| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Voi Tánh Linh nhập rừng Yok Đôn

Thứ Tư 09/08/2023 , 09:10 (GMT+7)

Là cá thể voi duy nhất trong đợt di dời năm 2001 tham gia tour du lịch thân thiện, Thông Ngân từng bước hòa nhập với cuộc sống mới tại Yok Đôn.

Anh Y Mắt, người từng là chủ voi Y Khun và tham gia vào chiến dịch di dời voi Tánh Linh năm 2001. Nay anh là cán bộ kiểm lâm tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Bảo Thắng.

Anh Y Mắt, người từng là chủ voi Y Khun và tham gia vào chiến dịch di dời voi Tánh Linh năm 2001. Nay anh là cán bộ kiểm lâm tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Bảo Thắng.

Gần một tháng, voi - người đều mất ngủ

Bài liên quan

Di dời voi là một vấn đề lớn, phức tạp. Trước sự kiện voi rừng Tánh Linh năm 2001 khoảng 8 năm, đã có một chiến dịch gần tương tự, là chuyển voi từ Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) lên Yok Đôn, nhưng không thành công. Cả 6 cá thể voi sau khi chuyển lên môi trường mới đã không thể thích ứng, rồi lần lượt gục ngã trong rừng già.

Trở lại câu chuyện Tánh Linh, Chính phủ ngày ấy đã duyệt chi hơn 2 tỉ đồng, các tổ chức quốc tế cũng tài trợ hàng chục nghìn USD để đảm bảo công tác di dời voi. Tính trung bình, mỗi cá thể voi Tánh Linh tiêu tốn khoảng 500 triệu đồng, tương đương hơn 10 cây vàng thời điểm bấy giờ.

Với yêu cầu là “phải bắt sống để thả voi về với cuộc sống hoang dã”, chiến dịch được chuẩn bị công phu. Với đặc điểm rừng Tánh Linh không thuận tiện cho việc đi lại, voi nhà là phương tiện duy nhất để tiếp cận đàn voi rừng. Anh Y Mắt nhớ lại, trong đợt huấn luyện kéo dài khoảng 3 tháng, anh đã thuần thục cho Y Khun cách áp sát vào voi rừng sau khi chúng bị bắn thuốc gây mê, khống chế chúng giúp quản tượng buộc được chân voi. Cũng trong quá trình đàn voi rừng bị bắn gây mê, voi nhà sẽ giúp toàn bộ đoàn chuyên gia di chuyển.

Chuyện đã qua hơn 20 năm nhưng với Phó Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn Huỳnh Nghĩa Hiệp, khi ấy còn là Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, tất cả như mới xảy ra hôm qua. Anh kể, ngay trước thời điểm bắt đầu chiến dịch vào đầu tháng 11/2001, đàn voi ở Tánh Linh đột ngột xé bầy. Dù đã tính nhiều phương án như sử dụng voi nhà giúp voi rừng thở bằng cách lật nghiêng sau khi bắn thuốc mê, tính toán kỹ địa điểm bắn tại vùng đồng bằng tránh việc voi lao xuống vực, nhưng không may là 2 voi rừng đầu tiên đều chết sau khi được tiếp cận.

Sự việc khiến dư luận xôn xao thời điểm đó. Bản thân anh Y Mắt, với kinh nghiệm nhiều năm săn voi rừng và trực tiếp huấn luyện Y Khun, được nhiều báo đài trung ương phỏng vấn, khẳng định: “Voi nhà đủ sức bắt được voi rừng”. Theo người đàn ông dân tộc Êđê, 2 voi tham gia chiến dịch là đủ áp tải 1 voi rừng, theo thế một đi trước, một đi sau. Cách này làm voi bớt sợ hãi và hung dữ.

Niềm tin của Y Mắt cộng với quyết tâm của ông Nguyễn Bá Thụ, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm lâm giai đoạn ấy được đền đáp. Trong tuần cuối của tháng 11 và tuần đầu tháng 12/2001, lần lượt 6 cá thể voi được bắt và di chuyển lên Vườn quốc gia Yok Đôn an toàn. Trong số này có voi đầu đàn, được các chuyên gia gọi là voi “hột xoài” bởi dấu chân có hình này và ở mức ngoại cỡ (42x53cm).

Y Khun và Bun Khăm, bộ đôi voi nhà từng bám sát chiến dịch di dời voi rừng Tánh Linh năm 2001, nay đều đã ở tuổi 60. Ảnh: YĐ.

Y Khun và Bun Khăm, bộ đôi voi nhà từng bám sát chiến dịch di dời voi rừng Tánh Linh năm 2001, nay đều đã ở tuổi 60. Ảnh: YĐ.

Chiến dịch di dời voi rừng Tánh Linh kéo dài từ ngày 9/11 kết thúc vào 15/12. Một điều luyến tiếc là cá thể cuối cùng, được phỏng đoán là voi đực to nhất đàn, rút sâu vào khu vực núi Ông sau khi con đầu đàn bị bắt. Nó hầu như không ngủ, đi suốt ngày đêm. Dựa trên sải chân để lại, các chuyên gia cho rằng cá thể này đã liên tục chạy và không có chỗ trú ẩn cố định.

Không chỉ đàn voi, toàn bộ nhân sự tham gia chiến dịch và nhân viên Vườn quốc gia Yok Đôn túc trực nơi hậu phương, sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất sau khi di dời từ Tánh Linh, cũng chẳng có ngày nào yên giấc trong một tháng ấy. Anh Nguyễn Mạnh Hiệp - một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, con trai của Cục trưởng Nguyễn Bá Thụ, kể lại, rằng cha đã thức trắng nhiều đêm để thay đổi phương án tập kết voi tại Bàu Chồn (Bình Thuận), cũng như quyết định “bắt từng voi một”, thay vì tập trung bắt cả đàn.

