| Hotline: 0983.970.780

Giáo viên 35 năm dạy học, 0 đồng lương hưu

Thứ Năm 21/11/2019 , 08:48 (GMT+7)

Dành cả tuổi xuân để cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng đến khi về hưu cô Nguyễn Thị Tầm (SN 1953) không được một đồng lương hưu nào.

0 đồng lương hưu

Lần tìm về thôn Hồng Châu, xã Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên) hỏi thăm nhà cô Nguyễn Thị Tầm (SN 1953, giáo viên mầm non) thì từ người đầu bạc cho đến kẻ tóc xanh ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường.

img-20191116-14383313472465
Cô Nguyễn Thị Tầm – người có 35 năm gắn bó với ngành giáo dục

“Chú đi đến ngã tư có quán cắt tóc thì rẽ phải, sau đó đi kịch đường rồi rẽ trái, khi nào thấy cánh cổng sắt màu xanh đã hoen rỉ thì đó là nhà cô Tầm”, một đứa trẻ lên 5 ở thôn Hồng Châu chỉ dẫn.

Khi chúng tôi đến, cô Tầm đang sửa sang lại chiếc xe đạp cũ, chiếc xe mà suốt bao năm đã đồng hành cùng cô đến trường.

Ở tuổi 66, là giáo viên về hưu nhưng nếu không có ai giới thiệu thì sẽ tưởng cô là một lão nông, vóc người nhỏ nhắn, da đen, tóc bạc và khắc khổ.

Mặc dù có nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, thế nhưng căn nhà của cô Tầm chỉ rộng khoảng 15m2, bên trong kê 2 cái giường, 1 bộ bàn ghế. Tài sản đáng giá duy nhất bên trong căn nhà này có lẽ là chiếc ti vi cũ, hỏi ra mới biết cô thuộc diện hộ nghèo.

Cô Tầm cho biết, cô bắt đầu công tác giảng dạy từ tháng 9/1975, lúc đó lương được 5kg ngô/tháng. Cho đến những năm 1986 trở đi thì lương của cô được quy ra thành tiền. “Hồi đó mỗi cháu đi học nộp 1 ngàn đồng cho cả tháng, rồi tăng dần lên 10 ngàn, 15 ngàn sau đó là 50 ngàn/tháng thời điểm mà tôi chuẩn bị về hưu”, cô Tầm chia sẻ.

Bao năm cống hiến với hy vọng có mấy trăm ngàn đồng lương hưu để rau cháo tuổi già, nhưng thật sốc khi tháng 2/2010 cô Tầm nhận quyết định nghỉ hưu và từ đó cho tới nay cô không được nhận được một đồng lương hưu nào.

Nhìn cô Tầm, tôi lại chợt nhớ đến những giọt nước mắt của cô giáo mầm non vừa nghỉ hưu Trương Thị Lan ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Cô Lan từng nuốt những giọt nước mắt mặn đắng khi cầm trên tay quyết định nghỉ hưu với mức lương vỏn vẹn 1,3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, mức lương hưu đó lại cả là một niềm ao ước đối với cô Tầm, người gắn bó với giáo dục mầm non từ năm 1975.
 

Cứ nhắm mắt lại khóc thầm

Năm 1997, sau 22 năm đi dạy, cô giáo Tầm mới được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Mức lương giáo viên hợp đồng của cô rất thấp, chỉ có vài trăm nghìn nên số tiền đóng bảo hiểm cũng chẳng được là bao. Tính đến khi về hưu, cô Tầm có 13 năm tham gia bảo hiểm xã hội.

Khi cầm quyết định nghỉ hưu và nhận tiền “một cục” 13 triệu đồng, cô sắp ngất trước Phòng Giáo dục huyện. “Tôi chết lặng đi, khóc không ra tiếng nữa. Ai cũng bất ngờ, các giáo viên khác chỉ biết ôm lấy tôi rồi khóc theo. 13 triệu đồng cho 35 năm cống hiến, hy sinh, có đáng không cháu?”, cô Tầm nghẹn ngào nói.

Người dạy trẻ suốt 35 năm cho biết, những ngày đầu nhận quyết định, cô ăn không ngon ngủ không yên, sống như người mất hồn, cứ mỗi tối lên giường đi ngủ nghĩ đến “35 năm dạy học” kết quả là “0 đồng lương hưu” là nước mắt cô lại lã chã rơi.

