Theo ông Nguyễn Văn Khôi (SN 1945, trú tổ dân phố An Cư Đông 1, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc), tháng 4/2010 thực hiện dự án Cải thiện môi trường đô thị Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô). Trong quá trình thi công tuyến ống nước thải, hệ thống thoát nước mưa, nước thải cho các khu dân cư đoạn đi qua trục đường tổ dân phố Cư Đông 1 đã làm ngôi nhà ông Khôi bị sụt nền, nứt tường nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn tính mạng con người, tài sản.
Ông Khôi cho biết, ngôi nhà ông bị sụt lún, hư hại nặng nề. |
Sau đó, để đảm bảo an toàn, UBND huyện Phú Lộc và chủ đầu tư công trình đã yêu cầu gia đình ông di dời khỏi căn nhà hiện tại, tìm nơi tạm trú đến khi công trình hoàn thành.
Theo biên bản đối thoại của UBND huyện Phú Lộc với các hộ dân bị ngày 24/3/211, nhằm đảm bảo công việc thi công an toàn, thống nhất các thành viên gia đình ông Khôi tạm thời sơ tán đến nơi ở mới, chi phí lưu trú do đơn vị thi công chi trả. Quá trình thi công gây hư hỏng ảnh hưởng đến tài sản sẽ được đền bù theo nguyên tắc, hư đến đâu đền bù đến đó, đơn giá đền bù theo giá thị trường. Khi thi công xong, đơn vị thi công hoàn trả mặt bằng, tạo điều kiện để các hộ dân ổn định cuộc sống.
Tiếp đó, đến ngày 22/4/2011, UBND huyện Phú Lộc đã ban hành quyết định thành lập hội đồng kiểm định. Sau khi kiểm tra hiện trường, kết quả xác định thiệt hại của hộ ông Khôi là 108,991 triệu đồng hư tài sản, 36 triệu hỗ trợ lao động ngừng việc.
Cho rằng việc đền bù bèo bọt, ông Khôi không đồng ý. Sau nhiều lần thỏa thuận, ngày 15/9/2011, UBND huyện Phú Lộc, chủ đầu tư và đơn vị thi công cùng hộ dân bị thiệt hại tổ chức đối thoại lần cuối cùng nhưng vẫn không có kết quả, ông Khôi đã yêu cầu đơn vị thi công trực tiếp sửa chữa lại ngôi nhà.
Một vết nứt dài lớn kéo dài tách trụ và bức tường nơi phòng khách. |
“Nhà cửa bị lún nghiêng, nứt nẻ nghiêm trọng, gia đình tôi phải ra ngoài thuê nhà để ở hơn năm trời rồi, kéo theo đó việc kinh doanh ngưng trệ. Tính riêng tiền thuê nhà ở tốn vài chục triệu đồng nhưng họ lại đền với mức giá quá thấp”, ông Khôi bức xúc.
Sau nhiều lần thỏa thuận bất thành, đến tháng 9/2012, UBND huyện Phú Lộc ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết đền bù cho hộ ông Khôi. Đồng thời, đề nghị các bên thỏa thuận bồi thường, nếu vẫn chưa thống nhất được thì đưa nhau ra tòa án. Sau đó, gia đình ông Khôi đã gửi đơn “kêu cứu” khắp nơi.
“Do không được sửa chữa, ngôi nhà ngày càng hư hại nặng nề, mỗi khi có mưa to, gió lớn tôi phải đưa vợ con đi trú ẩn ở nhà người thân, chứ không dám ở lại. Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn lên xã, huyện, chẳng hiểu sao nhiều năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết”, ông Khôi ngậm ngùi.
Ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho hay, vụ việc này trước đây huyện đã đứng ra hòa giải, thành lập Hội đồng định giá thiệt hại có tham gia của Sở Xây dựng, các ban ngành, rồi đưa ra giá đền bù, mời hộ gia đình ông Khôi lên thì hộ này không đồng ý. Sau đó, huyện đối thoại 2 - 3 lần cũng không có kết quả nên đề nghị hai bên khởi kiện ra tòa.
“Cái này không phải do GPMB mà do trách nhiệm đơn vị thi công, thi công làm nứt nhà dân thì phải bồi thường. Vụ việc này tòa án đã thụ lý đơn rồi nhưng xử lý đến đâu thì tôi chưa rõ”, ông Cầu thông tin.
Một đoạn tường nơi phòng ngủ cũng bị gãy đổ. |
Trước đó, dự án cải thiện môi trường đô thị Lăng Cô do Công ty Môi trường đô thị Huế (Hepco Huế) làm chủ đầu tư với 153 tỷ đồng. Dự án triển khai từ cuối năm 2008 với các gói thầu xây lắp hệ thống thoát nước mưa, nước thải cho các khu dân cư, bãi rác và hệ xử lý nước đổ ra đầm Lập An. Trong đó, TCty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) đảm nhận thi công gói thầu lớn nhất là hệ thống thoát nước, với chiều dài 17km, giá trị gói thầu 93 tỷ đồng. Theo BQL dự án cải thiện môi trường đô thị Lăng Cô (gọi tắt là PMU Lăng Cô, trực thuộc Hepco Huế), tổng số hộ dân bị ảnh hưởng, phải đền bù là hơn 200 hộ, trong đó đã giải quyết hơn 200 hộ, chỉ còn 2 hộ: Nguyễn Văn Khôi và Nguyễn Văn Huy chưa đồng ý với giá trị đền bù được xác định. |