7 sở của tỉnh Quảng Ngãi đều ủng hộ dự án", ông Minh nói.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.