| Hotline: 0983.970.780

Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Kinh nghiệm thế giới

Thứ Hai 04/03/2024 , 19:55 (GMT+7)

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm các nước đã thành công gỡ 'thẻ vàng" IUU, đồng thời kết hợp linh hoạt những bài học này trong phát triển nghề cá bền vững.

27 quốc gia bị cảnh báo “thẻ vàng”

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới, nhập khẩu hơn 60% tổng sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, khối lượng hải sản trái phép nhập khẩu vào EU mỗi năm ước tính khoảng 500.000 tấn, trị giá 1,1 tỷ euro. Để giải quyết vấn đề này, năm 2008, EU đã ban hành đạo luật được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới nhằm ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Quy định IUU của EU có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, yêu cầu “các nước thứ ba” (không thuộc EU) xuất khẩu hải sản sang EU hoặc cho tàu thuyền mượn cờ phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý nghề cá. Nếu không đáp ứng được, có thể bị cảnh báo “thẻ”, điều đó nhằm bảo đảm rằng, không có sản phẩm hải sản khai thác IUU nào xuất hiện trên thị trường EU.

EU là thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới. Ảnh: Ekaterina Belova.

EU là thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới. Ảnh: Ekaterina Belova.

Theo Nghị viện châu Âu, Quy định IUU (1005/2008) là cốt lõi khung pháp lý của EU về hành động chống khai thác IUU trên toàn cầu. Mục tiêu chính của quy định này là cản trở, ngăn chặn và loại bỏ hoạt động buôn bán các sản phẩm hải sản khai thác IUU vào EU.

Trước tiên, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ xác định “các nước thứ ba” không thực hiện nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế để có những hành động chống khai thác IUU và bắt đầu đối thoại với từng quốc gia này. Nếu đối thoại không giải quyết được tồn tại, EC sẽ thông báo cho quốc gia đó về nguy cơ bị coi là không hợp tác. Thông báo này được gọi là “nhận dạng ban đầu” hay “thẻ vàng”.

Sản lượng hải sản khai thác IUU hằng năm trên toàn cầu ước tính khoảng 11 - 26 triệu tấn, trị giá 10 - 20 tỷ euro. Điều này gây nên các mối đe dọa nghiêm trọng cho việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và tính đa dạng của sinh vật, từ đó công tác chống khai thác IUU đã trở thành trở thành một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc sử dụng bền vững để duy trì nguồn lợi biển.

EC đề xuất các biện pháp phù hợp mà quốc gia vi phạm sẽ giải quyết theo thời hạn cụ thể. Nếu quốc gia vi phạm chứng minh được sự tiến bộ, cải thiện theo các biện pháp đã đề xuất nhưng cần thêm thời gian để hoàn tất cải cách, tình trạng “thẻ vàng” có thể được gia hạn thêm.

Trường hợp quốc gia vi phạm không giải quyết được vấn đề, EC sẽ xác định đó là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp “thẻ đỏ”, cấm xuất khẩu các sản phẩm hải sản sang EU.

Trạng thái cao nhất là bị đưa vào “danh sách đen”, cấm tất cả sản phẩm hải sản do các tàu cá hoạt động dưới cờ của quốc gia đó khai thác được. Các công ty thủy sản của EU cũng bị cấm hoạt động tại các quốc gia bị đưa vào “danh sách đen”.

Đối thoại mở trong suốt quá trình này. Khi quốc gia vi phạm có những tiến bộ cụ thể trong việc giải quyết các mối quan ngại liên quan đến khai thác IUU, EC sẽ gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” hoặc cấp “thẻ xanh”.

Tính đến tháng 5/2022, đã có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ bị cảnh báo “thẻ vàng” theo Quy định IUU của EU. Cụ thể, gồm: Belize, Campuchia, Cameroon, Comoros, Curacao, Ecuador, Fiji, Ghana, Kiribati, Hàn Quốc, Liberia, Panama, Papua New Guinea, Philippines, Cộng hòa Guinea, Siera Leone, Solomon Islands, Sri Lanka, Saint Kitts and Nevis, Saint Vincent và Grenadines, Đài Loan, Thái Lan, Togo, Trinidad và Tobago, Tuvalu, Vanuatu và Việt Nam.

