Huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 6.731ha. Trong đó có hơn 3.982ha rừng sản xuất. Những năm qua, diện tích rừng trồng của huyện tăng nhanh, và luôn là huyện đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng của tỉnh.
Bên cạnh tiến bộ về giống, Cẩm Khê đặc biệt quan tâm tuyên truyền cho bà con trồng rừng gỗ lớn theo định hướng của tỉnh.
Xã Hương Lung (Cẩm Khê) có tổng diện tích đất đồi rừng 670/1.637ha đất tự nhiên với hơn 300/1.441 hộ tham gia sản xuất đồi rừng. Trước kia, người trồng rừng ở Hương Lung chủ yếu trồng các giống bạch đàn, nhưng nay đã chuyển sang trồng các giống keo vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần cải tạo đất.
Nếu như trước kia, người trồng rừng phải vận chuyển xa, bị tư thương ép giá nên giá bán gỗ khá thấp thì nay nhờ có làng nghề chế biến gỗ Tiền Phong với 15 cơ sở chế biến gỗ nên việc thu mua tại chỗ đã cải thiện nhiều tình trạng trên.
Xã Hương Lung xác định phát triển kinh tế đồi rừng là mũi nhọn chủ lực nên những năm qua đã khuyến khích trồng rừng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người trồng rừng về vay vốn mua cây giống, phân bón hoặc mua máy móc chế biến gỗ; mở một số tuyến đường lên đồi để giúp người trồng rừng thuận tiện trong khai thác; tiến hành đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài cho các hộ để họ yên tâm đầu tư sản xuất.
Năm 2021, toàn huyện Cẩm Khê trồng mới hơn 454ha rừng tập trung, tăng 4% so với cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác đạt 44.489m3, tăng 8,7%. Cùng với việc thực hiện tốt công tác trồng rừng, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng trừ sâu bệnh, phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra các chủ rừng việc thực hiện trồng rừng thay thế và ký cam kết đảm bảo đúng quy trình, từ đó đảm bảo tính hiệu quả.
Cẩm Khê rốt ráo thực hiện chính sách giao khoán đất rừng sản xuất nên việc khai thác, thu lợi từ rừng do các chủ rừng quyết định, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khai thác lâm sản. Nhờ đó những năm qua, công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất đã đi vào nền nếp, được người dân tự giác thực hiện.
Những tồn tại trước kia như tranh chấp về diện tích, đất được giao sai đối tượng, quá hạn mức, hồ sơ không rõ ràng được các cấp chính quyền giải quyết triệt để, các chủ rừng hoàn toàn yên tâm bỏ vốn để đầu tư phương tiện kỹ thuật, lựa chọn cây giống sao cho hiệu quả, năng suất cao.