| Hotline: 0983.970.780

Gần trăm ngàn ha rừng keo ở Quảng Ngãi bị bão bẻ gãy

Thứ Hai 02/11/2020 , 07:10 (GMT+7)

Cơn bão số 9 đã khiến hàng trăm ngàn ha rừng keo của tỉnh Quảng Ngãi bị gãy đổ, ước thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Người dân lao đao vì rừng keo bị tàn phá do bão số 9. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân lao đao vì rừng keo bị tàn phá do bão số 9. Ảnh: Tuấn Anh.

Với cơn bão số 9, người trồng rừng Quảng Ngãi đã hứng chịu thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.

Toàn tỉnh hiện có gần 220.000 ha rừng, chủ yếu trồng cây keo. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, bão số 9 đã khiến gần 100.000 ha rừng bị gãy đổ.

Trong số diện tích rừng bị thiệt hại có 45.000 ha có thể tận thu và khoảng 30% ha cây keo từ 2-4 tuổi bị mất trắng. Hiện hàng ngàn hộ nông dân mưu sinh từ nghề trồng keo lao đao vì mất trắng nguồn thu nhập.

Đến xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành khi cơn bão số 9 vừa đi qua, người dân nơi đây đang khẩn trương sửa sang lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Khi chúng tôi nhắc về rừng keo bị tàn phá ai nấy ngậm ngùi, buồn khổ.

Lắc đầu ngao ngán, ông Nguyễn Hồng Long, Trưởng thôn Long Bình cho biết, diện tích keo gãy đổ mà phóng viên nhìn thấy chỉ là số ít. Muốn thấy sự tàn phá khốc liệt của cơn báo số 9 thì phải đi lên rừng nơi có hàng trăm ha keo của người dân đã bị gãy đổ.

Ông Long cho biết, cả thôn Long Bình có 120 hộ trồng keo với diện tích khoảng 350 ha. Thống kê thiệt hại có khoảng 250 ha bị gãy đổ.

Keo bị gãy đổ nằm la liệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Keo bị gãy đổ nằm la liệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia đình ông Long có 5ha, trong đó có 2ha keo trồng được 4 năm thì bị gãy đổ khoảng 80%. Số keo còn lại trồng được 2 năm cũng bị gãy đổ khoảng 50%. Thiệt hại ban đầu đối với gia đình ông khoảng 250 triệu đồng.

Theo ông Long, diện tích keo bị gãy đổ sẽ phải chặt bỏ. “Số lượng keo quá lớn bị gãy đổ nên không có đơn vị nào đứng ra thu mua hết được đành phải chặt bỏ để trồng mới” – ông Long chia sẻ và cho biết, kinh tế chính người dân nơi đây thu nhập từ cây keo nên giờ xem như mất trắng.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Tấn Long (thôn Long Bình, xã Nghĩa Hành) có 2ha trồng keo được 3 năm tuổi thì một nửa bị gãy đổ do bão số 9 tàn phá. Vì chưa đủ tuổi khai thác nên ông buộc phải chặt bỏ để trồng mới.

Ông Tấn Long cho biết, nhà tôi có 4 người, cây keo là nguồn thu nhập chính. Cơn bão số 9 đã gây thiệt hại cho gia đình trên 100 triệu đồng.

“Rất mong nhà nước hỗ trợ một phần cây giống để chúng tôi tái tạo lại vườn cây. Cùng với đó, nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để người dân đầu tư lại vườn cây, ổn định cuộc sống” – ông kiến nghị.

Đối với cây keo 2-3 năm tuổi, người dân buộc phải chặt bỏ. Ảnh: Tuấn Anh.

Đối với cây keo 2-3 năm tuổi, người dân buộc phải chặt bỏ. Ảnh: Tuấn Anh.

Được biết, xã Hành Tín Tây là địa phương có diện tích rừng keo lớn của tỉnh Quảng Ngãi với trên 2.300ha. Cơn bão số 9 đã khiến cho hơn 1.000ha keo bị gãy đổ, hiệt hại khoảng 60 tỷ đồng.

Ông Mai Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây cho biết, cơn bão số 9 tàn phá quá sức chịu đựng của người dân trong xã.

“Chúng tôi đang tập trung khắc phục sửa chữa nhà cửa cho người dân để ổn định lại cuộc sống. Còn những thiệt hại về cây keo đã vượt quá thẩm quyền của xã, rất cần sự hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương” – ông Tường chia sẻ.

Tương tự, thôn Hành Tín Đông cũng là địa phương có diện tích trồng keo lớn với hơn 700ha, bão số 9 càn quét đã làm gãy đổ hơn 400ha, thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Ông Trịnh Bê, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết, cuộc sống của người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng keo. Thời gian gần đây, cây keo cho thu nhập ổn định giúp cuộc sống được nâng cao nên xã rất khuyến khích. Tuy nhiên cơn bão số 9 đã tàn phá phần lớn diện tích keo của người dân, thiệt hại kinh tế quá lớn.

“Nguồn kinh phí của địa phương còn hạn hẹp nên rất khó để hỗ trợ người dân trồng keo bị thiệt hại, chỉ mong phía tỉnh và Trung ương quan tâm” – ông Trịnh bê cho biết.

Trước những thiệt hại vô cùng lớn, ông Nguyễn Văn Hân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sẽ báo cáo cụ thể lên tỉnh để có hướng chỉ đạo, khắc phục.

Về hướng xử lý, ông Hân cho biết, đối với những cây keo 2-3 năm tuổi mà bị gãy đổ thì buộc phải phá đi trồng mới. Còn những cây từ 4 năm tuổi trở lên thì có thể tận thu.

Tuy nhiên, theo ông Hân, bão số 9 đã tàn phá hệ thống đường giao thông nên số cây keo tận thu cũng khó bán vì không thể vận chuyển ra bên ngoài. Bên cạnh đó, các nhà máy thu mua hiện đã đóng cửa nên chưa thể thu mua cho người dân. Ngoài ra, do ảnh hường dịch Covid-19, giá cây keo thời điểm hiện tại rất rẻ nên người dân xem như mất trắng.

Ông Hân thừa nhận, Quảng Ngãi chưa có chính sách hỗ trợ cho những rừng keo bị thiệt hại. Nguyên nhân là do người dân thường không kê khai diện tích bị thiệt hại và trình tự kê khai cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc không được hỗ trợ.

Ngoài ra, keo thuộc cây trồng lâu năm, không phải là dạng cứu đói tức thời nên tỉnh ưu tiên cho những vấn đề về dân sinh nhằm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.