| Hotline: 0983.970.780

Gần 5.000 người dân thiếu nước trầm trọng

Thứ Sáu 07/07/2017 , 14:05 (GMT+7)

Khi mùa hè đến, những người dân sống trên đảo Trí Nguyên (Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lại quay quắt với nỗi lo thiếu nước ngọt.

16-17-50_1
Người dân trên đảo Trí Nguyên thường phải mua nước với giá cao

Hơn 1.000 hộ gia đình phải chầu chực cả ngày lẫn đêm để chia nhau những gáo nước hiếm hoi từ giếng nước công cộng.
 

Mua nước giá cao

Đảo Trí Nguyên cách đất liền chỉ hơn 1km nhưng suốt mấy chục năm qua, người dân luôn sống trong tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Những năm trước, nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt trên đảo phụ thuộc chủ yếu vào nước trời và một phần khác phải mua từ đất liền. Tuy nhiên, việc vận chuyển khó khăn, giá cả lại cao nên nước ngọt được xem như thứ vô cùng xa xỉ, phải sử dụng hết sức tiết kiệm.

Hiện tại trên đảo có khoảng 1.000 hộ dân với khoảng 5.000 nhân khẩu. Với những người dân sống dọc mặt biển thì sử dụng nước máy được chuyển ra đất liền. Còn đa số phụ thuộc vào 3 giếng nước công cộng. Tuy nhiên, nguồn nước từ những giếng nước này đều thất thường, vào mùa mưa còn đỡ chứ đến mùa nắng thì nước trong giếng xuống đến sát đáy và nhiễm mặn rất nặng.

Chị Nguyễn Thị Hương (trú tổ 2, đảo Trí Nguyên) cho biết: “Vấn đề nước sinh hoạt đã khó khăn từ mấy chục năm nay. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, nước ngọt càng ngày càng khan hiếm. Để có nước sinh hoạt, chúng tôi phải thuê người bơm nước từ giếng lên và tính giá theo thời gian. Giá cao nên mọi người phải dùng nước rất tiết kiệm. Ở đây chưa bao giờ được xài nước thoải mái cả”.

16-17-50_2
Mỗi chiếc giếng trên đảo phải đặt từ 3 – 4 máy bơm để phục vụ nhu cầu của gần 1.000 hộ dân
Tính ra, mỗi m3 nước trên đảo bơm từ giếng lên có giá tối thiểu 30.000 đồng. Những hộ gia đình đông người như gia đình chị Hương (7 nhân khẩu) thì mỗi tháng dùng tiết kiệm lắm cũng mất ít nhất từ 600.000 – 700.000 đồng tiền nước ngọt.

Hiện tại, những giếng nước công cộng ở đảo Trí Nguyên đều đặt từ 3 đến 4 máy bơm phục vụ nhu cầu cho các hộ gia đình trên đảo. Theo tìm hiểu, cứ 1 giờ bơm nước, người dân phải trả 100.000 đồng. Những hộ gia đình ở gần giếng, nước chảy mạnh thì trong 1 giờ có thể bơm được 3 m3 nước. Những hộ ở xa giếng thì lượng nước ít hơn.
 

Chắt từng giọt nước

Chi phí sử dụng nước ngọt đã cao nhưng khó khăn nhất là vào mùa khô, người dân đảo Trí Nguyên luôn phải chắt từng giọt nước. Vào mùa khô những giếng nước trong vùng đều khô cạn không thể bơm lên. Lúc này, người dân phải đưa các dụng cụ đựng nước đến tận giếng rồi dùng gàu múc. Tuy nhiên, nước ngầm chảy ra rất ít, mỗi lần múc chưa đầy 1 gàu. Để lấy được khoảng 40 lít nước phải mất nửa giờ đồng hồ.

“Nước cạn sát đáy nên hễ có nước lúc nào là người dân chắt xài lúc đấy. Mỗi ngày chắt liên tục cũng được 4 – 5 gánh, đủ sinh hoạt trong gia đình, qua ngày mai rồi chắt tiếp. Để lấy được nước nhanh phải tranh thủ buổi trưa, hoặc tối khuya chứ bình thường nhiều người tới cứ thay phiên nhau lấy thì phải cả tiếng mới được một gánh. Khó khăn nữa là nước nhiễm mặn. Chúng tôi phải hứng nước mưa dự trữ cho việc ăn uống”, chị Hương nói.

Tình trạng người dân thay phiên nhau ra giếng lấy nước đã quen thuộc ở vùng đảo Trí Nguyên. Vào mùa khô hạn, hầu như không có thời gian nào mà giếng nước không có người. “Nhiều gia đình đi lấy nước từ 2 – 3 giờ sáng. Các giếng nước công cộng lúc đó không thể cung cấp đủ cho người dân trên đảo”, bà Đặng Thị Sanh (trú tổ 3, đảo Trí Nguyên) cho biết.

16-17-50_3
Người dân hy vọng trong thời gian tới sẽ có hệ thống đường ống dẫn nước sạch đến từng hộ

Trao đổi với PV, bà Võ Thị Lệ Chua, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt của người dân đảo Trí Nguyên đã diễn ra từ nhiều năm nay. Chính quyền xã cũng nhiều lần đề nghị với lãnh đạo cấp trên có cách gì hỗ trợ nước ngọt cho người dân. Vừa rồi UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định cho xây dựng công trình cấp thoát nước cho người dân ở đảo Trí Nguyên đến từng hộ gia đình.

Dự án do Cty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa đang thi công và dự kiến vài tháng tới sẽ đưa vào sử dụng. Nước ngọt được lấy từ khu An Viên (phường Vĩnh Nguyên) chạy ngầm dưới biển rồi đưa lên bể chứa. Từ bể chứa này, nước sẽ dẫn theo hệ thống đường ống đến khu vực dân cư.

Theo ông Nguyễn Văn Đàm, Phó Giám đốc Cty thì đường ống này dài khoảng 800m và đi sâu, nằm âm dưới đáy biển khoảng 1 – 1,5m. Hiện tại đơn vị đang thi công các tuyến ống phân phối chính, còn các con hẻm nếu năm nay chưa kéo được sẽ để năm sau kéo tiếp. Ước tính tổng kinh phí dự án khoảng 30 – 40 tỷ đồng”.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định số 1762/QĐ – UBND về việc cho phép Cty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng đất tại phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang để xây dựng công trình cấp thoát nước đảo Trí Nguyên. Theo đó, Cty được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất thủy lợi với diện tích 2443,2 m2 đất phục vụ xây dựng công trình cấp thoát nước đảo Trí Nguyên.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm