Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho hay, triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Bộ NN-PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đã tổ chức đoàn công tác làm việc với Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC (DG-Mare) tại Bỉ từ ngày 22 - 26/4/2024 về kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.
Trên cơ sở thực tiễn và kết quả làm việc với EC, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023; nhất là việc hoàn thiện khung pháp lý và một số cải thiện trong quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử phạt các hành vi vi phạm IUU.
Tuy nhiên, cần phải ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và quyết liệt hơn nữa trong công tác xử phạt vi phạm các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm ngắt kết nối VMS, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Đồng thời khẩn trương đưa vào triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT).
EC rất thiện chí, ủng hộ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam. Tuy nhiên để đảm bảo tính thuyết phục, lâu dài đề nghị cần phải khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trên tại địa phương; đạt được những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ khi có hiệu lực từ ngày 19/5.
EC đề nghị cập nhật, báo cáo tiến độ kết quả chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC trước ngày 15/9 để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện và sẽ quyết định thời gian sang thanh tra lần thứ 5 tại Việt Nam để đưa ra quyết định có thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trên cơ sở kết quả thực tế.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) cho biết, EC dời lịch sang Việt Nam vào khoảng tháng 9, 10 năm nay, thay vì tháng 5 như dự kiến hồi đầu năm. Trong thời gian EC chưa sang kiểm tra, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện triệt để, quyết liệt các giải pháp để có thể tháo gỡ “thẻ vàng”.
Theo ông Hùng, những nội dung chính triển khai các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm mạnh từ nay đến tháng 9, 10 gồm: “Bằng mọi giải pháp, chúng ta ngăn chặn giảm thiểu tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm”.
Cùng với đó, lực lượng chức năng phải có biện pháp quản lý tàu cá để đảm bảo điều kiện khai thác trên biển. Về truy xuất nguồn gốc, phía EC đề nghị chúng ta phải xử lý nghiêm những trường hợp trước đây EC phát hiện trộn lẫn nguyên liệu cũng như có hợp pháp hóa hồ sơ.
Đặc biệt, cơ quan chuyên ngành phải tăng cường kiểm soát, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng. Cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải đảm bảo tuyệt đối hàng xuất khẩu sang thị trường EC và các thị trường khác đảm bảo tính hợp pháp, không có trộn lẫn nguyên liệu...
“Những nội dung trọng tâm này cần được tập trung giải quyết dứt điểm và đạt kết quả từ nay đến tháng 9 thì cơ hội gỡ thẻ vàng mới có, nếu không sẽ rất khó khăn khi trao đổi báo cáo, đàm phán với phía EC”, ông Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU chia sẻ, chúng ta đã bị EC cảnh báo “thẻ vàng” từ ngày 23/10/2017, đến nay đã gần 7 năm nhưng vẫn chưa gỡ được, có những yếu tố lịch sử để lại nhưng cơ bản là yếu tố chủ quan.
Sau 4 lần thanh tra, EC đều khẳng định, các cơ quan Trung ương của chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt, quyết tâm chính trị của chúng ta rất lớn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, sau chuyến công tác sang châu Âu, EC cơ bản vẫn yêu cầu chúng ta tiếp tục tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính.
“Tinh thần của chúng ta trong Luật Thủy sản là có ngành thủy sản hội nhập khu vực quốc tế, công khai minh bạch”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng khẳng định, EC đánh giá chúng ta đã đi đúng hướng. Trung ương rất tích cực, vào cuộc rất quyết liệt, quyết tâm chính trị rất cao nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục theo khuyến nghị của EC. Các bộ ngành, các đơn vị, các địa phương phải “xắn chân xắn tay” vào. Trong những chuyến đi kiểm tra tỉnh nào không tốt phải phê bình, không nhân nhượng.