| Hotline: 0983.970.780

Giữa 'thành trì' hủ tục [Kỳ 1]: Thiếu gạo, mua nợ triền miên mùa rẫy

Thứ Hai 07/11/2022 , 10:35 (GMT+7)

Hủ tục khiến cuộc sống đồng bào Pako Vân Kiều tại Quảng Trị đói nghèo triền miên. Phá bỏ 'thành trì' ấy không phải là câu chuyện ngày một ngày hai.

Rẫy chỉ có thể trồng… sắn

Empty

Nhiều hộ có rẫy nhưng phải chuyển sang trồng sắn, ngô, chuối vì trồng lúa năng suất thấp lại phải cúng Giàng tốn kém. Ảnh: Võ Dũng.

Các xã A Ngo, A Vao, A Bung, Tà Rụt… của huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị) nằm bên bờ sông Đakrông, có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua. Cư dân vùng đất này được bao bọc bởi bốn bề rừng núi thuộc dãy Đông Trường Sơn hùng vĩ.

Bài liên quan

Tuyến đường mòn chạy qua, nối lên cửa khẩu La Lay được kỳ vọng sẽ là điểm sáng đủ sức mang đến cho người dân vùng đồng bào các dân tộc Pako Vân Kiều ở đây sự đổi thay. Thế nhưng, những hủ tục lạc ăn sâu vào máu thịt khiến cuộc sống đồng bào mãi quẩn quanh với đói nghèo.

Mồ côi từ nhỏ, cuộc sống cơ cực nhưng cũng như bao người con trai khác, Hồ Văn Long tại thôn A Rong dưới hân hoan bởi tình yêu chớm nở với cô gái Hồ Thị Xêm ở làng bên. Long mang lễ vật là hai bàn tay trắng đến nhà Xêm xin cưới.

Ở vùng đất này, nhiều đàn ông, vì không có đủ lễ vật thách cưới của nhà gái nên phải chấp nhận “ở vậy” hoặc cam phận ở rể suốt đời.

Nhưng Long thật may mắn!

“Vì thấy hai đứa yêu thương nhau thật lòng, cứ năn nỉ đòi lấy nhau nên ba mẹ đồng ý để Xêm về làm vợ Long dù không có lễ vật gì đáng giá. Về với nhau được 7 năm thì Xêm sinh liền 3 đứa con. Ruộng nước không có, rẫy lại ở xa nên trồng được cây gì, để đem được về nhà cũng rất khó khăn”, Xêm rầu rĩ tựa vào chiếc giường nói như chực khóc.

Trận lũ năm 2020 đã khiến gia đình Hồ Thị Xêm mất hết giống lúa và 2-3 năm nay chuyển sang trồng sắn, ngô, chuối.

Trận lũ năm 2020 đã khiến gia đình Hồ Thị Xêm mất hết giống lúa và 2 - 3 năm nay chuyển sang trồng sắn, ngô, chuối. Ảnh: Võ Dũng.

Nhà Xêm có 3 tấm rẫy (thửa) nhưng đã 2 - 3 năm nay chỉ trồng sắn, chuối và ngô, không thể trồng lúa. Sắp đến ngày thu hoạch, cứ hai, ba ngày một lần vợ chồng Xêm lại vượt mấy ngọn núi cao lên rẫy. Ăn vội nắm cơm, cuối chiều, trên lưng mỗi người đều cõng một gùi nặng trĩu. Nhưng với chừng ấy, đem về tận đường Hồ Chí Minh bán cũng chỉ được 50 - 60 nghìn đồng. Số tiền này, vợ chồng Xêm ưu tiên mua gạo. Gạo là thứ tối thiểu nhất đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn và 2 lao động chính của gia đình.

“Năm 2020, sau trận lũ, lúa rẫy bị vùi lấp hết, không còn hạt để giống. Đi mua hạt giống thì dân làng không bán vì để bán cho mình, người bán phải làm lễ cúng Giàng, tốn kém lắm”, Xêm chua xót.

Nhưng nếu chỉ trông chờ vào tiền bán những gì trồng được trên rẫy để mua gạo thì không đủ, vợ chồng Xêm đành phải đi mua nợ ở những cửa hàng tạp hóa dọc đường Hồ Chí Minh.

