| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp để HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ rau quả

Thứ Ba 05/10/2021 , 14:05 (GMT+7)

Ngày 27/9/2021, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Các giải pháp chủ yếu thúc đẩy các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ rau, quả ở TP.Hà Nội.

Chiều ngày 27/9/2021, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Các giải pháp chủ yếu thúc đẩy các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả ở thành phố Hà Nội” dưới hình thức trực tuyến. Chủ đề trình bày là nội dung nghiên cứu thuộc đề tài cấp thành phố Hà Nội do PGS.TS. Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện chủ nhiệm được thực hiện từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2021.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: HVNN

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: HVNN

Được biết, đề tài này được nghiên cứu tiến hành khảo sát toàn bộ 15 HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau theo Báo cáo số 407/2020/BC-SNN của Sở NN-PTNT Hà Nội. Bên cạnh đó, nghiên cứu tiến hành khảo sát 20 HTX không ứng dụng CNC trên địa bàn các huyện Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thanh Trì, Đông Anh nơi tập trung sản xuất nhiều loại rau cung cấp cho địa bàn thành phố Hà Nội.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay tỷ lệ diện tích rau ứng dụng CNC trên tổng diện tích rau của HTX được khảo sát tại Hà Nội là 21,7%. Tỷ lệ này ở các HTX toàn xã/toàn thôn là 19,9% trong khi ở các HTX kiểu mới đạt tỷ lệ cao hơn hẳn là 36,6%.

Về loại CNC, các HTX hiện chủ yếu tập trung đầu tư CNC trong khâu canh tác (nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới tự động với tỷ lệ 86,67%), bước đầu quan tâm tới CNC trong khâu bảo quản, sơ chế (33,33%) và tiêu thụ (40%). Và các HTX đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư đồng bộ CNC trong đó đặc biệt lưu ý tới kho lạnh bảo quản tuy nhiên cần vốn đầu tư lớn. Truy xuất nguồn gốc sử dụng tem QR đã được sử dụng ở môt số HTX với tỷ lệ 40% các HTX ứng dụng CNC được khảo sát.

Tuy nhiên, hiện nay mã QR mà các HTX sử dụng mới dừng lại ở truy xuất nguồn gốc tới một số thông tin như tên HTX, các chứng nhận chất lượng được niêm yết công khai trên cổng thông tin Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội. Hiện nay, chưa có HTX nào ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc rau, quả tại Hà Nội.

Nghiên cứu đã chỉ ra so với sản xuất truyền thống thì các HTX sản xuất và tiêu thụ rau ứng dụng CNC có hiệu quả hơn hẳn. Các khía cạnh hiệu quả được xem xét trên các khía cạnh về hiệu quả kinh tế: tăng năng suất, tiết kiệm các loại chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động….

Cùng đó, là hiệu quả xã hội: các HTX ứng dụng CNC 100% tạo việc làm cho thành viên HTX, cung cấp vật tư nông nghiệp, giúp kết nối thị trường tiêu thụ, và tiến hành kiểm tra giám sát thành viên sản xuất theo đúng quy trình và hiệu quả môi trường: tỷ lệ thành viên ứng dụng CNC sử dụng thiên địch trong sản xuất rau với tỷ lệ 100%, các HTX ứng dụng CNC đã thực hành các biện pháp xử lý rác thân thiện như ủ rác hữu cơ và giảm sử dụng túi nilon và chất thải nhựa.

Nghiên cứu đã chỉ ra so với sản xuất truyền thống thì các HTX sản xuất và tiêu thụ rau ứng dụng CNC có hiệu quả hơn hẳn. Ảnh: HVNN

Nghiên cứu đã chỉ ra so với sản xuất truyền thống thì các HTX sản xuất và tiêu thụ rau ứng dụng CNC có hiệu quả hơn hẳn. Ảnh: HVNN

TS. Lê Thị Thanh Loan, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp cho biết, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và mô hình hồi quy nhằm xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới ý định ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau của các HTX.

Kết quả phân tích EFA đã rút ra một số yếu tố ảnh hưởng bao gồm nhận thức về tính hữu ích của nông nghiệp CNC, nguồn vốn, kỹ năng và năng lực của cán bộ và thành viên HTX, các yếu tố lao động, đất đai, công nghệ và chuyển giao công nghệ và nhóm nhân tố chính sách.

Các giải pháp nhằm thúc đẩy các HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả ở thành phố Hà Nội bao gồm: 

Về quy hoạch, cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, sớm hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp CNC, quy hoạch lưu ý gắn phát triển sản xuất rau với phát triển du lịch sinh thái. 

Về thị trường: tuyên truyền những lợi ích của ứng dụng nông nghiệp CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu rau đi kèm với việc minh bạch các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác giám sát lẫn nhau của thành viên HTX đặc biệt lưu ý với nhóm các HTX quy mô toàn xã/toàn thôn. 

Cùng đó, về đất đai thì cần xem xét ràng buộc liên quan tới sử dụng đất đúng mục đích, đất nông nghiệp thì không được xây dựng các công trình kiên cố; Về tín dụng: các HTX cần có sự tư vấn pháp lý, hỗ trợ hồ sơ tín chấp, thế chấp để thuyết phục các tổ chức tài chính, cần đảm bảo cơ chế phối hợp “win-win” giữa 3 bên bao gồm HTX - tổ chức tín dụng - đơn vị cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra. 

Về nhân lực, việc phân bổ nguồn kinh phí và phân công nội dung triển khai đào tạo bồi dưỡng cho các HTX cần được thống nhất đảm bảo chất lượng, không trồng chéo từ cấp thành phố, cần khảo sát nhu cầu đào tạo, các trường đại học phối hợp các HTX trong quá trình đào tạo cho sinh viên thực tập các chủ đề về HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau. Và về chính sách, cần hoàn thiện nội dung chính sách, cụ thể hóa chính sách, kịp thời giảm độ trễ khi triển khai các chính sách vào thực tiễn.

Bài trình bày được các đại biểu đánh giá cao về sự công phu và tính logic của đề tài. Nghiên cứu có ý nghĩa về giá trị khoa học và đóng góp cho thực tiễn triển khai các giải pháp chính sách thúc đẩy các HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả.

    Tags:
Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Bình luận mới nhất