Có 14/27 quốc gia đã gỡ được “thẻ vàng” trong vòng 10 - 56 tháng, nhưng sau đó có 2 quốc gia trong số này bị nhận “thẻ vàng” lần thứ hai. Trong số 6 quốc gia bị cảnh báo “thẻ vàng”, sau đó bị cảnh báo “thẻ đỏ” thì có 3 quốc gia đã gỡ được “thẻ đỏ” lần lượt sau 13, 20 và 35 tháng. Hiện tại có 9 quốc gia bị cảnh báo “thẻ vàng” và 3 quốc gia bị cảnh báo “thẻ đỏ”.

Hàn Quốc và Philippines sửa đổi luật

Tháng 11/2013 và tháng 6/2014, EU lần lượt đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” với Hàn Quốc và Philippines vì hai quốc gia này không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế trong chống khai thác IUU, cải thiện quản lý và kiểm soát nghề cá.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 năm kể từ khi bắt đầu cuộc đối thoại với EC, Hàn Quốc và Philippines đã xây dựng luật thủy sản mới, cải thiện cơ chế kiểm tra và nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với luật pháp quốc tế.

Philippines đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng, chống khai thác IUU. Ảnh: David David.

Philippines đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng, chống khai thác IUU. Ảnh: David David.

Hàn Quốc đã thực hiện sửa đổi rộng rãi khung pháp lý quản lý đội tàu khai thác xa bờ phù hợp với yêu cầu quốc tế và đã cập nhật Kế hoạch hành động quốc gia về khai thác IUU (NPOA-IUU).

Tham gia Mạng lưới theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá (MCS) đối với các hoạt động liên quan đến nghề cá, tăng cường hợp tác với “các nước thứ ba” và các tổ chức phi chính phủ trong cuộc chiến chống khai thác IUU, đồng thời đưa ra và áp dụng các biện pháp trừng phạt cao hơn đối với các tàu vi phạm.

Thành lập một Trung tâm Giám sát Nghề cá (FMC) hoạt động theo thời gian thực để giám sát đội tàu trên tất cả vùng biển, lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá (VMS) trên tất cả tàu khai thác xa bờ mang cờ Hàn Quốc (khoảng 300 tàu).

Đưa ra các thủ tục để đảm bảo chương trình chứng nhận khai thác đáng tin cậy hơn. Ví dụ, kể từ tháng 9/2015, tất cả tàu sẽ được trang bị hệ thống nhật ký điện tử, cho phép chia sẻ thông tin theo thời gian thực về hoạt động khai thác, đánh bắt.

Bắt đầu quá trình phê chuẩn Thỏa thuận về biện pháp các quốc gia có cảng (PSMA) của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).

Tương tự ở Philippines, kể từ khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, Chính phủ Philippines đã nâng cao trách nhiệm quốc tế trong phòng, chống khai thác IUU như: phê chuẩn Hiệp định nghề cá Liên hiệp quốc (UNFSA); xem xét phê chuẩn PSMA.

Bên cạnh đó, Philippines cũng đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng, chống khai thác IUU, cụ thể như: Tiến hành cải cách sâu rộng khung pháp lý, ban hành luật để thực hiện các biện pháp quản lý và bảo tồn theo tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO); đồng thời đưa ra các biện pháp mới nhắm vào hoạt động của đội tàu xa bờ, gồm cả kế hoạch xử phạt mạnh tay hơn đối với các vi phạm liên quan đến khai thác IUU.

Áp dụng truy xuất nguồn gốc để đảm bảo việc kiểm soát sản phẩm hải sản trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như áp dụng quy trình tác nghiệp tiêu chuẩn đối với việc kiểm tra chéo và xác minh thông tin trong giấy chứng nhận khai thác hải sản theo quy định của EU.

Đảm bảo hơn 200 tàu khai thác của Philippines hoạt động trong các khu vực do Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC), Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương (IOTC) và Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) quản lý và phủ sóng VMS theo thời gian thực. Một FMC chính thức cũng đã được thành lập ở Manila.

Thiết lập hệ thống cấp phép điện tử; tăng cường nguồn nhân lực, kỹ thuật và tài chính cho quản lý nghề cá, gồm việc tuyển dụng các nhân viên mới phân bổ cho hoạt động thanh tra và thực hiện chương trình chứng nhận khai thác, cùng đó thực hiện việc tăng ngân sách cho Cục Thủy sản Philippines.

Ngoài ra, Philippines cũng chú trọng cải thiện sự hợp tác với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống khai thác IUU, đặc biệt với Papua New Guinea, chia sẻ thông tin về việc cập bến và trung chuyển cũng như phối hợp các hoạt động nhằm cải thiện quy trình truy xuất nguồn gốc và chứng nhận khai thác.

Kết quả của tất cả những hành động này là Hàn Quốc và Philippines đã gỡ được “thẻ vàng” vào tháng 4/2015.

