Bên cạnh những tin tức về giá điện cao ngất, báo cáo mới về nguy cơ mất mùa đáng báo động của hầu hết các loại nông sản sắp tới của châu Âu vừa công bố hôm thứ Hai cho thấy, tình hình đang ngày một tệ hơn.
Tờ Bloomberg dẫn nguồn tin từ Cơ quan Giám sát Tài nguyên Nông nghiệp của liên minh châu Âu (EU) dự báo, sản lượng ngô tại châu lục này có thể giảm gần 1/5 do hạn hán kinh hoàng nhất trong vòng 500 năm.
Trước khi đi sâu vào báo cáo vụ mùa, các nhà nghiên cứu dẫn một “lời nguyền” từ những “viên đá đói” có tuổi đời hàng thế kỷ ở châu Âu gần đây bị cạn nước đã lộ ra trên dòng Elbe (chảy từ vùng núi Czechia xuyên qua Đức đến Biển Bắc). Theo đó, những khối đá cổ có khắc dòng chữ trong một đợt hạn hán vào năm 1616: "Wenn du mich siehst, dann weine". Nội dung dòng chữ này có nghĩa là "Nếu bạn nhìn thấy tôi, thì hãy khóc".
Cảnh báo trên những tảng đá cổ trên có vẻ như đang "vận" vào báo cáo vụ mùa năm nay, khi dự báo sản lượng ngô mới nhất tại EU sẽ sụt giảm tới 16%, dưới mức trung bình 5 năm. Hồi tháng 7, chỉ số dự báo này là giảm 8%.
Theo giới phân tích, sản lượng ngô giảm có thể dẫn đến lạm phát lương thực tồi tệ hơn nữa, sau những căng thẳng gây ra từ cuộc chiến Nga- Ukraine hồi cuối tháng Hai. Vấn đề này sẽ làm tăng chi phí thức ăn cho đàn vật nuôi, và gây thêm tai họa cho những người nông dân đang gặp vô vàn khó khăn khi giá dầu diesel và phân bón đều tăng cao.
Báo cáo giám sát mùa vụ cho biết: “Các giai đoạn căng thẳng về nước tưới và nhiệt độ nắng nóng rơi đúng vào giai đoạn nhạy cảm- cây trồng đang ra hoa và kết hạt. Điều này dẫn đến khả năng năng suất cây trồng bị mất, không thể hồi phục".
Tính đến thời điểm này của tháng 8, có đến phân nửa châu Âu vẫn đang ở trong tình trạng cảnh báo hạn hán. Hầu hết các loại cây trồng, nhà máy điện, khu công nghiệp và quần thể cá đã đều bị tàn phá bởi nắng nóng thiêu đốt và thiếu lượng mưa nghiêm trọng.
Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp của Ủy ban Châu Âu cảnh báo, đợt hạn hán đang diễn ra là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm- khi cả vùng rộng lớn đất nông nghiệp đang biến thành tro bụi.
Thậm chí ngay cả khi chuẩn bị bước vào mùa thu, khu vực Tây và Trung Âu đang phải đối mặt với nguy cơ rất cao về tình trạng khô hạn trong vòng ba tháng tới dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu nước, kéo theo vô vàn hệ lụy.
Giá thịt tại các siêu thị ở EU đã tăng 12% trong tháng 7 so với cách nay một năm, trong khi giá sữa, pho mát và trứng cũng tăng vọt với mức kỷ lục. Điều này khiến các chuyên gia quan ngại, lạm phát ở châu Âu sẽ vẫn còn dai dẳng. "Vấn đề lạm phát sẽ không biến mất vào năm 2023", Giám đốc ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel cho hay.
Báo cáo từ Đài quan sát hạn hán châu Âu cho biết, 47% diện tích châu lục này đang trong tình trạng cảnh báo hạn hán và 17% diện tích đang trong tình trạng báo động, với độ ẩm đất bị thâm hụt nghiêm trọng, đe dọa đến thảm thực vật.
Nhiệt độ kỷ lục ở châu Âu đã làm gián đoạn giao thông vận tải, hàng nghìn người phải di dời và hàng trăm người chết vì nắng nóng. Nắng nóng cũng đã làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng và tác động xấu đến sản xuất cây trồng.
Biến đổi khí hậu đã làm cho nhiệt độ cao và hạn hán ngày càng khốc liệt, trong khi căng thẳng về nước tưới đã làm giảm năng suất vụ mùa năm 2022 của châu Âu, với dự báo đối với ngô, đậu tương và hướng dương lần lượt thấp hơn 16%, 15% và 12% so với mức trung bình của 5 năm trước. Báo cáo cho biết nguy cơ hạn hán đang gia tăng đáng kể nhất là ở Bỉ, Pháp, Đức, Hungary, Ý, Luxembourg, Moldova, Hà Lan, Serbia, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Ukraine và Anh.