| Hotline: 0983.970.780

Mùa Covid-19 làm sao để có được sức bật tinh thần?

Thứ Sáu 30/07/2021 , 11:08 (GMT+7)

Mùa Covid-19 khiến nhiều người rơi vào sự căng thẳng và mệt mỏi, do vậy việc rèn luyện để có được sức bật tinh thần trước nghịch cảnh trở nên rất quan trọng.

Mùa Covid-19 giúp con người suy ngẫm về khả năng đối diện với nghịch cảnh.

Mùa Covid-19 giúp con người suy ngẫm về khả năng đối diện với nghịch cảnh.

Mùa Covid-19 xảy ra không ít chuyện nằm ngoài mong đợi lẫn nằm ngoài dự liệu. Mùa Coivd-19 không chỉ làm đổ vỡ các kế hoạch, mà còn đẩy con người vào sự chán chường, và cả sự hoang mang. Thế nhưng, mùa Covid-19 cũng là một thử thách để những ai có ý chí sẽ tạo ra vacxin cho tương lai bản lĩnh hơn, kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn.

Tất cả chúng ta đều sợ thất bại. Trong một thời đại mà những bài học thành công được tung hô một cách thái quá, chúng ta ít nhiều đều bị tâm lý không sẵn sàng đối diện với những sai lầm và thất bại của bản thân, cũng như nghịch cảnh của xã hội. Thậm chí người ta còn lên án nỗi buồn, lòng trắc ẩn… và cho rằng đó là những cảm xúc yếu đuối, cản trở con người đi đến thành công.

Tuy nhiên, những tín đồ của “chủ nghĩa tích cực” sẽ luôn thất bại ở những bước ngoặt quan trọng. Sự tích cực trên bề mặt có thể nhanh chóng biến chúng ta trở thành kẻ yếu đuối khi đối đầu với những cơn bão tố thật sự. Một tinh thần không được mài giũa qua gian nan sẽ không bao giờ hình thành nên được thứ năng lực quan trọng nhất của con người – đó là sức bật tinh thần. Chính năng lực đã giúp con người hoàn thiện bản thân không ngừng và liên tục khai phá được tiềm năng vô hạn của bản thân.

Trong quyển sách “Sức bật tinh thần”, tác giả Susan Kahn đã định nghĩa “sức bật tinh thần” chính là khả năng thích ứng và thay đổi, là tận dụng nghịch cảnh để mài giũa bản thân cứng cáp hơn. Chính tâm lý sợ thất bại và không lên kế hoạch cho thất bại, khiến con người thất bại trên con đường chinh phục thành công.

Để nhìn thử thách, khó khăn hay thất bại như một “món quà mở chậm”, cần phải có thời gian và sự tập luyện. Hầu hết chúng ta đều chọn phản ứng vội vàng trước những biến cố ngoài ý muốn và để tinh thần trượt dốc, gãy đổ theo chuỗi sự kiện tiêu cực. Có những thói quen tâm lý giúp con người có sức bật tinh thần một cách tự nhiên, mà không cần đến sự tích cực giả tạo, trấn an tạm thời.

Tiến sĩ Susan Kahn là nhà tâm lý học kinh doanh. Bà là một người học hỏi trọn đời, vừa là giám đốc chương trình Chứng chỉ Khai vấn sau đại học tại Birkbeck (Đại học Luân Đôn, Anh quốc) chuyên giảng dạy phương pháp huấn luyện cho các nhà lãnh đạo. Tiến sĩ Susan KahnSusan trong "Sức bật tinh thần" cho rằng khi đối diện với những nguy biến và cảm xúc khó chịu, hay giận dữ, chúng ta khoan vội phản ứng. Khoảng dừng này có sức mạnh rất lớn. Nó cho chúng ta thời gian thay đổi cách phản ứng và quan điểm – vốn là mấu chốt trong việc bạn có chiến thắng được nghịch cảnh hay không. Phản ứng ban đầu của chúng ta không phải lúc nào cũng là có lợi nhất. Ví dụ nếu bạn không được đề bạt thăng chức, bạn nghĩ mình thật ngu ngốc khi ứng cử. Giá như mình đừng ảo tưởng thì giờ có thể không bị chuốc lấy sự chế nhạo của đồng nghiệp… Đó là suy nghĩ không có sức bật tinh thần. Trong khi nếu bạn nghĩ đơn giản rằng mình cần cố gắng hơn thì mọi việc sẽ khác.

'Sức bật tinh thần' là cuốn sách đáng tham khảo trong mùa Covid-19.

"Sức bật tinh thần" là cuốn sách đáng tham khảo trong mùa Covid-19.

Những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu luôn là những cá nhân kiên cường nhất, có tố chất để thành công nhất. Họ có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời đầy chông gai. Khi đi qua những thử thách khắc nghiệt, ngoài bản lĩnh và lòng can đảm, ta còn trở nên bao dung và yêu thương cuộc sống hơn.

Mùa Covid-19, giúp con người hiểu rằng, dịch bệnh cũng là thứ tai tương luôn rình rập như những hiểm họa khác trên đời.  Bản năng của chúng ta là sợ hãi những điều ta không biết và nỗi sợ đó có thể dẫn tới chứng hoang tưởng. Vì vậy, cần hiểu rằng chứng hoang tưởng và thổi phồng nguy cơ của ta chính là hành vi thích nghi từ sâu trong bộ gen của chúng ta. Điều duy nhất cần điều chỉnh chính là phải nhận ra mình đang đánh giá quá cao mức độ hiểm nguy khi tai họa xảy đến, trong khi đó lại đánh giá thấp khả năng xử lý mối đe dọa của mình. Chỉ khi nào nhận ra điều này, luôn ý thức rèn luyện khả năng sức bật tinh thần, chúng ta sẽ luôn ở trong hàng ngũ những người thành công.

Thứ duy nhất kìm hãm chúng ta là suy nghĩ và tâm trí của chính mình. Thế nên, nếu chỉ có góc nhìn hạn hẹp thì ta rất dễ rơi vào vòng xoáy tự hủy diệt bản thân và đích đến sẽ là sự thất bại, thối chí. Ngược lại, nếu có thể thay đổi lăng kính nhìn nhận và nắm bắt vấn đề, điều chỉnh tư duy của mình để xem nghịch cảnh chỉ là một trong những tình huống có thể xảy ra, chúng ta sẽ có "sức bật tinh thần" đón nhận những lần vấp ngã của mình như một cánh cửa mở ra cơ hội mới và rèn giũa chính mình trở nên hoàn thiện hơn.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất