Đó là HTX Dược liệu An Phúc Khang ở thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông.
Đến HTX An Phúc Khang, tôi gặp ông Nguyễn Đình Học, 62 tuổi, người điều hành cơ sở chế biến của HTX, ông cho biết, HTX do con trai ông là kỹ sư Nguyễn Đình Hiếu làm giám đốc. Thời điểm chúng tôi đến, Hiếu đang đi TP.HCM gặp đối tác. HTX thành lập năm 2018, với 12 thành viên.
Cơ sở chế biến của HTX An Phúc Khang hiện đang sản xuất hơn 50 sản phẩm dược liệu, trong đó có 24 loại trà, cao an xoa, cao gắm, cao mật nhân, trà huyết đằng, lá lốt, cau đằng, cao bách bệnh, cao an miên, chè dây, sâm đại hành, cao rễ nhàu, túi lọc nấm linh chi…; 6 loại thực phẩm hỗ trợ như quế hương đan, hương sen dưỡng tâm, suy thận bổ dương.
Đặc biệt, cơ sở đang sản xuất 5 loại tinh dầu như tinh dầu nghệ bọ cạp, tiêu rừng, gừng, sả, tràm, quế, khuynh diệp, bưởi, bạc hà, xá xị. Riêng nguyên liệu từ củ nghệ, cơ sở chế biến gần chục sản phẩm, như bột nghệ bọ cạp, bột nghệ tím, tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đỏ… Trong số này, tinh dầu nghệ bọ cạp là sản phẩm có giá trị cao nhất, lọ 10ml đã có giá tới 2 triệu đồng, tức 200 triệu đồng/lít.
“Đây là sản phẩm độc quyền của HTX, hiện một số nơi đã trồng và chế biến nghệ bọ cạp, nhưng đa số vẫn là sản phẩm thô như bột, trà, chứ chưa ai chiết xuất được tinh dầu”, ông Học nói.
Ông Học cho biết, sở dĩ tinh dầu nghệ bọ cạp có giá cao vì ngoài chất lượng thì để cho ra một lọ tinh dầu 10ml không hề đơn giản. Ông nói: “1 tạ củ nghệ bọ cạp làm sạch chỉ chiết xuất được 100ml tinh dầu và phải qua rất nhiều công đoạn, chi phí như rửa sạch, làm khô, xay nhuyễn, rồi mới cho vào lò chưng cất áp suất cao để nấu liên tục trong 10 tiếng. Lò tiêu thụ mỗi giờ 25 số điện, làm xong 1 mẻ hết 250 số điện”.
Nghệ bọ cạp là loại dược liệu quý, củ có hình dáng giống con bọ cạp, tên đông y là khương hoàng (Curcuma longa), là cây thân thảo lâu năm, có họ với gừng (Zingiberaceae). Cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Tamil Nadu, đông nam Ấn Độ, sau đó được trồng ở Campuchia, Lào.
“Năm 2019, lương y Nguyễn Thị Đường (Phòng thuốc đông y Thảo Nguyên Đường ở thôn 7, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) mua cây giống nghệ bọ cạp từ Campuchia về đây, liên kết với HTX trồng. Lúc đó giá 1kg giống tới 400 ngàn đồng. Thời điểm hiện nay, giá nghệ giống chỉ còn 200 ngàn đồng/kg. Mỗi ha trồng từ 4 - 5 tạ nghệ giống, tuỳ người trồng thưa hay dày. Như vậy, chi phí giống từ 80 - 100 triệu đồng. Đây là chi phí hơi cao đối với nông dân nghèo, nhưng sau khi trồng, cây này lại ít tốn chi phí, vì không cần chăm bón nhiều”, ông Học nói.
Nghệ cọ cạp là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân ở Đắk Ha dần thoát nghèo. Theo ông Học, chi phí cho 1ha nghệ bọ cạp khoảng 300 triệu đồng, gồm chi phí giống và toàn bộ quá trình chăm sóc. Sau khi trồng từ 18 - 20 tháng mới thu hoạch, sản lượng đạt từ 15 - 20 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm nghệ bọ cạp bà con trồng, được HTX An Phúc Khang bao tiêu, thu mua với giá 50 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, còn lãi từ 500 - 700 triệu đồng.
Cũng theo ông Học, nghệ bọ cạp phù hợp với loại đất pha cát, đất thịt nhẹ và đất rừng, nhiệt độ thích hợp từ 20 - 30 độ C. Chỉ cần chú ý hệ thống thoát nước để tránh hư, thối củ. Mùa mưa, nghệ có thể bị một số vi khuẩn gây hại trên lá, nấm tấn công phần cổ rễ khiến cây bị vàng lá, nặng có thể chết. Lúc đó, sẽ có một số loại thuốc sinh học, nấm đối kháng để phun trừ khuẩn, đồng thời kết hợp bón phân hữu cơ hỗ trợ.
Theo kết quả phân tích của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghệ bọ cạp chứa 38 thành phần dược tính, trong đó có 3 thành phần quan trọng chống ung thư và ức chế sự phát triển tế bào ung thư, đặc biệt tác dụng trong điều trị ung thư vú, tử cung, gan, vòm họng, thực quản và phế quản. Các sản phẩm từ nghệ được dùng điều trị các bệnh thông thường như viêm đường hô hấp, phế quản, hen suyễn, dạ dày và sát khuẩn…
Ngoài nghệ bọ cạp, HTX An Phúc Khang còn sản xuất, chế biến hàng chục loại dược liệu khác. Các nguyên liệu dược liệu này ngoài thu mua từ người dân thu hái từ môi trường tự nhiên như rừng, rẫy, HTX còn ươm, trồng trên hàng chục ha đất của HTX, của người dân liên kết.
Ban đầu, HTX chỉ thu mua, sơ chế, bảo quản để cung cấp cho các nhà máy, nhà thuốc. Sau đó, nhờ nhận được hỗ trợ về chính sách, kinh phí, máy móc của nhà nước, An Phúc Khang đã đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm dược liệu. Hiện HTX đang ươm cả trăm giống dược liệu trong vườn để thử nghiệm tính tương thích với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Không chỉ tạo thêm hàng trăm việc làm, mà còn giúp người dân địa phương tăng thu nhập.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đánh giá: Nghệ bọ cạp là loại cây ngắn ngày có ưu thế, vì chi phí đầu tư không cao, quy trình chăm sóc đơn giản, không cần trồng theo quy hoạch ô thửa, không cần nhiều không gian ánh sáng, vì thế, có thể tận dụng những khoảng trống trong vườn cà phê, điều để trồng xen nghệ. Vì thế, không cần phá bỏ vườn cây hiện hữu. Đây là điều không thể làm khi trồng các loại cây khác. Chỉ cần lưu ý, đây là cây dược liệu, nên phải chăm sóc đúng quy trình, đúng khuyến cáo, không sử dụng các loại thuốc hóa học, ảnh hưởng đến chất lượng tinh dầu.