Món nợ ở cửa hàng tạp hóa ngày một lớn dần, có thời điểm lên đến 4 - 5 triệu đồng. Chồng đi làm thuê, gom được đồng nào Xêm lại đem đi trả cho chủ cửa hàng tạp hóa. Sữa đối với trẻ em miền núi đã khó khăn nhưng đối với 3 đứa con vợ chồng Xêm lại càng trở nên xa xỉ.

Ngồi trong ngôi nhà thấp trũng, tuy được cứng hóa nhưng không hề có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc giường, Xêm than thở: “Món nợ ở cửa hàng Hà Bình đã lâu rồi không có trả, cứ lớn dần. May mà chủ cửa hàng tạp hóa thương nên cho nợ”.

Gạo ăn không đủ, gia đình Xêm mãi quẩn quanh với đói nghèo. Ảnh: Võ Dũng.

Gạo ăn không đủ, lại vướng vào những hủ tục, gia đình Xêm mãi quẩn quanh với đói nghèo. Ảnh: Võ Dũng.

Sổ ghi nợ của cửa hàng tạp hóa Hà Bình tại thôn A Ròng ngày một dày thêm. Có thời điểm có đến gần 100 người dân đang nợ tiền mua các nhu yếu phẩm hàng ngày, đa phần là người đồng bào dân tộc Pako Vân Kiều trong xã. Người ít thì dăm bảy trăm nghìn đồng, người nhiều cũng 4 - 5 triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, vì sợ cụt vốn, chủ cửa hàng tạp hóa Hà Bình không dám cho nợ nhiều.

“Đồng bào chủ yếu là mua gạo vì rất nhiều hộ có rẫy nhưng ở xa quá. Làm lúa rẫy, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ, năng suất thấp nhưng lại phải cúng tốn kém lắm. Vì vậy, nhiều nhà bỏ lúa rẫy, chuyển sang trồng sắn, ngô, chuối để đem bán. Họ bán những gì trồng được để mua gạo nhưng cũng không đủ nên phải nợ. Đồng bào ở đây thật thà, chất phác, có tiền là họ trả liền nhưng thu nhập từ ruộng, rẫy không được là bao lại phải chi phí tiền cho những hủ tục nên các món nợ cứ thế ngày một nhiều”, bà chủ cửa hàng tạp hóa Hà Bình cho hay.

Đời đời phát, đốt, cuốc, trỉa

Trời càng về chiều, cửa hàng tạp hóa Hà Bình cạnh đường Hồ Chí Minh càng tấp nập. Những bà mẹ trẻ dân tộc Pako Vân Kiều địu con ra mua gạo và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Đã thành lệ, không chỉ mỗi cửa hàng tạp hóa Hà Bình mà hầu hết các cửa hàng khác đều đón những vị khách mua chịu vào chiều tối muộn.

“Không có gạo thì phải đi mua thôi! Khi nào có tiền bán sắn, bán ngô thì ta đưa đến trả”, một bà mẹ trẻ dân tộc Pako Vân Kiều địu sau lưng đứa bé chừng 3 tuổi mặt mũi nhem nhuốc vừa chọn các mặt hàng thiết yếu vừa nói.

Đồng bào Pako Vân Kiều ở vùng đất này không có khái niệm về diện tích, năng suất hay sản lượng. Mỗi cặp vợ chồng ra ở riêng được ba mẹ phân chia vài ba tấm rẫy, cứ phát, đốt, cuốc, trỉa ở tấm rẫy này xong năm sau lại bỏ và chuyển sang tấm rẫy khác. Cứ như thế, tính ra mỗi năm đồng bào chỉ canh tác được một phần diện tích đất nương rẫy mà mình có. Canh tác theo tập quán di canh, đồng bào Pako Vân Kiều ở đây cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc bón phân cho cây trồng.

Hồ Thị Xêm thấy lạ khi nói đến việc bón phân cho cây trồng. Xêm nói, rẫy ở xa nên không thể đưa phân gia súc lên bón còn mua phân đạm lại càng không bởi nhà không có tiền. Cây cứ mọc, trời sinh, trời dưỡng, mùa này qua mùa khác và đất thì ngày càng bạc màu.

