| Hotline: 0983.970.780

Giá trị nông nghiệp Sơn La đạt trên 7.500 tỷ đồng

Thứ Hai 28/12/2020 , 11:50 (GMT+7)

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Sơn La, năm 2020, tổng sản phẩm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp thủy sản đạt 7.580 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2019.

Nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Đinh Tùng

Nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Đinh Tùng

Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 đánh giá, năm 2020, dù trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19, thiên tai, thị trường tiêu thụ khó khăn... nhưng ngành NN-PTNT Sơn La tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành quả tích cực, bộ mặt nông thôn được thay đổi, đời sống đồng bào các dân tộc Sơn La được cải thiện, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Tại phiên họp thứ 55, UBND tỉnh Sơn La khóa XIV, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh đã yêu cầu các sở, ngành và các địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 1/2021. Trong đó, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sản xuất vụ đông Xuân đúng kế hoạch; xây dựng các phương án phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc vụ Đông; chủ động đảm bảo đầy đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Sơn La, năm 2020, tổng sản phẩm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp thủy sản ước đạt 7.580 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2019. 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 95% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 45,5%.

Sơn La tiếp tục là địa phương có diện tích cây ăn quả vào top đầu cả nước, khi đạt gần 80.000 ha. Trong đó, diện tích ghép cải tạo đạt trên 13.000 ha; trên 4.000 ha được cấp 181 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; có 85 sản phẩm OCOP; 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ.

Cũng theo báo cáo của Sở NN-PTNT Sơn La, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha trồng trọt đạt 47 triệu đồng, tăng 83% so với năm 2016; giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 100 triệu đồng, tăng 4% so với năm 2016...

Thời gian qua, các huyện, thành phố của Tỉnh Sơn La đã tập trung phòng, chống, khắc phục rét đậm, rét hại và sương muối cho cây trồng; đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông; tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La; tổ chức thành công Hội nghị vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản thuộc Công ty TNHH IC Food Sơn La…

Năm 2021, Sơn La tiếp tục thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu đưa nông nghiệp Sơn La tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Do đó,  “các cấp, các ngành phải tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh động vật, dịch bệnh hại cây trồng; tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững, nâng cao giá trị gia tăng...” - Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La khẳng định.  

Sản phẩm OCOP - hạt Sa Chi của HTX Quang Minh, Mai Sơn, Sơn La. Ảnh: LT

Sản phẩm OCOP - hạt Sa Chi của HTX Quang Minh, Mai Sơn, Sơn La. Ảnh: LT

Năm 2020, toàn tỉnh Sơn La có 55 sản phẩm của 12 huyện, thành phố được đề nghị đánh giá, xếp hạng. Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh đã đánh giá và chấm điểm cho các sản phẩm tham gia bằng phương thức đánh giá chấm điểm trên phần mềm số hóa quy trình phân hạng sản phẩm OCOP, giúp việc chấm điểm nhanh hơn. Kết quả, có 22 sản phẩm được đánh giá 4 sao và 32 sản phẩm đánh giá 3 sao.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.