Theo anh Nguyễn Mạnh Hiệp, voi rừng Tánh Linh vốn đã hung dữ. Khi bị con người áp chế, bắt nhốt, chúng càng phản ứng mạnh, kêu rống suốt đêm, phá phách, gây nguy hiểm cho người. Một số cán bộ lâu năm của Vườn quốc gia Yok Đôn kể thêm, để phòng chống, hai voi nhà của vườn đã canh giữ gần như 24/24 giờ xung quanh lán trại nhốt voi rừng Tánh Linh. Có nhiều đêm, chúng phải hua vòi, giậm chân, trợ uy cho tiếng máy nổ và đèn chiếu sáng của lực lượng kiểm lâm khỏi các đôi mắt đỏ quạch giận dữ từ bầy voi rừng.

Cuộc đời mới cho Thông Ngân

Khác với Tánh Linh, với đầy rẫy cao su và hoa màu, Yok Đôn hoang sơ, ngan ngát vị cây cỏ. Chẳng thế mà ngay khi tiếp đất, đàn voi 6 con gồm 4 con trưởng thành và 2 con nhỏ đã phóng thẳng vào rừng.

Ngày mới về vườn, cả 6 con đều không chịu nhập đàn cùng voi Yok Đôn, quậy phá lung tung. Nhiều lần chúng vượt khỏi địa bàn, đột nhập vào các khu dân cư ở xã Đăk Win, Ea Pô, Nam Dong thuộc huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Lắk, phá phách hoa màu, làm người dân ở đây hoang mang. Trước tình hình đó, Vườn Quốc gia Yok Đôn kiến nghị Bộ NN-PTNT cho triển khai Dự án “Theo dõi tập tính sinh hoạt của đàn voi rừng được chuyển từ Bình Thuận về Yok Đôn” để thuần dưỡng và bảo tồn. Qua máy định vị, cán bộ kiểm lâm xác nhận 4 con trưởng thành hòa nhập được môi trường mới, thậm chí 2 voi đực còn tỏ ra quyến luyến voi cái, vốn là voi nhà được thả trong Yok Đôn.

Riêng 2 voi con thì khó khăn hơn. Do lúc về vườn còn nhỏ, khoảng 3 - 5 tuổi nên chúng không thể sống tự lập. Cộng với thói quen ăn ngô, sắn từ hồi ở Tánh Linh, nên thường lang thang, lạc vào khu dân cư.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, sau nhiều cân nhắc, Bộ NN-PTNT đồng ý cho Vườn quốc gia Yok Đôn thuần hóa hai voi con. Nhiệm vụ này được giao lại cho Y Mắt, vốn đã quen cả hai cá thể từ lúc tham gia trực tiếp vây bắt ở Tánh Linh, và Y Siêm đảm nhận.

Theo truyền thống của nghề thuần dưỡng voi, cán bộ vườn làm lễ đặt tên cho 2 chú voi con là Thông Ngân (nghĩa là “Đồng tiền vàng”) và Thông Khăm (“Đồng tiền bạc”). Mất một thời gian khá lâu, các quản tượng mới làm thân được với chúng. Anh Y Mắt bảo: “Chúng như những đứa trẻ. Mình chăm nó thì nó quý mình, mình biết cách dạy nó thì nó ngoan ngoãn nghe theo mình”.

Voi Thông Ngân từng bị đối tượng xấu cưa một phần ngà. Sau nhiều năm, ngà bên phải đã mọc dài gần bằng bên trái. Ảnh: YĐ.

Voi Thông Ngân từng bị đối tượng xấu cưa một phần ngà. Sau nhiều năm, ngà bên phải đã mọc dài gần bằng bên trái. Ảnh: YĐ.

Hàng ngày, ngoài hướng dẫn cho 2 chú làm những công việc của voi nhà, quản tượng còn cho chúng trải nghiệm rừng khộp khi đưa khách du lịch đi tham quan. Hai chú voi Tánh Linh thường chơi đùa cùng nhau và thử sức mạnh của nhau bằng vòi. Hai chú cũng thích chào nhau bằng những cái chọt hay huých nhẹ nhàng bằng ngà. Về sau, do một sự cố của quản tượng, Thông Khăm được giao cho Trung tâm Bảo tồn voi chăm sóc, chỉ còn Thông Ngân tiếp tục tham gia mô hình tour voi thân thiện.

Là một chú voi trẻ và hiếu động, nhưng Thông Ngân không giỏi thể hiện thông điệp của mình tới mọi người. Ban đầu, chú giúp chuyên chở lều trại, đồ ăn và thức uống cho các chuyến cắm trại dài ngày. Về sau, như nhiều voi khác ở Buôn Đôn, Thông Ngân tham gia phục vụ hoạt động du lịch. Chú khá ham ăn, mỗi lần phải chia sẻ mía với những voi khác, chú sẽ cố gắng nhét càng nhiều càng tốt thức ăn vào giữa ngà và vòi của mình.

Năm 2015, vì lòng tham, một nhóm người đã cố gắng cắt trộm ngà của Thông Ngân. Khi phát hiện, kẻ xấu đã cắt tới 2/3 ngà phải của chú, buộc các chuyên gia phải cưa đứt phần ngà đó để trám lại. Mất hơn 6 năm, ngà của Thông Ngân mới dài đều trở lại. Trong chuyến thăm của chúng tôi, nhìn từ xa, thật khó để nhận biết ra sự khác biệt giữa hai ngà.

Thông Ngân từng bước bắt nhịp được với cuộc sống mới nhưng vẫn còn đó những nỗi lo cho những người làm bảo tồn Vườn quốc gia Yok Đôn, nhất là khi chú vào mùa động dục.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.