“Nhà có 3 tấm rẫy nhưng chỉ trồng sắn, chuối và ngô. Tấm này mùa này trồng rồi thì mùa sau phải bỏ hoang để cỏ mọc rồi lại phát, đốt, cuốc, trỉa. Trồng trỉa xong, để đó đến lúc nào có thu hoạch thì vợ chồng lên rẫy, dùng ả chói (gùi đan bằng mây theo cách gọi của đồng bào - PV) để đưa về bán lấy tiền trả nợ”, Xêm nói.

Đồng bào Pako Vân Kiều có tập quán canh tác phát, đốt, quốc, trỉa. Phân bón là thứ xa xỉ.

Đồng bào Pako Vân Kiều có tập quán canh tác phát, đốt, cuốc, trỉa. Phân bón là thứ xa xỉ. Ảnh: Võ Dũng.

Vì thế, mua ăn trước, trả tiền sau, dường như trở thành cái lệ của người dân đồng bào các dân tộc Pako Vân Kiều ở dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

Ở vùng đất này, làm kinh tế giỏi như ông Hồ Văn Lụt là “của hiếm”. Có thời điểm, gia đình ông có tới vài chục con trâu bò, nhiều dê, nhiều gà và nhiều đất sản xuất nhất xã A Ngo. Thế nhưng, đất đai ngày càng bạc màu, những gì ông thu được từ lòng đất ngày càng ít dần, lúa trong bồ cũng vơi theo ngày tháng. Gia chủ nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, trâu bò cũng lần lượt “đội nón” ra đi, nay cũng chỉ còn vài ba con ốm yếu. Đã mấy năm nay, 4 con người trong gia đình ông phải đi đong gạo chịu.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn chuối sau nhà, cỏ mọc um tùm, cây cối vàng úa, còi cọc nhưng ông Lụt vẫn quả quyết: “Trước đến nay, trồng ra chỉ để ăn trong gia đình và cho người xung quanh chứ không bán được. Ở đây, trồng không cần bón phân mà cây vẫn phát triển tốt”.

Đó là cách mà ông Lụt lý giải cho việc từ xưa đến nay ông chưa bao giờ bón phân cho cây trồng. Không chỉ ở rẫy xa, ngay cả rẫy ở trung tâm xã, trong vườn, dù phân trâu bò trong chuồng nhầy nhụa nhưng ông chưa một lần gom lại để bón.

Theo thống kê của UBND xã A Ngo, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã gần 60% và tỷ lệ cận nghèo gần 4,8%. Tổng diện tích gieo trồng lúa nước toàn xã là 35,8ha, năng suất đạt 45,5 tạ/ha; 95ha lúa rẫy, năng suất đạt 10 tạ/ha. Như vậy, tổng sản lượng lúa tại địa phương này chỉ đạt 257,89 tấn. Với dân số 3.700 người, tính ra, trung bình mỗi người dân A Ngo chỉ có chưa đến 70kg lúa/người/năm. Từ đó có thể thấy, việc người dân A Ngo thiếu gạo ăn là điều dễ hiểu.

Dù phân trâu bò nhầy nhụa trong chuồng nhưng ông Lụt chưa bao giờ gom lại, bón cho cây trồng. Ảnh: Võ Dũng.

Dù phân trâu bò nhầy nhụa trong chuồng nhưng ông Lụt chưa bao giờ gom lại, bón cho cây trồng. Ảnh: Võ Dũng.

Lương thực ăn chưa đủ, các loại cây trồng khác diện tích và năng suất đều thấp, ngành nghề phụ rất hạn chế, đói nghèo ở A Ngo có lẽ là câu chuyện còn phải nhắc đến nhiều.

Hủ tục đẩy người dân về phía đói nghèo

“Xã A Ngo có tới trên 95% là người đồng bào dân tộc Pako Vân Kiều, nhận thức và tư duy phát triển kinh tế còn hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện thổ nhưỡng, địa lý ở đây khắc nghiệt, thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên, diện tích sản xuất đất nông nghiệp rất ít và đang ngày càng ít dần do thiên tai bão lũ. Một số bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Một số mô hình sản xuất trên địa bàn sau khi kết thúc hỗ trợ, do nhiều yếu tố đã không được duy trì và nhân rộng”, ông Hồ Tất Huấn - Chủ tịch UBND xã A Ngo nhận định.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.