| Hotline: 0983.970.780

Gái có công chồng chẳng phụ, em nhé

Thứ Hai 25/03/2019 , 10:31 (GMT+7)

Em nhé, phải ngăn nắp, nhà cửa phải sạch và đẹp, phòng ngủ phải ra cái phòng hạnh phúc chứ đừng như sân chơi của con, hay cái đống rác, nhé.

Chị kính mến!

Năm 2017 em viết cho chị lá thư dài hỏi về chuyện chồng em hai lần có bạn gái khi em mang bầu và sinh con, nuôi con nhỏ. Thư hồi âm của chị như cơn mưa với cánh đồng nứt nẻ, như chiếc phao cứu sinh. Em nguyện em sẽ quên, em sẽ tha thứ, bởi vì chồng em lăng nhăng lúc quẫn bách chứ không có ý định bỏ vợ bỏ con.

Cả năm ngoái, em gởi con cho mẹ em để hai lần chồng vợ đi du lịch cùng nhau. Một lần ở biển, một lần ở Đà Lạt đó chị. Em làm vậy để thay đổi mình, để thay đổi môi trường, thay đổi không gian. Em cũng hiểu, như chị khuyên, hai đứa con khác với gánh nặng một đứa.

Đứa thứ hai còn bé quá, sữa, bỉm tã, bừa bộn nó giết mất mỹ quan căn phòng với ngôi nhà. Chồng là người đi kiếm tiền, chồng chỉ muốn được yên tĩnh và ngăn nắp khi về nhà nhưng em không làm tốt chuyện đó. Rồi em cũng hay vùng vằng khi anh ấy muốn nằm với em.

Em thừa nhận em không được mẹ dạy cho ngăn nắp sạch đẹp, cũng không giỏi nấu nướng, cũng vì mẹ em như vậy. Nghe chị, cả một năm trời em cố gắng, chồng cũng phải ghi nhận sự cố gắng của em. Nhưng anh ấy nói em cứng đờ, cả trong chuyện sạch đẹp, nêm nếm và chuyện trên giường với chồng. Anh nói nửa đùa nửa thật, vợ tui làm bằng gỗ mà là gỗ quý, chắc bền, không thể thanh lý!

Vậy là sao hả chị? Em thừa nhận khi gần anh, em bị ám ảnh vì anh đã từng với hai người đàn bà khác, em không quên nên em không tự nhiên với anh được. Nói thật với chị có hôm em cố gắng mà vẫn đau rát, ngay trong hai lần đi du lịch với chồng, em khiến chồng không hào hứng nữa. Đó là do tuổi tác, nội tiết hay do tâm lý hả chị? Hết cách sao chị? Rồi già nữa, em giữ chồng sao đây chị?

--------------------

Em thân mến!

Chị có nhớ trường hợp của em. Chồng nhân lúc vợ mang bầu và ở cữ đã “thư giãn” lần lượt với hai cô nàng ly dị chồng (tức là góa sống). Đàn ông họ gọi khi ấy là lúc họ “cơ nhỡ”, gái góa và gái nhà thổ là phương tiện để họ vượt qua. Đàn bà phụ nữ chúng ta đoan chính không ai chấp nhận “lý luận” này nhưng nghĩ kỹ, nên thông cảm cho họ chăng? Có những quan hệ mà hai bên chỉ cần chốc lát vui, đàn ông đang chông chênh, khó tránh.

Em đã vá lành quan hệ vợ chồng. Em đã cố gắng. Tha thứ là phẩm chất lớn của người vợ, của phụ nữ nói chung. Ban đầu ai cũng bảo em sẽ không tha thứ nhưng rồi, con cái, thời gian, tâm lý…khiến ai cũng đi vào quy luật của tha thứ.

Rất mừng cho em. Dĩ nhiên có người quên ngay, có người khó quên, do cá tính. Nhất định thời gian nữa em sẽ được khỏa lấp, câu chuyện của chồng sẽ lu mờ và em sẽ thực sự cân bằng, như mọi phụ nữ chung quanh mình.

Chị không nhớ rõ tuổi em và thư này em cũng không nói nhưng chắc em cũng mới ngoài ba mươi, vì em sinh con thứ hai vào năm 2015, đúng không? Coi như em chưa trung niên. Vậy thì việc em ngại gần chồng là do tâm lý đó em ạ. Em chưa thoải mái tinh thần, em bị ám ảnh những chi tiết mà em hình dung.

Vả lại, những người nghiêm cứng, nghiêm lạnh (có thể như em) thì việc uyển chuyển trong mọi chuyện sẽ không có, ấy là mẫu người lý sự, lý tài, lý trí. Như vậy thì sẽ không có vị tha, không có cả ướt át, tươi duyên, lả lướt, như đàn ông mong muốn, ưa thích. Em nhé, hãy khoan thai đi. Chồng vẫn là của mình. Chồng duy nhất đi cày kiếm tiền, một mình anh ấy nuôi gia đình. Chồng đi mây về gió, kệ, tin nhau cho anh ấy vững. Đàn ông cần một hậu phương ấm áp, bao dung, vững chãi, để họ từng ngày ra đường với niềm vui, vui sống, vui khỏe, vui tươi, rồi không khí ấy sẽ được mang về cùng với những đồng tiền.

Em nhé, vợ hay phần vợ, học nấu ăn, nấu những món ngon chồng thích, nói những câu chồng thương, nuôi và dạy con cho giỏi cho hay, gái có công chồng chẳng phụ. Em nhé, phải ngăn nắp, nhà cửa phải sạch và đẹp, phòng ngủ phải ra cái phòng hạnh phúc chứ đừng như sân chơi của con, hay cái đống rác, nhé.

Vì chính mình, nâng mình lên trong mắt chồng, em sẽ thấy em cũng là một giá trị khi ở nhà và đạt được đời sống tinh thần cân bằng như vậy, chuyện kia sẽ dào dạt, trơn tru, mỹ mãn. Đừng nghĩ chỉ khi có chuyện mới cố gắng. Chung sống là chuyện của trăm năm, chúng ta phải cố gắng mãi mãi, mỗi ngày, em nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm