Sau nhiều tháng "thấm đòn" do giá chanh quả lao dốc không phanh, nhà nông chán nản, bỏ vườn vì tiền công, tiền vật tư nông nghiệp, phân bón quá cao mà giá cả không đủ trang trải chi phí đầu tư. Không chỉ riêng nhà nông bị thiệt hại trước tình hình đầu ra của nguyên liệu ảm đạm, tất cả cá nhân, đơn vị thuộc chuỗi liên kết trong ngành chanh leo đều bị ảnh hưởng nặng nề, bên nào cũng "gồng mình" chờ thị trường ấm lên.
Gồng sức chờ thị trường
Trước tình hình cung vượt cầu như hiện nay, các nhà máy chế biến chanh leo như Nafoods Tây Nguyên, Doveco… đều trong tình trạng quá tải, không sản xuất kịp, tình trạng nhận hàng cũng chậm hơn ngày thường.
Những chiếc xe tải chở chanh leo nối dài dọc những con đường vào các nhà máy chế biến quả, nhiều xe đến đậu sẵn dù không có lịch vào hàng.
“Tôi làm nghề chở hàng cũng hơn 10 năm rồi, những năm gần đây, Gia Lai trồng nhiều chanh leo nên tôi chở chính là loại quả này cho thương lái vào các nhà máy tại Tây Nguyên, Bây giờ, làm ăn khó khăn, mỗi xe phải chờ rất lâu mới được xuống hàng, có hôm hơn 20 tiếng mới tới lượt xe của tôi được xuống hàng”, anh Tâm, tài xế xe công chở chanh leo, chia sẻ.
Hiện nay, tình hình giá chanh quả vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên, nhiều nhà nông đã bỏ vườn, chuyển hướng canh tác hoặc trồng xen canh để cầm cự.
Ông Ngụy Đức Minh, Giám đốc kinh doanh cây giống, Công ty Cổ phần chanh leo Nafoods chia sẻ: “Trước tình hình chung này, các công ty cung cấp cây giống chanh leo cũng không xuất vườn được số lượng lớn như trước đây. Tuy nhiên, đối với công ty Nafoods, chúng tôi đã kết hợp nhiều hợp tác xã và nhà nông, tạo nên chuỗi liên kết 3 nhà bền vững. Chúng tôi cung cấp cây giống chất lượng và kỹ thuật, nông dân tập trung canh tác, nguồn quả tươi được công ty chúng tôi thu mua về nhà máy nên nhà nông tại các vùng trồng vẫn yên tâm canh tác, không lo về đầu ra. Nông dân canh tác theo hướng dẫn của kỹ thuật viên Nafoods với các tiêu chuẩn xuất châu Âu, VietGAP… nên chất lượng ổn định hơn, bán được giá tốt”.
Nafoods là một trong những doanh nghiệp tiên phong khi chọn cây chanh leo để gắn bó lâu dài. Xác định vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu, Nafoods đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học phân tử tại Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Nafoods để có thể cung cấp ra thị trường những cây giống chất lượng nhất nhờ công nghệ kiểm soát virus được áp dụng nghiêm ngặt trên vườn cây giống đầu dòng.
Tính đến nay, Nafoods đã nghiên cứu thành công 3 giống chanh leo mới và đã được cấp bằng bảo hộ độc quyền theo quyết định số 192/QĐ-TT-VPBH ngày 21/6/2019; số 193/QĐ-TT-VPBH ngày 24/6/2019; số 195/QĐ-TT-VPBH ngày 25/6/2019 của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho giống chanh leo Quế Phong 1, Bách Hương 1, Nafoods 1 với thời hạn bảo hộ kéo dài 20 năm.
Công ty xác định hướng đi lâu dài, gắn bó với cây chanh leo và đồng hành cùng nhà nông, nên việc đầu tư cơ sở vật chất và tạo ra những cây giống tốt là điều cốt lõi mà công ty hướng đến.
Bên cạnh đó, Nafoods luôn trăn trở tìm ra hướng đi mới, mở rộng sản xuất chế biến từ nguồn nguyên liệu quả tươi để nhà nông yên tâm đầu ra sản phẩm. Chính vì vậy, các hợp tác xã liên kết với Nafoods vẫn hoạt động ổn định trước tình hình nhiều vườn đã bỏ hoang.
Tại Tây Nguyên hiện nay, rất nhiều nhà nông không còn tha thiết với cây chanh leo khiến các nhà vườn ghép cây giống nhỏ lẻ không còn "hô mưa gọi gió" như thời gian trước. Từ những thực trạng thực tế, Nafoods càng tin tưởng vào quyết định xây dựng chuỗi liên kết 3 nhà giữa Doanh Nghiệp – HTX – Nhà Nông.
