Hôm 7/9, 3 nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters rằng một danh sách gồm 31 quan chức cấp cao Belarus, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Yuri Karaev đã đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên và sẽ là đối tượng trừng phạt kinh tế của EU
Một nhà ngoại giao EU cho biết: "Ban đầu chúng tôi nhất trí về 14 cái tên nhưng nhiều nước cảm thấy chưa đủ. Sau đó, chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận về 17 cái tên khác. Đây là những quan chức cấp cao chịu trách nhiệm về cuộc bầu cử, về bạo lực và đàn áp".
Cuối tháng trước, tại Berlin (Đức), các Ngoại trưởng EU đã thông qua chủ trương trừng phạt gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản tại nước ngoài đối với quan chức Belarus, nhưng khi đó chưa lập danh sách gồm những ai. Do vậy, thông tin về 31 quan chức được hé lộ lần này cho thấy EU quyết tâm chọn giải pháp cứng rắn.
Về nguyên tắc, EU vẫn có thể đưa thêm hoặc xóa bớt khỏi danh sách. Ngày 21/9 tới, khi Ngoại trưởng EU nhóm họp lại, quyết định chính thức sẽ được ban hành và biện pháp sẽ có hiệu lực 1 ngày sau đó.
Cũng là thành viên EU, nhưng Lithuania, Latvia và Estonia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng họ đối với các quan chức Belarus vào cuối tháng 8. Các nhà ngoại giao EU từ chối tiết lộ những điểm giống nhau giữa danh sách của 3 quốc gia Baltic với danh sách EU vì lo ngại “cảnh báo sớm” có thể tạo điều kiện cho các quan chức có thể bị trừng phạt tranh thủ chuyển tài sản khỏi ngân hàng.
Danh sách EU dự kiến quan chức cấp cao nhất của Belarus là Bộ trưởng Nội vụ Yuri Karaev và cấp phó của ông này. Ngoài ra còn có những người từ ủy ban bầu cử, ngành an ninh và tư pháp.
Trong danh sách Baltic, Tổng thống Alexander Lukashenko bị trừng phạt, nhưng EU sẽ chưa nhắc tới ông. Đức - quốc gia đang giữ chúc Chủ tịch EU theo cơ chế luân phiên 6 tháng muốn có thêm cơ hội và thời gian đối thoại. Tuy nhiên, họ nhắc rõ để ngỏ khả năng bổ sung ông Lukashenko vào lần sau.
Ông Lukashenko đã đe dọa sẽ trả đũa bằng các biện pháp có đi có lại nếu EU áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Belarus.
Lệnh trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Belarus lần đầu tiên được ban hành năm 2004. 11 năm sau, EU đã nới lỏng khá nhiều điều khoản nhằm xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn và muốn khuyến khích Belarus cải tổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, kỳ vọng không được đáp ứng trên thực tế.
EU, cũng như NATO và Hoa Kỳ, vẫn tỏ ra thận trọng không muốn xúc tiến nhanh việc trừng phạt các quan chức của Belarus, đề phòng với phản ứng của Nga.