| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Giã từ giấc mơ Gru

Thứ Sáu 11/08/2023 , 09:10 (GMT+7)

Từ khi biết nằm trên lưng mẹ lên rẫy, đứa trẻ nào ở Buôn Đôn cũng muốn được xưng tụng như cụ Khun Ju Nốp ngày xưa, anh Y Lít bảo thế.

Anh Y Lít và bộ dụng cụ săn voi, gồm khoảng 20 món. Ảnh: Bảo Thắng.

Anh Y Lít và bộ dụng cụ săn voi, gồm khoảng 20 món. Ảnh: Bảo Thắng.

Hoài niệm chiếc bành voi

Y Lít dẫn và mời chúng tôi ngồi thử vào chiếc bành voi, đặt trang trọng trong ngôi nhà như một viện bảo tàng thu nhỏ tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Chỗ này là một chiếc cỡ nhỏ, vừa đủ một người ngồi, nghe Y Lít kể là trước thỉnh thoảng anh dùng để ra bản. Chỗ kia là một chiếc lớn hơn, có thể chứa được 2 - 3 người lớn, từng là nơi để du khách trải nghiệm khi tới du lịch.

Bài liên quan

Mỗi chiếc một vẻ nhưng giờ đều phủ một lớp bụi dày của năm tháng. Tháng 2 năm nay, Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn chính thức thông báo dừng khai thác dịch vụ cưỡi voi. Đó cũng là lời cáo chung cho số phận của những chiếc ghế một thời được coi là đỉnh cao của sự trọng vọng.

Không ai nhớ rõ bành voi ra đời từ lúc nào, chỉ biết từ các triều đại Ngô, Đinh, Lê... voi đã được sử dụng để canh gác các địa điểm trọng yếu, đi đầu trong các đám rước, lễ hội cung đình, chở vua quan vi hành. Từ đó, không những voi phải được trang điểm đẹp, mà bành voi cũng được bố trí trang trọng, lộng lẫy. Trong những bức vẽ, ảnh chụp còn lưu lại ngày nay, bành voi thậm chí to ngang một chiếc giường đơn, có lọng che và được phủ vải kim tuyến nhiều màu.

Tại Tây Nguyên, đồng bào Êđê, M’Nông thường làm bành voi từ khung gỗ và dây mây. Khi chở người, đồ đạc, chiếc bành được buộc trên lưng voi. Để giữ bành vững chắc, không nghiêng khi voi chạy hoặc di chuyển qua vùng dốc, đồng bào dùng sợi dây mây to, choàng vào cổ, đuôi, bụng, nách voi rồi buộc chặt.

Hàng chục năm trước, chiếc bành vừa là vật trang trí làm đẹp cho voi, vừa là nơi thể hiện quyền lực. Theo lời Y Lít, người từng theo cha vào rừng săn voi mấy chuyến nhưng đều thất bại, thì chỉ “Gru” mới đủ tự tin ngồi vào vị trí này.

Gru là ai? Không có một định nghĩa chính xác nhưng trong cộng đồng săn voi, nhưng ai săn được từ 15 voi trở lên thì được phong tước hiệu này. Gru là thợ chính, là người dẫn đầu và chỉ đạo toàn bộ đoàn thợ săn trong suốt quá trình săn voi. Họ được mặc áo đẹp, ngồi ở đầu con voi thông minh nhất, khỏe nhất đoàn. Những người còn lại đều được gọi là thợ phụ - Rmắk.

Trong đám thợ phụ cũng phân làm nhiều cấp. Mới đi săn hoặc săn dưới 3 con thì phải cởi trần, đóng khố, ngồi phía bụng voi và không được ăn cá màu trắng. Những người này phải lo kiếm củi, nấu cơm, thậm chí thức đêm để trông chừng cho cả đoàn. Vượt qua ngưỡng này, thợ săn mới được mặc áo, có thể ăn cá màu trắng nhưng vẫn chỉ sắm vai giúp việc cho Gru.

Trước ngày săn voi, các thợ săn phải kiêng cữ nhiều thứ bởi công việc săn voi vô cùng nguy hiểm. Một đội săn voi được chia làm 3 tốp, đầu cùng là voi dìu, kế đến là voi thúc và sau cùng là voi săn. Các tốp sẽ lần lượt tiếp cận voi rừng đầu đàn, voi mẹ và voi con. Sau khi Gru thổi tù và ra hiệu, đồng loạt voi nhà sẽ tấn công. Đợi đến khi voi rừng đầu đàn có dấu hiệu thua trận, gầm rú ra hiệu cho cả đàn tháo chạy, voi săn sẽ tách voi con khỏi voi mẹ, chờ tới lúc nó không bắt kịp đàn. Khi ấy, Gru sẽ quăng dây tròng, móc lấy chân sau bên trái của voi con. Để voi con chạy thêm ít bước, Rmắk sẽ nhảy xuống rồi lựa một cây to nào đó để quăng dây cột lại. Voi con chạy vòng quanh theo thân cây như tự trói mình tại chỗ.

Bành voi thể hiện uy quyền của Gru, hiện được Y Lít giữ gìn như bảo vật gia truyền. Ảnh: Quốc Nhật.

