Kiệt quệ vì cúng bái
Ở một số xã miền núi của huyện Đakrông (Quảng Trị), ngoài lý do nằm xa trung tâm, trình độ nhận thức còn hạn chế, đất sản xuất nông nghiệp ít thì một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo là do ở đây còn tồn tại quá nhiều hủ tục. Nó như chiếc vòng kim cô bám riết lấy giấc mơ xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.
Tháng trước, bà vợ của ông Hồ Văn Lam - trưởng thôn A Rong (dưới), xã A Ngo (huyện Đakrông) đau bụng, nhiều đêm không ngủ được. Nghe thầy mo phán phải tổ chức lễ cúng đuổi ma, ông Lam rụng rời chân tay. Thế là, dù gia đình chẳng phải khá giả gì, trưởng thôn Hồ Văn Lam phải tổ chức 4 lễ cúng trong vòng 2 tháng ròng với chi phí lễ vật hơn 10 triệu đồng.
“Thầy mo bảo vợ mình có con ma trong người, phải cúng để đuổi ma. Nay thì con ma đã được đuổi đi, vợ mình đã khỏi bệnh và ngủ được rồi”, trưởng thôn Hồ Văn Lam phấn khởi ra mặt.
Năm 2018, người em trai của ông Lam là Hồ Văn Long được nhận một con bê thuộc dự án giảm nghèo bền vững. Nhận bê, theo phong tục của đồng bào, gia đình Long phải tổ chức lễ cúng Giàng. Đồng bào Pako Vân Kiều quan niệm, những gì họ có được đều nhờ có Giàng chở che giúp đỡ. Việc được nhận bê dự án cũng vậy. Dù nghèo nhưng cũng theo đúng tục lệ, vợ chồng Long - phải vay tiền làm lễ cúng.
Và khi con bê dự án phát triển, sinh sản tốt, muốn bán bê con thì con đầu tiên phải làm thịt, lấy lòng, đầu để cúng tạ ơn Giàng. Nhưng ở vùng đất này, trâu bò mổ thịt bị ép giá và chỉ bán được 1/2 giá trị so với bán cả con cho thương lái.
Hồ Văn Long cũng chưa muốn bán đàn bò của mình. Thế nhưng, vài năm nay, đứa con gái đầu lòng liên tục ốm đau, sau bao nhiêu lần vay tiền làm lễ cúng không khỏi bệnh, Long quyết định đưa đi viện chữa trị. Vợ chồng Long phải mổ bò lấy lòng, đầu để cúng, phần thịt còn lại bán nhưng chỉ được 4 - 5 triệu đồng.
“Con gái bệnh nặng lắm, nhiều lần phải đi vay con gà về cúng nhưng không khỏi. Mổ thịt bò bán chỉ được một nửa tiền so với bán cả con (so với bán cho thương lái - PV) nhưng phải làm thịt để cúng Giàng mới được bán những con khác để lấy tiền đi chữa bệnh cho con”, Hồ Thị Xêm, vợ Long nói mà ánh mắt buồn rười rượi.
Già làng Hồ Văn Poong tại thôn Tân Y 3 là bộ đội chống Pháp và từng là Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã A Vao. Trong tâm thức già làng gần 90 tuổi này, những lễ cúng theo phong tục của đồng bào vẫn phải thực hiện dù biết nó rất tốn kém.
Ngồi nghe già làng Poong liệt kê những lễ cúng theo phong tục của đồng bào ở đây đến nay vẫn còn thực hiện, người đối diện đã có cảm giác hoa mắt, chóng mặt. Năm nào đồng bào cũng làm lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng mừng bà đẻ hết thời gian ở cữ, cúng Giàng, cúng A Gia, mỗi lần có người ốm đau cũng phải cúng... Đi viện về, hết bệnh cũng phải cúng, không hết bệnh cũng phải cúng đuổi con ma trong người.
Theo già làng Poong, trước đây, để thực hiện nghi lễ cúng bái, các gia đình đều phải bàn soạn lễ vật theo đúng lời thầy mo như trâu, bò, dê, gà… tùy thuộc từng lễ cúng.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, lễ vật đem cúng cũng được tinh giản hơn và tùy thuộc điều kiện từng gia đình. Nhưng mỗi lần cúng, gia chủ cũng thường rất tốn kèm vì phải lo ăn uống cho dân làng trong vòng 2 - 3 ngày liền.
Vẫn theo già làng Poong, ngày nay lễ vật cúng cũng đã đơn giản hơn nhiều nhưng cứ có lễ cúng thì mời cả làng đến ăn 2 - 3 ngày. Lễ vật đã cúng thì không được bán, phải mời dân làng đến ăn hết. Người đau ốm bây giờ vừa đưa đi viện chữa, ở nhà vừa phải cúng. Nếu cúng mà vẫn không được thì đó là do Giàng (trời) bắt đi, không còn cách nào khác.