Đài Loan tập trung 4 nhóm vấn đề

Theo thống kê của Sở Ngư nghiệp Đài Loan, Đài Loan nằm trong danh sách 20 nước ngư nghiệp hàng đầu thế giới, là một trong 6 quốc gia có hoạt động khai thác hải sản trên hải phận quốc tế nhiều nhất thế giới. Đài Loan đứng đầu thế giới về sản lượng cá thu đao đánh bắt trên vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương và cá ngừ vây dài đánh bắt ở vùng Ấn Độ Dương và Nam Đại Tây Dương.

Đội tàu khai thác xa bờ của Đài Loan nằm trong top 3 đội tàu khai thác xa bờ lớn nhất thế giới. Riêng với đội tàu câu vàng, Đài Loan dẫn đầu trên toàn cầu với sản lượng khai thác hằng năm khoảng 280.000 tấn.

Công suất lớn của đội tàu khai thác xa bờ ở Đài Loan đã trở thành mối quan tâm lớn đối với nhiều tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) và các tổ chức phi chính phủ về môi trường (NGOs) trước bối cảnh nhận thức về môi trường ngày càng tăng trên toàn thế giới. Dù nhiều RFMO và NGO đã chỉ trích các hoạt động khai thác IUU liên quan đến tàu cá Đài Loan và kêu gọi Đài Loan thực hiện các hành động cần thiết nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề.

Đài Loan đã nỗ lực rất nhiều để tăng cường quản lý nghề cá trên 4 nhóm vấn đề, gồm: Khung pháp lý, MCS, truy xuất nguồn gốc và hợp tác quốc tế. Ảnh: Taiwan-panorama.

Đài Loan đã nỗ lực rất nhiều để tăng cường quản lý nghề cá trên 4 nhóm vấn đề, gồm: Khung pháp lý, MCS, truy xuất nguồn gốc và hợp tác quốc tế. Ảnh: Taiwan-panorama.

Việc Đài Loan thiếu phản ứng đã khiến EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với Đài Loan vào tháng 10/2015, đồng nghĩa với việc Đài Loan có thể phải đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu hoặc “thẻ đỏ” nếu không cải thiện các quy định đối với đội tàu của mình.

Việc bị EC áp “thẻ vàng” IUU được xem như một “khóa đào tạo và cũng là một bài học” cho Đài Loan. Để tháo gỡ, Bộ Nông nghiệp Đài Loan chia sẻ, Đài Loan đã nỗ lực rất nhiều để tăng cường quản lý nghề cá trên 4 nhóm vấn đề, gồm: Khung pháp lý, MCS, truy xuất nguồn gốc và hợp tác quốc tế.

Cụ thể, về khung pháp lý, Đài Loan đã sửa đổi 3 điều luật liên quan đến khai thác xa bờ, gồm: Quy định nghề cá xa bờ; quy định về quản lý đầu tư tàu cá quốc tịch nước ngoài; và sửa đổi điều khoản trong luật ngư nghiệp. Ngoài ra, cũng đã có một số quy định và thông báo khác được ban hành. Do đó, cơ sở pháp lý quản lý nghề cá xa bờ của Đài Loan đã được củng cố.

Về MCS, một loạt hành động nhằm tăng cường cơ chế quản lý đã được thực hiện. Ví dụ, tất cả tàu khai thác xa bờ đều được lắp đặt hệ thống nhật ký điện tử (e-logbook). Một FMC hoạt động 24/7 được thành lập để nắm bắt hoạt động di chuyển của các đội tàu khai thác xa bờ của Đài Loan. Đề án khai báo cập cảng được thực hiện. Tàu khai thác xa bờ của Đài Loan chỉ được phép cập cảng hoặc trung chuyển tại 32 cảng cá đã được chỉ định…

Về truy xuất nguồn gốc, Đài Loan đã soạn thảo và triển khai kế hoạch chiến lược kiểm toán liên quan đến khai thác xa bờ, theo đó kiểm tra và hướng dẫn các nhà xuất khẩu hải sản đảm bảo rằng, các sản phẩm hải sản được mua không liên quan đến khai thác IUU.

Về hợp tác quốc tế, đã ký các thỏa thuận hợp tác với 22 nước có liên quan cao với Đài Loan trong lĩnh vực thủy sản. Nâng cao hình ảnh ngành thủy sản Đài Loan trong mắt bạn bè quốc tế bằng cách cải thiện hồ sơ tuân thủ RFMO.

