Lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá từ 12 - 15m
Trước tình trạng một số ngư dân do hám lợi cố tình khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tỉnh Bình Định đang rốt ráo triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm xử lý tận gốc vấn đề, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong năm nay.
Một nhức nhối mà Bình Định đang phải gánh chịu là trong khi đa số tàu cá của ngư dân Bình Định đang nỗ lực tuân thủ quy định chống khai thác IUU thì một số tàu trên “danh chánh ngôn thuận” là tàu cá của Bình Định, nhưng những tàu này không về địa phương, chủ yếu hoạt động tại các tỉnh phía Nam và lén lút vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tỉnh Bình Định cho đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, qua rà soát, ngành chức năng tỉnh này đã “điểm danh” 375 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, không về địa phương. Đáng lưu ý, trong số này có 215 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m làm nghề câu mực, có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Sở NN-PTNT Bình Định còn nắm bắt cụ thể trong đó có 177 tàu cá hoạt động ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 7 tàu hoạt động tại Tiền Giang, 1 tàu hoạt động tại Ninh Thuận, 3 tàu hoạt động tại Kiên Giang, 7 tàu hoạt động tại Khánh Hòa, 2 tàu hoạt động tại Cà Mau và 18 tàu hoạt động tại Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Bình Định đã lại thành lập đoàn công tác liên ngành vào Bà Rịa - Vũng Tàu - địa phương có nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định vào tá túc để làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương sở tại nhằm phối hợp siết chặt quản lý tàu cá Bình Định hoạt động trên địa bàn. Trong dịp này, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Bình Định cũng làm việc trực tiếp với 40 chủ tàu cá, thuyền trưởng hoạt động nghề câu mực ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị xuất bến đi khai thác.
“Các thành viên của đoàn công tác liên ngành ngoài việc giải thích rõ chủ trương và giải pháp quyết liệt của tỉnh Bình Định trong công tác chống khai thác IUU, đặc biệt với tàu cá hoạt động khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài còn thông tin về kế hoạch hỗ trợ các tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và vận động các tàu cá diện này sớm thực hiện”, ông Trần Văn Phúc Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.
Xử lý triệt để
Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Định còn giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương ven biển tiến hành xác minh, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác thủy sản và chủ tàu cá không được phép đóng mới, đăng ký tàu cá mới, không được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào liên quan đến thủy sản. Ngoài ra, lãnh đạo UBND xã và UBND huyện, thị xã, thành phố có tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
“Sau khi Nghị định số 38/2024/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành, mọi hành vi vi phạm khai thác IUU được cụ thể hóa và hình thức xử phạt cũng mang tính răn đe, nghiêm khắc hơn”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ.
Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP Bình Định cũng đã tăng cường phối hợp với BĐBP các tỉnh ven biển có tàu cá Bình Định tá túc hoạt động và cơ quan chức năng của các tỉnh này để phối hợp ngăn chặn những tàu cá không đủ điều kiện hoặc có nguy cơ cao vi phạm IUU xuất bến.
“Lực lượng BĐBP Bình Định rất chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tàu cá mất kết nối giám sát hành trình. Những trường hợp vi phạm sẽ bị điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật bằng hình thức phạt tiền, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá thời hạn 4,5 tháng”, Thượng tá Nguyễn Thành Công, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định cho hay.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bình Định đã xử phạt 116 trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 xử phạt 108 trường hợp với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Sở NN-PTNT Bình Định đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức 64 chuyến tuần tra, kiểm tra trên biển; đã kiểm tra 447 lượt tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, phát hiện 68 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 73 trường hợp với số tiền 1,317 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, ngành chức năng Bình Định đã xử phạt 14 trường hợp với số tiền 350 triệu đồng.