Tranh thủ tối đa nguồn lực
Chiều muộn những ngày cuối tháng 3, tranh thủ thời thiết nắng ráo, công nhân và thiết bị, xe, máy trên công trường thi công cảng cá Cửa Nhượng, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên vẫn miệt mài vận hành hoạt động hết công suất để đóng cọc bê tông cầu cảng và hoàn thành công tác đắp nền đường nội bộ, thi công tuyến đê chắn sóng, các hạng mục nhà phân loại cá… với quyết tâm sớm hoàn thành, đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Dự án cảng cá Cửa Nhượng có tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng với quy mô rộng khoảng 5ha. Sau 2 tháng khởi công, dự án đã thi công đạt hơn 10% khối lượng công việc. Khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng quy mô cảng cá cấp II với các tàu công suất 400CV cập cảng; năng lực cập tàu đạt 100 lượt/ngày; lượng thủy sản qua cảng khoảng 16.000 tấn/năm.
Một cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần đầu tư Thành Công cho biết, sau ngày chủ đầu tư phát động khởi công (ngày 20/1), đơn vị đã tập trung máy móc thiết bị và nhân lực triển khai thi công. Do đặc thù thực hiện vùng cửa biển phụ thuộc nhiều về thời tiết, nhất là con nước thủy triều nên có những thời điểm công ty phải chia ca thi công từ 20h hôm trước đến 2h sáng hôm sau. Ngoài ra, để ngăn con nước lên, nhà thầu cũng tiến hành đắp bờ quai bao quanh khu vực thi công.
“Ngoài tiến độ chung do chủ đầu tư đặt ra, công ty cũng lên khung tiến độ cho các hạng mục theo từng tuần, từng tháng nhằm phấn đấu hoàn thành các hạng mục được giao trước mùa mưa bão năm 2024”, vị cán bộ nói.
Tham gia thi công cảng cá Cửa Nhượng có liên danh 5 nhà thầu, gồm: Công ty cổ phần xây dựng và thương mại 269 (Cẩm Xuyên), Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Thới Bình (TP Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần đầu tư Thành Công (Nghệ An), Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Quê Hương (TP Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phần đầu tư Quốc Việt (Nghệ An).
Đây là công trình có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch từ “nghề cá nhân dân” sang nghề cá hiện đại, có trách nhiệm. Bởi, bao đời nay, ngư dân Cẩm Xuyên nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung dù muốn làm ăn lớn nhưng vì cảng Cửa Nhượng chưa có cầu cảng, khu thương mại dịch vụ nên hải sản đánh bắt được phụ thuộc nhiều vào thương lái ngoại tỉnh. Khi được mùa thì giá thấp và ngược lại. Hơn nữa, vào mùa mưa bão, cửa lạch bồi lắng thường xuyên, tàu thuyền lớn không thể neo đậu tránh trú nên ngư dân còn ngại đầu tư tàu lớn vươn khơi khai thác.
“Dự án này sẽ xây dựng mới các hạng mục chính như: Cầu cảng, kè bảo vệ bờ, nạo vét luồng tàu và khu nước trước bến, tuyến đê chắn cát. San lấp mặt bằng, hệ thống hạ tầng nghề cá từ sân bãi, nhà điều hành, cấp thoát nước, xử lý nước thải cho đến hệ thống phao tiêu, đèn báo hiệu. Đầu tư thiết bị máy cẩu, xe nâng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường cho cảng cá.
Đồng thời, đánh giá thường xuyên tốc độ bồi lắng, nạo vét chỉnh trị luồng vào khu neo đậu, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác, tạo động lực phát triển nghề cá, giúp ngư dân yên tâm bám biển”, ông Nguyễn Hồng Sơn, kỹ thuật Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Hà Tĩnh thông tin.
Tranh thủ nguồn vốn được giao, BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Hà Tĩnh cũng đang rốt ráo đôn đốc các nhà thầu thi công dự án Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, giai đoạn 2.
Tại hiện trường công trình, gần 20 công nhân Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại dịch vụ 555 làm ngày làm đêm đúc cấu kiện bê tông; đào chân khay lát đá bờ kè chắn sóng. Theo ông Phan Xuân Duyệt, Chỉ huy trưởng Công ty, quá trình thi công dự án trên bờ dễ một thì khu vực biển khó mười. Ngoài việc căn thủy triều để điều động công nhân, xe, máy thi công, một số hạng mục phải đào âm 4,5- 5m, nền địa chất yếu, cát trồi sụt nên mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
“Dù có những khó khăn không lường trước được nhưng đã cam kết với Chủ đầu tư thì chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình. Hiện công nhân đã đúc được 5.000/7.000 cấu kiện bê tông; đào âm gần 2m hạng mục chân khay. Trong tháng 4, chúng tôi sẽ huy động thêm nhân công, xe, máy để triển khai các hạng mục còn lại”, ông Duyệt nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, kỹ thuật BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Hà Tĩnh, khi hạ tầng cảng cá Cửa Nhượng; Cửa Khẩu - Kỳ Hà đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực hệ thống các cảng cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững lĩnh vực thủy sản, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục xúc tiến đầu tư nhiều dự án
Thông qua các khảo sát và đánh giá của ngành chuyên môn Hà Tĩnh, trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và khắc nghiệt, tác động của thiên tai lên các công trình hạ tầng ven biển, các tàu thuyền đánh bắt của bà con ngư dân ngày càng khốc liệt, khó lường. Trong phạm vi nguồn vốn đã đầu tư các dự án, trước mắt mới chỉ đáp ứng thực hiện các hạng mục thiết yếu, chưa đảm bảo tính đồng bộ và quy mô để hoàn thiện theo Quy hoạch.
“Sau nhiều năm đưa vào khai thác, cảng cá và khu neo đậu Cửa Hội - Xuân Phổ đã bị bồi lắng nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu về chống khai thác IUU trong kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng thủy sản qua cảng. Bên cạnh đó, một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã xuống cấp và hạ tầng chưa đáp ứng điều kiện để nuôi trồng theo hướng VietGAP, dẫn đến gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh; giá trị sản phẩm sau thu hoạch thấp, đời sống ngư dân bấp bênh.
Vì vậy, UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét, bố trí kinh phí khoảng hơn 550 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện dự án: Nạo vét, chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ; Nạo vét cảng Xuân Hội và xây dựng tuyến đê chắn cát phía biển; Nạo vét luồng vào cảng cá Thạch Kim; đồng thời, nâng cấp cơ sở hạ tầng 3 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã: Kỳ Hải, Kỳ Thọ huyện Kỳ Anh; xã Đỉnh Bàn, huyện Lộc Hà”, lãnh đạo BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Hà Tĩnh thông tin thêm.
Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư thực hiện các hạng mục chính, gồm: Nạo vét khu neo đậu đảm bảo tránh trú bão cho 600 tàu cá có công suất tối đa 600CV; nạo vét luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu; xây dựng đê chắn sóng khu neo đậu; hệ thống trụ neo, phao neo, rùa neo và hệ thống báo hiệu luồng tàu, khu neo đậu tránh trú bão.