Nhiều lúc cô phải mím chặt bờ môi, nuốt nước mắt vào trong, cố gắng tỏ ra mạnh mẽ mỗi khi các con  đến chơi. Bởi cô sợ các con thấy mình khóc lại lo lắng.

Cô Tầm cho biết, cô sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai), hai người con gái đã lấy chồng xa, công việc đều không ổn định. Con trai út học xong cấp 3, thấy gia đình khó khăn nên không thi đại học mà ở nhà phụ giúp bố mẹ đồng áng.

Chồng cô từng đi bộ đội về, trước đây làm nghề thợ xây, nhưng vài năm trước do sức khỏe yếu nên đã qua đời. Ngôi nhà nhỏ hiện chỉ có cô Tầm và người con trai đang ở.

Nhớ về quãng thời gian 35 năm làm nhà giáo, người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ cho biết, điều hạnh phúc nhất là luôn cẩn thận chăm chút cho học trò, chưa từng xảy ra điều gì bất lợi hay rủi ro cho phụ huynh và học sinh. “Nhiều em sau này lớn lên, trở thành bác sĩ, giáo viên, thường xuyên về thăm hỏi, động viên khiến tôi rất vui mừng”, cựu giáo viên nói.

Nghĩ về ngành mầm non, cô Tầm không khỏi xót xa, “Tôi chỉ mong cấp trên làm thế nào quan tâm ngành mầm non. Công việc thường ngày đã quá vất vả, đến lúc về hưu thì không có lương thì bất công quá”, cô Tầm tâm sự.
 

Nếu có kiếp sau vẫn làm giáo viên mầm non

Theo lời cô Tầm, những năm đầu đi dạy không được tiền, mỗi tháng được trả vài cân ngô, cân khoai sau đó mang đi đổi gạo về ăn cũng chỉ được vài ngày. Vào thứ 7, chủ nhật, cô Tầm phải đi làm thêm phụ hồ cùng với chồng để kiếm thêm thu nhập.

“Mấy năm nay sức khỏe tôi yếu đi nên không đi phụ hồ được nữa, tôi đi làm cỏ mướn, mỗi ngày được 120 ngàn”, cô Tầm cho hay.

nh-2134723734
Ngôi nhà nơi mẹ con cô Tầm sinh sống.

Chiếc xe đạp bao năm đồng hành cùng cô đến trường, giờ lại đồng hành cùng cô ra những cánh đồng. Thay vì giáo án, phấn, đồ dùng dạy học, giỏ xe đạp của cô Tầm bây giờ là bao tải, dầm, liềm…, những vật dụng để làm cỏ.

Thế nhưng, có một điều rất lạ đến khó hiểu ở cô giáo già. Khi được hỏi “Nếu được chọn lại, cô có theo nghề giáo viên mầm non nữa không?”, thì thật bất ngờ, cô giáo Tầm như trẻ lại và nói: “Nếu chọn lại, tôi vẫn di dạy mầm non”.

Vừa lau tấm Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, cô Tầm vừa ngắm nghía hồi lâu rồi kể, nhiều lần nói chuyện với con trai, cô dặn nếu sau này cô mất, thứ mang theo duy nhất xuống mồ là tấm Huy chương này. “Xuống dưới đó tôi vẫn muốn gắn bó với mầm non thêm 1 lần nữa và để xem có thiệt thòi như bây giờ không”, cô Tầm nói.

Rời nhà cô giáo Tầm với tâm trạng nặng trĩu, tôi bị ám ảnh bởi nguyện vọng nhỏ nhoi nhưng khó thành hiện thực của cô giáo có 35 năm gắn bó với giáo dục mầm non, cô Tầm chỉ muốn mỗi tháng có dăm bảy trăm tiền trợ cấp, hỗ trợ gì đó để mình - một giáo viên về hưu không phải là gánh nặng cho gia đình.

Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, ở địa phương cô Nguyễn Thị Tầm là người có lối sống chuẩn mực, được lòng hàng xóm, thường xuyên tham gia vào các hoạt động trên địa bàn xã.

Vị lãnh đạo xã cho biết thêm, cô Tầm là giáo viên mầm non về hưu, hoàn cảnh rất khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm nay. “Năm 2017, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình bà Tầm 10 triệu đồng để tu sửa lại nhà.”

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.