Bành voi thể hiện uy quyền của Gru, hiện được Y Lít giữ gìn như bảo vật gia truyền. Ảnh: Quốc Nhật.

Quá trình thuần dưỡng voi con từ 3 - 4 tháng, thậm chí kéo dài tới cả năm nếu voi con bướng bỉnh. Để chắc chắn, Gru luôn chỉ chọn voi con từ 3 - 5 tuổi. Ít hơn thì voi bám mẹ, khó có thể sống tự lập sau khi bị bắt; còn lớn hơn thì voi đã định hình tính cách, khó nghe lời.

Mỗi đội săn có thể lên tới 10 - 15 voi nhà, nhưng cũng có khi chỉ 3 - 5 con, tùy thuộc vào số lượng cá thể trong đàn voi rừng và kinh nghiệm của Gru. Bởi Gru có trách nhiệm to lớn như thế nên trong quan niệm của người Êđê, M’Nông trước đây, trở thành Gru là một vinh dự to lớn không chỉ có cá nhân mà còn là cả dòng tộc.

Vùi chôn vào ký ức

Tương truyền vào thuở thành lập Buôn Đôn, voi rừng hay về đây quậy phá. Cụ Y Thu Knul, sinh năm 1828, mất năm 1938 mới mày mò tìm cách săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Là vị tù trưởng nổi tiếng bậc nhất khắp núi rừng Tây Nguyên, ông từng bước khai phá và sáng lập ra buôn làng, giúp bà con ổn định cuộc sống. Đặc biệt, ông từng bắt được một con voi trắng - loài vật được người Êđê, M’Nông tôn sùng là linh thiêng - và đem tặng cho vua Thái Lan. Cảm phục tài năng của cụ, vua Thái phong ông tước hiệu Khun Ju Nốp, nghĩa là “vua săn voi”.

Cháu của cụ, ông Y Prông Êban, thường gọi là Ama Kông, tiếp bước nghề săn voi. Ông từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng giấy khen nhờ thành tích góp voi cho kháng chiến. Ama Kông cũng là người cuối cùng sống trong ngôi nhà sàn 3 gian bằng gỗ quý, trị giá tương đương hơn 10 con voi vào thời điểm cụ Y Thu Knul dựng xong nhà.

Anh Y Lít, chủ voi Bắc Plang phía sau anh trong rừng Yok Đôn. Ảnh: Bá Thắng.

Anh Y Lít, chủ voi Bắc Plang phía sau anh trong rừng Yok Đôn. Ảnh: Bá Thắng.

Trước đây khi voi rừng còn nhiều, việc săn bắt voi khá dễ dàng. Có những chuyến, ông Ama Kông bắt được đến gần 10 voi con. Tuy nhiên, theo thời gian, số lượng này giảm dần. Bản thân Ama Kông cũng nhận thấy điều ấy. Sau khi kết thúc chuyến đi săn cuối cùng vào khoảng năm 1996, ông “rửa tay gác kiếm” và tham gia công tác bảo tồn, thuần dưỡng voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn.

Quyết định ấy của Ama Kông ảnh hưởng lớn đến nhận thức các thế hệ đi sau. Anh Y Mắt, chủ voi Y Khun, từng tham gia chiến dịch di dời voi rừng Tánh Linh kể, từ hồi 18 tuổi đã làm thợ phụ đi săn voi nhưng cả 2 lần vào rừng đều không thu được thành quả. Sau đó, khi tận mắt chứng kiến đàn voi nhà khó sinh sản, anh bỏ hẳn giấc mơ trở thành Gru.

Anh Y Lít, chủ voi Bắc Plang, nhận định do voi nhà ít khi được thả mà chủ yếu bị cột tại nhà nên bản năng tự nhiên mất dần đi. Thêm nữa, chúng thường bị cùm chân trước nên voi đực rất khó nhảy lên giao phối. Tương tự, voi cái thường rơi cảnh kiệt sức do lao động liên tục nên cũng không muốn cho voi đực nhảy.

Đó là điều trái ngược với voi hoang dã, mỗi cả thể luôn di chuyển liên tục có thể lên tới hàng chục cây số mỗi ngày. Có môi trường sinh sống rộng giúp voi rừng đảm bảo sức khỏe sinh sản.

Mới đây, trong chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, được tổ chức năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk không còn sử dụng voi diễu hành tại lễ hội đường phố. Tại Hội voi Buôn Đôn, Ban tổ chức cũng không tổ chức thi đua voi, voi bơi, voi đá bóng, mà chỉ tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi, thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, thi voi chào khán giả, chụp hình với voi.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk Thái Hồng Hà chia sẻ: “Các cấp, các ngành của tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với huyện Buôn Đôn để tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ voi, doanh nghiệp xây dựng và chuyển đổi từ mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi, tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi, góp phần bảo tồn đàn voi nhà tại Đắk Lắk”.

Cả nước hiện có 3 địa điểm bảo tồn voi chính, là Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) và Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Ngoại trừ Cát Tiên, voi hoang dã ở Yok Đôn và Pù Mát có xu hướng di chuyển tự do qua lại giữa biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia để tìm thức ăn và giao phối.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.