| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ... có điện

Thứ Tư 18/08/2021 , 09:29 (GMT+7)

Tôi bước vào căn nhà tối âm âm như trong động, cửa mở hết rồi thì cũng chỉ đủ lờ mờ, ngồi mãi mới quen nổi... 'Ước mơ ngàn đời' nay vẫn là ước mơ.

Thôn Giàng Pằng 'đói điện'. Ảnh: Thái Sinh.

Thôn Giàng Pằng "đói điện". Ảnh: Thái Sinh.

Sùng Đô một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tôi biết đến Sùng Đô qua truyện ngắn “Lên Sùng Đô” của nhà văn Tô Hoài. Lần đầu tiên tôi lên Sùng Đô vào khoảng tháng 3/2005, khi ấy đang là mùa khô, đường lên Sùng Đô cứ bám núi ngược lên, gió thổi ù ù dọc theo sườn núi xuống các thung lũng, càng lên cao gió càng thổi mạnh, mênh mông một vùng núi trọc chỉ toàn những lau chít và cỏ tranh thi thoảng mới có một chòm rừng nằm sâu trong các hẻm núi. Gió như bầy ngựa hoang xô cây cỏ đổ rạp lớp lớp. Đã qua mùa thu hoạch những thửa ruộng bậc thang nằm vân vi khắp các sườn núi, rau khúc mọc miên man nhìn xa ngỡ ruộng mới tráng một lớp thuỷ ngân.

Sùng Đô có 4 thôn là Giàng Pằng, Làng Mảnh, Ngả Hai và Nà Nọi. Trụ sở xã đặt ở thôn Nà Nọi, nơi tôi thấy lá cờ đỏ đầu tiên khi từ dưới núi nhìn lên, đó là nhà của Anh hùng Lao động Giàng A Thào. Ông được phong Anh hùng Lao động năm 1967, là người anh hùng lao động dân tộc Mông đầu tiên của tỉnh Yên Bái, ông mất ngày 17/3/1994, thọ 71 tuổi.

Trong căn nhà tối âm âm chìm trong mây mù tôi nghe Giàng A Sùng con trai ông Giàng A Thào kể lại câu chuyện cha mình đã vận động người dân Sùng Đô làm ruộng bậc thang: Gia đình tôi trước ở Giàng Pằng, tiếng Mông thì Giàng Pằng nghĩa là núi cao, nếu đi bộ phải mất 8 tiếng. Năm 1960 bố tôi nghe lời vận động của Đảng đã quyết định hạ sơn xuống Nà Nọi làm ruộng và giữ rừng.

Chuyện về Giàng A Thào vận động người dân Sùng Đô hạ sơn làm ruộng gian nan và dài như con đường lên Sùng Đô không thể nào kể hết. Tiếng lành đồn xa, nhiều thôn bản vùng cao khắp vùng Tây Bắc học theo gương Giàng A Thào hạ sơn làm ruộng bậc thang định canh định cư. Chính vì thế, ông được phong là Anh hùng Lao Động.

Sùng chỉ tay lên phía đỉnh núi mờ mịt mây trắng bảo tôi: Giàng Pằng, Làng Mảnh ở trên đó…Trước lúc lên Sùng Đô tôi đã được nghe về rừng chè đại cổ thụ trên Giàng Pằng, điều đó đã thôi thúc tôi phải đặt chân lên Giàng Pằng để tận mắt nhìn thấy những đại lão chè cổ thụ 500 - 600 năm tuổi.

Lần đầu tiên đặt chân lên Giàng Pằng tôi như lạc vào miền cổ tích, những ngôi nhà thấp lè tè như những cái nấm bám vào vách núi. Thôn có 78 hộ, trước đây nhà nào cũng lợp bằng cỏ tranh hoặc ván cây pơ mu chẻ ra, nhưng do lợp ván pơ mu không kín khi trời mưa kèm theo giông lốc thì trong nhà cũng như ngoài sân đều ướt. Vì thế, bà con thay bằng những tấm lợp, nhà trưởng bản Giàng A Châu có lẽ to nhất bản mới thay lại mái nhà bằng tấm lợp nên nom rất mới.

Bước chân vào nhà, mặc dù lúc này đang là giữa trưa, nhưng trong nhà tối om, Giàng A Châu chạy lại chiếc cột bật cái bóng điện chạy bằng máy phát điện nhỏ đặt dưới suối cách nhà chừng một cây số, nhưng bóng điện chỉ sáng hơn con đom đóm đực, nên anh phải mở hết các cửa cho sáng.

Giàng A Châu cho hay Giàng Pằng có 78 hộ, nhưng chỉ có khoảng hơn chục hộ có máy phát điện nhỏ đặt dưới suối cách nhà cả nghìn mét, nên điện rất yếu. Về mùa mưa thì thắp được hai bóng, còn mùa khô chỉ được một bóng sáng lờ mờ. Cách nay mấy năm, gia đình anh mua một chiếc ti vi về xem, do điện yếu dù đã tắt hết các bóng điện, nhưng ti vi cũng chỉ loằng nhoằng chả nhìn thấy gì, nên đành bỏ từ đó.

Đường dây điện từ các máy phát điện nhỏ thôn Giàng Pằng. Anh: Thái Sinh.

Đường dây điện từ các máy phát điện nhỏ thôn Giàng Pằng. Anh: Thái Sinh.

