| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên làm gì để nâng cao năng lực nuôi trồng thủy sản

Thứ Hai 10/10/2022 , 07:25 (GMT+7)

Để nâng cao năng lực cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Phú Yên sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Người nuôi cần nâng cao năng lực

Phú Yên là tỉnh ven biển có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân nơi đây đã sống dựa vào nuôi trồng thủy sản với các đối tượng nuôi chính như tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm, cá biển... Có thể nói nghề nuôi trồng thủy sản góp phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế nông lâm thủy sản tỉnh này.

Người nuôi tôm hùm kéo lồng vào bờ để tránh thiên tai. Ảnh: KS.

Người nuôi tôm hùm kéo lồng vào bờ để tránh thiên tai. Ảnh: KS.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có khoảng 6.940 hộ nuôi trồng thủy sản. Đứng đầu là thị xã Sông Cầu có 4.852 hộ gồm 3.807 hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè, 1.045 hộ nuôi trồng thủy sản ao đìa. Tiếp đến huyện Tuy An 1.128 hộ (376 hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè, 752 hộ nuôi trồng thủy sản ao đìa) và thị xã Đông Hòa có 960 hộ (283 hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè, 677 hộ nuôi trồng thủy sản ao đìa).

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, một trong những thách thức nuôi trồng thủy sản của địa phương thường xuyên phải đối mặt đó là thiên tai. Đặc biệt những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan như mưa, gió, bão, lũ lụt, khô hạn, nắng nóng, nước biển dâng…ngày càng khó lường, đã gây hiệt hại người dân nuôi trồng thủy sản hàng trăm tỷ đồng/năm.

Ngoài nguyên nhân khách quan thì cũng do năng lực thích ứng với thiên tai của cộng đồng người nuôi trồng thủy sản ở địa phương còn ở mức độ thấp. Đa số các vùng nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên có hệ thống hạ tầng xuống cấp, không được đầu tư đồng bộ.

Đối với nuôi ven bờ, hình thức nuôi chủ yếu là nuôi ao đìa thâm canh hoặc bán thâm canh nhưng chủ yếu quy mô hộ gia đình, bờ ao nhỏ, không được đầu tư kiên cố, dễ sạt lở, bể vỡ khi có bão, lụt. Cùng với đó khu nuôi không có ao chứa nước cấp nên không chủ động lấy nước cho ao nuôi, không có ao xử lý nước thải nên hầu hết nước thải từ hoạt động nuôi trồng được xả thải trực tiếp ra môi trường không xử lý theo quy định. Điều này dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thường xuyên xảy ra tại các vùng nuôi.

Lồng bè bằng gỗ để nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu không thích ứng với thiên tai. Ảnh: KS.

Lồng bè bằng gỗ để nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu không thích ứng với thiên tai. Ảnh: KS.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có khoảng 88.926 lồng nuôi trồng thủy sản, trong đó huyện Tuy An 8.950 lồng (trong đó 7.550 lồng ương tôm hùm, 1.400 lồng nuôi cá biển); thị xã Đông Hòa 16.786 lồng tôm hùm thịt và thị xã Sông Cầu 63.190 lồng (trong đó 14.000 lồng ương tôm hùm, 58.695 lồng nuôi tôm thịt, 495 lồng nuôi cá biển). Điều đáng nói hoạt động nuôi biển của tỉnh Phú Yên hiện chủ yếu trong đầm vịnh, vùng biển gần bờ, lồng bè nuôi thủ công bằng gỗ, tre không chống chịu được gió bão, gây ô nhiễm môi trường.

“Tóm lại năng lực cộng đồng nuôi trồng thủy sản của tỉnh xét về kinh nghiệm, vốn tự có thì khá dồi dào. Nhưng xét về công nghệ, nhân lực trình độ cao, về vật liệu thích ứng với biến đổi khí hậu thì còn nhiều hạn chế, cần phải thay đổi trong thời gian đến để phát huy được năng lực sẵn có và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững”, ông Phương bày tỏ.

Làm gì để nâng cao năng lực nuôi trồng thủy sản

Trước những tồn tại việc nâng cao năng lực công đồng nuôi trồng thủy sản là vấn đề cấp thiết để thích ứng với tình trạng cực đoạn của khí hậu, hướng đến ngành nuôi trồng thủy sản bền vững và hiệu quả cao.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế nông lâm thủy sản tỉnh này. Ảnh: KS.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế nông lâm thủy sản tỉnh này. Ảnh: KS.

Cũng theo ông Nguyễn Tri Phương, cộng đồng người nuôi cần nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu để thay đổi việc đầu tư ao nuôi, lồng bè nuôi, công nghệ nuôi thích ứng; nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ quyền lợi của chính mình và của xã hội. Tự nguyện tham gia các tổ cộng đồng, chuỗi liên kết ngành hàng, hợp tác xã để phát triển bền vững, hội nhập thị trường thuận lợi.

Nhà nước đồng hành, hỗ trợ cộng đồng nuôi trồng thủy sản thông qua việc quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ và trên biển nhằm tạo đòn bẩy tăng trưởng đột phá.

Do đó, nhằm phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo hướng bền vững, ổn định, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa với các ngành kinh tế khác đồng thời phát huy lợi thế của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo các địa phương và cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, như lập Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tích hợp vào quy hoạch tỉnh khoảng 2.000 ha ao đìa và 1.650 ha khu vực biển chuyên nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó rà soát khoảng 300 ha đất ven biển phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản trên bờ ứng dụng công nghệ cao; bổ sung vùng nuôi biển công nghệ cao 1.000ha.

Tổ chức sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và địa phương; hạn chế và quyết tâm chấm dứt tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch.

Kêu gọi đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 như dự án nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn công nghệ cao xã Xuân Bình; nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn công nghệ cao hạ lưu Sông Bàn Thạch; Nuôi biển công nghiệp vùng biển hở thôn Hòa Lợi, Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu.

Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh trình bộ ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh, đủ điều kiện ứng dụng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao như: Dự án Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch, dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Phú Yên tại đầm Cù Mông. Đồng thời vận động người nuôi đầu tư chuyển đổi, ứng dụng vật liệu mới chịu lực lớn, an toàn môi trường nhằm phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.