| Hotline: 0983.970.780

Gỡ thẻ vàng IUU - Hành động thay hô hào: [Bài 3] Chặn vi phạm từ xa

Thứ Năm 04/04/2024 , 08:38 (GMT+7)

Theo phân công được giao, BQL các cảng cá Hà Tĩnh rà soát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU nhằm ngăn chặn từ trên bờ, không có ngoại lệ, vùng cấm.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh xác định phải ngăn chặn hành vi vi phạm khai thác IUU từ sớm, từ xa. Ảnh: Thanh Nga.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh xác định phải ngăn chặn hành vi vi phạm khai thác IUU từ sớm, từ xa. Ảnh: Thanh Nga.

 Xử lý triệt để tàu cá mất kết nối VMS từ 6 tiếng trở lên

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.668 tàu cá đã đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia, đạt 100%. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6 đến dưới 12m là 2.207 chiếc; tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m là 372 chiếc và tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 89 chiếc.

Mặc dù đội tàu nhỏ chiếm phần lớn nhưng công tác kiểm tra, giám sát gặp không ít khó khăn, bởi tư duy “bạ đâu đánh bắt đó” của ngư dân đang phần nào “thâm căn cố đế”. Chính vì vậy, trong văn bản chỉ đạo mới nhất của Ban chỉ đạo (BCĐ) IUU tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu: Các lực lượng, đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và đối tượng tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong đó chú trọng những địa bàn trọng điểm áp dụng triệt để các biện pháp ngay từ trong bờ nhằm kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp.

“Quan điểm của BCĐ tỉnh là xử lý vi phạm thấu tình, đạt lý và không có ngoại lệ, vùng cấm. Thực chất việc răn đe không phải làm khó ngư dân mà chúng tôi đang bảo vệ quyền lợi, miếng cơm manh áo lâu dài cho bà con”, ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thành viên BCĐ IUU tỉnh Hà Tĩnh nói.

Đặc biệt, với 86 tàu cá đang khai thác vùng khơi, yêu cầu về chấp hành nghiêm các quy định Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo càng phải làm thật nghiêm. Hiện 100% tàu đánh vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS, còn 3 tàu hư hỏng, nằm bờ không hoạt động khai thác hải sản trên biển; các chủ tàu cá đã có cam kết bằng văn bản sẽ lắp đặt thiết bị VMS trước khi hoạt động trở lại.

Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm với những tàu cá đánh vùng khơi mất kết nối VMS từ 6 tiếng trở lên. Ảnh: Thanh Nga.

Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm với những tàu cá đánh vùng khơi mất kết nối VMS từ 6 tiếng trở lên. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Thân Quốc Tế, Phó Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho hay, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã và đang chủ động bố trí nhân lực kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

“Duy trì kết nối VMS liên tục là yêu cầu bắt buộc nhằm kiểm soát tàu cá có vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài hay không; đồng thời là căn cứ truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác được. Do đó, nội dung này chúng tôi sẽ phối hợp các lực lượng liên quan điều tra, xác minh, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm mất kết nối VMS từ 6 tiếng trở lên, tàu cá mất kết nối trên 10 ngày, tàu cá vượt ranh giới trên biển”, ông Tế nhấn mạnh.

Triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử

Sau 4 lần kiểm tra, Đoàn EC vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, đồng nghĩa chúng ta còn một số tồn tại lớn chưa khắc phục được. Đây là một thực tế bà con ngư dân cần nhìn nhận thấu đáo để hoàn thiện theo các yêu cầu của EC.

Trước mắt, để hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc thủy sản thuận lợi, Tổng cục Thủy sản triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) đến từng ngư dân. Trong thời đại công nghệ số, việc khai báo nguồn gốc thủy sản bằng phần mềm điện tử sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí cho ngư dân và lực lượng chức năng.

BQL các cảng cá Hà Tĩnh tập huấn triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử cho ngư dân. Ảnh: Thanh Nga.

BQL các cảng cá Hà Tĩnh tập huấn triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử cho ngư dân. Ảnh: Thanh Nga.

Theo đó, phần mềm eCDT sẽ liên thông giữa ngư dân - cảng cá - Bộ đội Biên phòng trong làm thủ tục ra, vào cảng cá. Ngư dân chỉ cần dùng điện thoại cung cấp thông tin qua hệ thống phần mềm, các đơn vị cảng cá, Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp nhận, kiểm tra xử lý.

“Đây là phần mềm mới nên quá trình triển khai thực tế gặp một số khó khăn như: yêu cầu phải có điện thoại thông minh kết nối internet trong khi ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đang dùng điện thoại thường (do đi biển điện thoại dễ bị rơi, nước vào); ngoài khơi không có internet; các trạm kiểm soát biên phòng nhiều nơi chưa có mạng internet tốc độ cao; ngư dân chủ yếu là người nhiều tuổi, không thông thạo trong xử lý trên điện thoại thông minh…”, Phó Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh nêu các trở ngại.

Là 1 trong 50 ngư dân vừa tham gia khóa tập huấn truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, ông Ngô Văn Tiến, chủ tàu HT 90154, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà nêu quan điểm, ông đồng tình với chủ trương của Nhà nước, ngành chức năng trong vấn đề này. Song bày tỏ lo lắng trong việc khai báo khi tàu về, bởi khi về ngư dân phải ngồi trên thuyền, lênh đênh khó thao tác.

“Chưa kể, tôi mắt kém, dùng điện thoại “cục gạch” quen rồi, bây giờ chuyển sang thao tác máy thông minh là một việc cực kỳ khó khăn”, ông Tiến nói.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.