Xế chiều mới có vợ vì… nghèo
Điều ám ảnh nhất đối với già làng Hồ Văn Poong là việc nhiều đàn ông trong thôn không thể lấy nổi vợ vì không lo đủ lễ vật thách cưới của nhà gái. Nhờ có lương hưu và trợ cấp thương binh nên khi hai bà vợ đầu bị Giàng gọi về trời, già Poong vẫn đủ tiền để đi thêm bước nữa.
Lấy được vợ cho mình để nương tựa buổi xế chiều xong, già Poong lại phải gom từng đồng lương và trợ cấp để đủ tiền thách cưới của nhà gái cho đứa con trai. Dâu con không có công ăn việc làm, nương rẫy ít, già Poong còn phải dành một phần lương hưu của mình đề “chu cấp” cho đôi vợ chồng trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi. Hồ Văn Nhang, con trai già Poong đi lấy vợ phải sắm nào vải Lào, vòng tay, vòng tai bằng vàng, bạc… Lấy vợ rất khó, không có tiền, nhiều đàn ông trong thôn phải "ở vậy" cả đời.
Ông Hồ Bôn Me ở cùng thôn với già làng Poong, là bộ đội chống Mỹ, năm nay đã gần 80 tuổi. Thế nhưng, đứa con đầu của ông Me năm nay mới 25 tuổi. Hồi trẻ, ông Me cũng thích một vài cô gái trong thôn nhưng không đủ tiền thách cưới của nhà gái nên đến hơn 50 tuổi mới lấy được vợ.
“Mình lấy vợ mới đây thôi. Hồi trẻ muốn cưới vợ cũng không có tiền để cưới. Nhà gái thách cưới vàng, bạc, trâu bò… nhiều tiền lắm. Nhưng bây giờ, phong tục này cũng nhẹ hơn rồi, nhà gái cũng không thách cưới nhiều như trước đây nữa. Cũng vì thách cưới nhiều quá mà cụ Hồ Văn Em, Hồ Cu Xia… ở làng này không cưới được vợ”, ông Me cho hay.
Trưởng thôn Hồ Văn Lam xác nhận, trước đây, đàn ông người đồng bào chỉ giàu có mới lấy được vợ nhưng nay phong tục ấy cũng đã bớt gay gắt: “Trước đây, cưới vợ tốn kém lắm! Ai có nhiều trâu bò mới lấy được vợ. Nay khi bên gái thách cưới, nếu mình không có thì phải xin giảm hoặc đi ở rể”.
Theo bà Hồ Thị Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã A Vao, nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, những phong tục lạc hậu của đồng bào Pako Vân Kiều đã có bước chuyển biến tích cực. Trước đây, nhà gái thách cưới mà nhà trai không đáp ứng được, đôi trai gái sẽ phải chia tay. Đến nay, nhiều gia đình đồng bào đã thông cảm, giảm bớt lễ vật cho nhà trai để trai gái đến được với nhau.
“Trước đây, ốm đau chỉ nghĩ đến chuyện cúng đuổi ma nhưng nay đồng bào đã biết đưa người bệnh đi viện chữa trị. Lễ vật cho mỗi lần cúng cũng ít dần. Trước nhà trai cưới vợ tốn rất nhiều tiền, nhà gái đến nhà trai ăn uống 2 - 3 ngày thì nay chỉ đến buổi sáng, đến trưa đã mang lễ vật về. Lễ vật thách cưới cũng không còn như xưa, nhiều khi nhà trai không đáp ứng được thì nhà gái cũng thông cảm”, bà Tâm nói.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, trong thời gian qua, các ban ngành trong huyện thường xuyên tuyên truyền để đồng bào bỏ dần những hủ tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục khiến cuộc sống đồng bào quẩn quanh với đói nghèo. Ở một số vùng sâu vùng xa của huyện, hiện vẫn còn nhiều lễ cúng, phong tục thách cưới rất rườm rà và tốn kém. Địa phương vẫn đang tích cực tuyên truyền để dần thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ cũng lệ thuộc vào những hủ tục
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho hay, trưởng thôn A Ngo của xã A Ngo, trước đây là Bí thư Đảng ủy xã. Khi huyện định tổ chức cho đội văn nghệ tập luyện ở nhà dài (nhà văn hóa) của thôn thì trưởng thôn xin keo (một hình thức gieo đồng xu xin âm dương) và nhất quyết không cho. Mới đây, một cán bộ xã ở Ba Nang đã ngậm ngùi chấp nhận thách cưới của nhà gái lên đến hơn 100 triệu đồng để cưới vợ cho em trai…