Châu bảo một chàng thanh niên dẫn tôi ra xem đường dây điện nước của thôn, một mớ dây điện nhằng nhịt luồn qua rừng chè cổ thụ, anh bảo tôi: Máy phát điện đặt tít dưới suối cách đây hơn cây số, cũng chả đủ nước để chạy máy phát điện đâu, nên bà con chủ yếu thắp đèn dầu thôi bác ạ...

Phó Chủ tịch xã Sùng Đô Giàng A Lứ cho tôi biết: Xã có 4 thôn, nhưng chỉ có hai thôn Nà Nọi, Ngả Hai gần trụ sở ủy ban xã thì có điện, thôn Giàng Pằng có 78 hộ, Làng Mảnh 47 hộ nằm tít tận trên núi cao thì chưa biết bao giờ có điện, cũng chỉ ước mơ thôi. Sau trận mưa lũ lịch sử năm 2018, Sùng Đô phải di dời 42 hộ khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất, gọi là khu tái định cư đến nay vẫn chưa có điện…

Thế có nghĩa nửa xã Sùng Đô, quê hương của Anh hùng Lao động Giàng A Thào nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay đại đa số người dân không còn đói ăn, nhưng có đến 167 hộ “đói” điện, nghe sao mà chua chát thế.

Trạm điện năng lượng mặt trời do hoa hậu Đỗ Mỹ Linh tặng thôn Cu Vai đã ngừng phát điện. Ảnh: Thái Sinh.

Trạm điện năng lượng mặt trời do hoa hậu Đỗ Mỹ Linh tặng thôn Cu Vai đã ngừng phát điện. Ảnh: Thái Sinh.

Cuối tháng 5 vừa rồi tôi theo bí thư huyện Trạm Tấu Giàng A Thào lên thôn Cu Vai, một địa danh du lịch nổi tiếng, báo chí trong nước và báo chí nước ngoài gọi Cu Vai là Thiên đường mây, Thiên đường cổ tích… Đó là địa chỉ mà bất cứ dân phượt nào đặt chân lên Trạm Tấu đều muốn tới. Buồn thay, nơi này vẫn chưa có điện. Năm 2017 hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đã hỗ trợ người dân thôn Cu Vai một trạm phát điện năng lượng mặt trời, ánh điện cũng chỉ sáng được mấy tháng rồi tắt ngấm. Một số hộ bán lợn, gà mua máy thủy điện nhỏ, chủ yếu để thắp sáng và nạp đèn pin.

Tôi vào nhà Mùa A Vư, nguyên Chủ tịch xã Xà Hồ, ông cho hay: Thôn Cu Vai có 52 hộ, riêng chòm Cu Vai là khu tái định cư tập trung năm 2011 có 31 hộ nay tăng thêm 4 hộ nữa thành 35 hộ. Căn nhà của ông tối âm âm như trong động, ông mở hết 3 cửa nhưng cũng cũng chỉ sáng lờ mờ, tôi phải ngồi một lúc mới quen được thứ ánh sáng yếu ớt mờ mờ ảo ảo của ngôi nhà. Khắp trong nhà là một màu đen đúa, cũ kỹ, vợ ông đang múc cơm từ chiếc hông lớn, tôi hỏi ông: Buổi tối không có điện thì gia đình nấu nướng, sinh hoạt thế nào?

Người dân Cu Vai sở hữu '4 không': Không điện, không đài, không ti vi, không điện thoại. Ảnh: Thái Sinh.

Người dân Cu Vai sở hữu "4 không": Không điện, không đài, không ti vi, không điện thoại. Ảnh: Thái Sinh.

Ông chỉ vào mấy chiếc đèn dầu và chiếc đèn pin nạp điện đáp: Dùng mấy cái này thôi… Một vùng đất du lịch nổi tiếng, nhưng cho đến nay vẫn bốn không: Không điện, không đài, không ti vi, không điện thoại và mỗi khi đêm xuống tất cả đều chìm trong bóng tối như cả ngàn năm trước.

Do không có điện, nên người dân vẫn phải xay ngô bằng sức người. Ảnh: Thái Sinh.

Do không có điện, nên người dân vẫn phải xay ngô bằng sức người. Ảnh: Thái Sinh.

Kế hoạch năm 2021 tỉnh Yên Bái phấn đấu hoàn thành 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì có 3 xã Tân Hợp, Châu Quế Thượng, Nậm Khắt do nhiều thôn bản chưa có điện, nên chưa thể công nhận.  

Những dòng suối ở Yên Bái cạn kiệt vì thủy điện, nhưng người dân thì không có điện. Ảnh: Thái Sinh.

Những dòng suối ở Yên Bái cạn kiệt vì thủy điện, nhưng người dân thì không có điện. Ảnh: Thái Sinh.

Tỉnh Yên Bái hiện có 62 dự án thủy điện, trong đó có 24 nhà máy đã phát điện, tổng công suất mỗi năm sản xuất ra 1,8 tỷ KW, trong khi đó Yên Bái chỉ tiêu thụ hết 1,03 tỷ KW. Một nghịch lý là người dân giữ rừng cho các nhà máy thủy điện đến nay vẫn còn 58 thôn bản, với 6.750 hộ chưa có điện, nên ánh sáng văn minh đối với với họ là chuyện xa vời.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.