| Hotline: 0983.970.780

Ghép cải tạo vườn điều

Thứ Tư 05/11/2014 , 10:12 (GMT+7)

Ghép cải tạo vườn điều giúp trẻ hóa những vườn điều già cỗi, tăng năng suất và chất lượng hạt điều VN.

Một cuộc “cách mạng” làm trẻ hóa những vườn điều già cỗi, tăng năng suất và chất lượng hạt điều VN đang được Hiệp hội Điều VN (Vinacas) quyết tâm thực hiện thông qua các dự án giúp nông dân ghép cải tạo vườn điều.

Tỉnh Bình Phước là “thủ phủ” của cây điều với trên 70.000 hộ nông dân trồng điều và trên 270.000 người có cuộc sống ổn định từ cây điều, hàng năm cho sản lượng trên 110.000 tấn với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù được coi là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, nhưng do sự cạnh tranh khốc liệt của các loại cây trồng khác (cao su, hồ tiêu…) nên cây điều chưa được coi trọng đúng mức. Phần lớn dân trồng điều chưa đầu tư thâm canh, chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng cả về giống, mật độ, kỹ thuật tạo tán.

Hiện đang có trên 50% diện tích điều già cỗi được trồng bằng hạt, giống thiếu chọn lọc, năng suất dưới 1 tấn/ha cần được ghép cải tạo bằng giải pháp ghép thở, kết hợp đầu tư chăm sóc phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại.

Trước tình hình này, để góp phần tăng năng suất, chất lượng hạt điều, Vinacas đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, trong đó có đề án “Ghép cải tạo vườn điều già năng suất thấp bằng giải pháp ghép thở, kết hợp đầu tư chăm sóc phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại tại xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập” với tổng kinh phí 270 triệu đồng, thực hiện trong 3 năm (từ tháng 8/2014 - 8/2017) với sự tham gia của 30 hộ trồng điều.

Ông Đỗ Thành Trung, Trưởng trạm Trồng trọt - BVTV huyện Bù Gia Mập cho biết, ngay khi đề án được phê duyệt, trạm đã thông báo tìm ra những hộ dân có nhu cầu, tâm huyết về việc ghép cải tạo vườn điều già năng suất thấp làm đơn xin làm mô hình; đồng thời ký hợp đồng thực hiện, trong đó có các quyền lợi và nghĩa vụ giữa chủ dự án và người dân làm mô hình.

Ông Trung dẫn chúng tôi đến thăm mô hình ghép điều “hoàn thiện” của một số hộ dân thuộc xã Long Hà. Đây là những nông dân tiên phong, đi đầu trong việc đổi mới, ghép cải tạo vườn điều, giúp gia tăng năng suất và chất lượng vượt trội. Các mô hình này đang được đầu tư trở thành hình mẫu, nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho các hộ nông dân trong và ngoài tỉnh, từ đó đẩy mạnh phong trào “trẻ hóa” vườn điều một cách rộng khắp.

Một trong những mô hình tiêu biểu là của nông dân Hoàng Trọng Thủy (thôn 10, xã Long Hà). Chúng tôi đếm thăm đúng lúc ông vừa về sau chuyến đi trao đổi kinh nghiệm và thực hiện dự án ghép điều cải tạo vườn.

Nhanh chóng cất xe máy, lấy vạt áo lau phớt mồ hôi, nhấp chén nước, ông Thủy tươi cười nói: “Tôi cùng với hai ông bạn mới đi ghép điều cho bà con ở xã bên về. Tuy mệt, nhưng giúp được người ta nên cũng thấy vui…!”.

Hào hứng kể chuyện, người đàn ông quê Hà Tây (cũ) chia sẻ: “Tôi vào Nam năm 1982, từng trải qua rất nhiều nghề như công nhân cao su, xe ôm… Cho tới khi tích lũy được gần 3 ha đất, mới chuyển qua trồng điều”.

“Thuận lợi của dự án là người dân xã Long Hà có truyền thống tìm tòi học hỏi thâm canh tăng năng suất cây điều khá tốt và nhận thức được lợi ích, giá trị kinh tế của việc ghép cải tạo vườn điều”, ông Trung nói.

Thời gian đó là vào năm 1989, tuy giá điều cao nhưng vẫn không hấp dẫn bằng cao su, thế là ông Thủy chặt điều trồng cao su. Mãi tới năm 1998, ông mới quay lại với điều và xác định trồng lâu dài.

Những năm đầu thu hoạch, năng suất điều chỉ lụm lặt chừng 4 - 5 tạ, năm nào khá hơn cũng chỉ cỡ 1 tấn/ha. Mọi sự thay đổi lúc ông biết tới điều ghép khi thấy nhà hàng xóm có một cây điều “cổ thụ”, tuổi đời vài chục năm nhưng cho trái rất nhiều, mỗi vụ thu hoạch cả tạ.

Ông lân la tìm hiểu và học cách ghép, sau đó về thực hiện tại vườn nhà. Thật bất ngờ, một số cây điều ghép “thí nghiệm” cho năng suất lên tới 50 - 60 kg hạt/cây. Vậy là ông bắt tay thực hiện ghép đồng loạt trên gần 10 ha, năng suất trung bình năm nào cũng đạt trên 4 tấn/ha. Với giá bán bình quân vụ vừa qua khoảng 25 triệu đ/tấn, với 10 ha điều ghép năng suất cao ông Thủy thu về trên 1 tỷ đồng.

Trưởng trạm Trồng trọt - BVTV Bù Gia Mập, Đỗ Thành Trung cho biết, được sự quan tâm hỗ trợ của Vinacas, chúng tôi đã tận dụng một vài mô hình thực hiện từ trước để thu hút người dân địa phương trong và ngoài xã đến tham quan và đồng tình tham gia.

Các mô hình tiêu biểu này cũng sẽ là hạt nhân giúp triển khai dự án ghép cải tạo vườn điều tới 30 hộ dân tham gia dự án, với mục tiêu đưa bằng được năng suất, chất lượng lên cao và trở thành phong trào rộng khắp.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).