| Hotline: 0983.970.780

Đường về tỉnh thức để vượt qua nỗi hoang mang mùa dịch Covid-19

Thứ Bảy 07/08/2021 , 16:05 (GMT+7)

‘Đường về tỉnh thức’ của Tiến sĩ Tamara Russell đưa ra những gợi ý về rèn luyện tâm lý cho mỗi người tự tìm cách vượt qua nỗi hoang mang mùa dịch Covid-19.

Tiến sĩ tâm lý Tamara Russell.

Tiến sĩ tâm lý Tamara Russell.

“Đường về tỉnh thức” không phải là một triết thuyết cao siêu gì. “Đường về tỉnh thức” là một hành trình đảm bảo cho chúng ta trải qua những chướng ngại về tâm lý một cách nhẹ nhàng nhất và bình yên nhất. Thay vì chỉ phản ứng bản năng kiểu thụ động và thiếu suy nghĩ, thì “Đường về tỉnh thức” hướng dẫn cách cơ bản và hợp lý để đương đầu khó khăn.

Tiến sĩ Tamara Russell là một chuyên gia tâm lý lâm sàng. Ngoài vai trò giám đốc của The Mindfulness Centre of Excellence ở London và giảng dạy tại trường Đại học King’s College London, bà còn là một diễn giả về cách sống tỉnh thức trong nhiều môi trường khác nhau.

Muốn tỉnh thức thì phải xác định được chánh niệm. Về căn bản, chánh niệm là sự nhận biết sâu sắc những gì bạn đang làm, những gì bạn đang tiếp nhận, nhìn nhận mọi việc như-nó-đang-là mà không phán xét. Khi phát triển khả năng nhận thức sâu sắc này, chúng ta sẽ nhận ra được những tác động của lối hành xử theo thói quen trong đời sống của mình trước đây đã ảnh hưởng thế nào mỗi khi ta kết nối với thế giới xung quanh, với công nghệ và những người khác. Được xem là “siêu nhận thức”, chánh niệm luôn điềm tĩnh, thích tìm hiểu và đầy tình thương.

Chánh niệm đòi hỏi chúng ta cởi mở, cầu thị và thận trọng thay vì tránh né những nguồn cơn gây ra đau khổ cho mình. Việc luôn né tránh một điều gì đó có thể mang lại một cảm giác lừa dối rằng vấn đề đã được giải quyết. Thật ra, điều này cho thấy chúng ta không thể nhìn rõ điều gì đang thật sự xảy ra, và chúng ta bỏ lỡ những thông tin quý báu ở hiện tại vốn có khả năng giúp chúng ta nhìn thấy những chỗ có thể tạo ra thay đổi tích cực. Quan trọng ở đây là gắn kết vào tâm trí bạn những tố chất: kiên trì, nhẫn nại và từ bi. Ẩn dưới sự tránh né có thể là một cảm nhận sâu kín về sự mất mát, hoặc những cảm xúc “mình không xứng đáng”, “mình là kẻ bất tài”. Tuy nhiên, chính nhờ biết gắn kết nhẹ nhàng với thói quen và những nỗi đau sâu thẳm bên trong mà chúng ta có được sự tự do thật sự.

Càng gia tăng khả năng nhận biết, bạn càng nhận ra những mặt khó khăn của chính mình. Chánh niệm cho phép chúng ta không phản ứng ngay trong lúc khó khăn đó. Với những thách thức này, chúng ta có thể ứng phó một cách bình tĩnh hơn. Ngay cả khi mọi việc dường như rất bất ổn, chúng ta vẫn thấy mình có thể đối phó được. Ví dụ, thay vì xem bệnh tật, già và cái chết là những nỗi đau của mỗi cá nhân thì chúng ta phải hiểu rằng đây là số phận của loài người.

'Đường về tỉnh thức' là một cuốn cẩm nang ứng phó khủng hoảng tinh thần.

"Đường về tỉnh thức" là một cuốn cẩm nang ứng phó khủng hoảng tinh thần.

“Đường về tỉnh thức” cung cấp thứ hành trang thiết yếu của đời sống, đó là sức mạnh để đối diện với khó khăn, khủng hoảng. Ngay cả với đại dịch Covid-19 cũng vậy, điềm tĩnh đón nhận những gì xảy đến với chúng ta, sẽ giúp chúng ta thấy rõ những gì đang thật sự xảy ra, chứ không phải những gì mình nghĩ là đang xảy ra. Với tư duy ít bị kích động tiêu cực, chúng ta có thể đưa ra chọn lựa hợp lý hơn về những gì cần làm tiếp theo dựa trên các sự kiện có thật. Chúng ta thấy mình có thể tạo ra sức ảnh hưởng ở những điểm nào, từ đó có những hành động phù hợp với các mục tiêu lớn hơn của bản thân, để chống chọi với Covid-19 và để vượt qua Covid-19.

Với “Đường về thức tỉnh” trong mùa Covid-19, Tiến sĩ Tamara Russell cho rằng: “Rèn luyện chánh niệm về cơ bản là học cách tự chăm sóc bản thân, nhưng buồn thay việc này lại hiếm khi là một ưu tiên trong cách sống hiện đại vốn bận rộn của chúng ta. Hãy suy ngẫm một chút về thời khóa biểu của mình tuần trước. Bao nhiêu hoạt động của bạn có tính chất nuôi dưỡng cho thân-tâm bạn khỏe mạnh, tích cực? Bao nhiêu hoạt động làm bạn suy kiệt? Sự thật trớ trêu là những thứ giúp bạn đương đầu khi bị áp lực đè lên, thường bị gạt sang một bên ngay khi bạn cần đến chúng nhất. Đây chính là những lúc để chúng ta dừng lại một chút, tập trung ý nghĩ và dành thời gian cho thực hành chánh niệm”.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?