Ông Hồ Hải Quân, Giám đốc vùng trồng Tây Nguyên thuộc Công ty Cổ phần Nafoods Group đã chia sẻ trong lễ ký kết hợp tác với Hợp tác xã và bà con nông dân về việc thông qua chính sách liên kết hợp tác phát triển vùng trồng và chính sách thu mua nông sản của công ty để nông dân an tâm sản xuất.
Ông Quân khẳng định mấu chốt vấn đề là phát triển bền vững, có quy hoạch đối với việc canh tác của bà con nông dân, cũng như việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi.
Cần chế tài mạnh tay xử lý "hàng nhái"
Thị trường cây giống chanh leo hiện nay rất phức tạp khi có nhiều cơ sở sản xuất tự phát, hàng giả được “đóng mác” các thương hiệu lớn tràn lan ngoài thị trường gây ảnh hưởng cho các thương hiệu cung cấp cây giống uy tín lâu năm như Nafoods.
Đây là bài toán không của riêng ai mà cần các bên chung tay để giải quyết, các ban ngành ban hành các biện pháp chế tài để phạt những cơ sở làm nhái, làm giả hàng của các thương hiệu lớn cung cấp ra thị trường cây giống kém chất lượng; các đơn vị sản xuất có giấy phép cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; nhà nông nên chọn lựa cây giống của các thương hiệu lớn, không góp phần tiêu thụ cây giống bán phá giá, kém chất lượng.
Tính đến hiện tại, đơn vị đã liên kết trồng chanh leo với 28 hợp tác xã, 2.000 nông hộ với hơn 2.200ha. Mục tiêu đến năm 2028, Nafoods sẽ mở rộng vùng chanh leo tại 4 tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích hơn 10.000ha để nhà nông trồng chanh có thông tin thị trường, kỹ thuật canh tác chuẩn và đầu ra ổn định.
Để có thông tin mới nhất và chi tiết nhất về thị trường, nhà nông cần tìm hiểu các nguồn tin tức nông nghiệp, bản tin thị trường, và các tổ chức liên quan đến nông nghiệp trong khu vực. Hơn hết, ngành chanh leo không thể phát triển nếu không có sự đồng bộ thông tin giữa doanh nghiệp, HTX, nhà nông và các cơ quan ban ngành tại địa phương giúp bà con cập nhật xu hướng thị trường, biến động giá cả, và các vấn đề khác liên quan đến giống cây chanh leo, giúp bà con tự tin gặt hái một mùa vụ thắng lợi.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai đã xử phạt 80 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Chanh leo Bazan (Công ty Bazan) vì hành vi giả mạo nguồn gốc, xuất xứ cây giống chanh leo. Theo đó, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Gia Lai) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Chư Prông đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Chanh leo Bazan, địa chỉ tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai do ông T.V.Ng làm giám đốc.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện có 2 công nhân đang đóng gói cây giống chanh dây vào các thùng giấy carton có ghi chữ TAI SHIANG - MADE TAIWAN (trong đó có 700 cây giống đã được đóng vào thùng và 250 cây chưa đóng vào thùng).
Qua làm việc, ông Ng. trình bày, ông mua cây giống chanh dây của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp SeSan Gia Lai (đây là loại cây giống chanh dây của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Quốc tế Chiameei, địa chỉ tại thôn Lạc Trường, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cấp quyết định công nhận lưu hành), sau đó tập kết về tại địa điểm của Công ty Chanh leo Bazan. Tiếp đó, thuê công nhân đóng vào thùng giấy carton có in sẵn chữ TAI SHIANG - MADE TAIWAN trên vỏ thùng để bán theo yêu cầu của khách hàng.
Trước đây, các vùng trồng chanh dây tại các tỉnh Tây Nguyên đa số là giống chanh dây Đài nông 1 được nhập từ Đài Loan về để sản xuất (người dân quen gọi là giống Đài Loan hoặc Tai Shisang, Tai One theo tên nhà sản xuất). Đây là giống đủ chuẩn, cho năng suất cao và đã được kiểm soát về mặt chất lượng, tuy nhiên do việc làm giả tràn lan nên nhiều năm người dân thất bại nặng nề, có năm “giống Tai Shiang" gần như không cho quả.
Tuy nhiên, mức phạt chỉ 80 triệu đồng dường như chưa đủ sức răn đe. Việc mua giống chanh leo trôi nổi ở Tây Nguyên vẫn diễn ra công khai trên mạng xã hội.