Ngoài ra, để thực hiện thành công các biện pháp nêu trên, Viện Hành pháp Đài Loan đã thành lập một Lực lượng đặc nhiệm liên bộ về chống khai thác IUU, nhằm tổng hợp và điều phối năng lực của các cơ quan liên quan, như: Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Phúc lợi, Hội đồng Đại dương, Bộ Lao động và Hội đồng Nông nghiệp.

Với việc thành lập Lực lượng đặc nhiệm như vậy, Kế hoạch kiểm soát và thanh tra nghề cá của Đài Loan (NPCI) được thực hiện suôn sẻ trên tất cả mặt trận, từ an toàn tàu thuyền, thực thi pháp luật trên biển, kiểm tra vệ sinh, kiểm soát xuất nhập khẩu và ngăn chặn khai thác IUU.

Quyết tâm của Đài Loan đã gặt hái “trái ngọt” khi EC quyết định gỡ bỏ “thẻ vàng” cho Đài Loan vào ngày 27/6/2019. EC và Đài Loan cũng đồng ý thành lập Nhóm công tác về chống khai thác IUU giữa hai bên nhằm tăng cường hợp tác trong vấn đề khai thác IUU, đảm bảo tính hợp pháp và khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm hải sản.

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 27/6/2019 của Ủy ban châu Âu, Ủy viên châu Âu về môi trường, các vấn đề hàng hải và nghề cá Karmenu Vella cho biết: “Tôi muốn bày tỏ sự hoan nghênh trước những nỗ lực rất lớn của Đài Loan trong vấn đề cải cách khung pháp lý về nghề cá, thực hiện các công cụ kiểm soát mới và cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hải sản”.

Không dừng lại ở đó, ngay sau khi được EC gỡ “thẻ vàng”, tháng 7/20219, Đài Loan đã gia nhập Hiệp định Ngư nghiệp Nam Ấn Độ Dương (SIOFA), cam kết thúc đẩy sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản trên hải phận quốc tế của Ấn Độ Dương.

Thái Lan xây dựng nhiều luật, chính sách, chương trình mới

Trước đây, nghề cá Thái Lan thực hiện theo hệ thống “tiếp cận mở”, với luật thủy sản gần như rất ít khi thay đổi. Tuy nhiên, sau khi bị EC áp “thẻ vàng” vì các hoạt động khai thác IUU vào tháng 4/2015, Thái Lan đã bắt đầu một cuộc cải cách cơ bản ngành thủy sản, coi đó là một cơ hội để xây dựng lại hình ảnh với nhiều luật, chính sách và chương trình mới phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thái Lan đã sửa đổi khung pháp lý nghề cá phù hợp với luật pháp quốc tế về các công cụ biển, đã tăng cường tuân thủ các nghĩa vụ với tư cách là quốc gia treo cờ, cảng, ven biển và thị trường, gồm các định nghĩa rõ ràng trong luật pháp và thiết lập một chế độ trừng phạt mang tính răn đe.

Hơn nữa, Thái Lan đã củng cố các cơ chế kiểm soát đội tàu khai thác và tăng cường hệ thống MSC. Theo đó quốc gia này đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đưa ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện để cho phép kiểm soát và thực thi các hoạt động MCS thông qua một FCM được thành lập năm 2016.

Ngày 8/1/2019, EC tuyên bố gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' IUU với Thái Lan, công nhận tiến bộ thực chất mà quốc gia này đã đạt được trong việc giải quyết các hoạt động khai thác IUU. Ảnh: Nationthailand.

Ngày 8/1/2019, EC tuyên bố gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU với Thái Lan, công nhận tiến bộ thực chất mà quốc gia này đã đạt được trong việc giải quyết các hoạt động khai thác IUU. Ảnh: Nationthailand.

FCM của Thái Lan được trang bị hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến để có thể giám sát ở cảng, trên biển và trên không. Hiện tất cả tàu cá của nước này đều lắp đặt hệ thống VMS. Từ trung tâm, các nhà chức trách sẽ biết được chính xác các tàu cá đang khai thác ở đâu, nằm trong vùng lãnh hải của Thái Lan hay đang ở khu vực cấm khai thác.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, các chủ tàu có thể đăng ký thủ tục xuất nhập cảng cho các tàu cá của gia đình. Với các ứng dụng khác nhau, các chủ tàu sẽ biết tàu của mình đang khai thác ở khu vực nào cũng như tra cứu lịch sử khai thác của tàu trong 10 ngày qua. Nếu phát hiện tàu đi ra khỏi hải phận của Thái Lan, các chủ tàu sẽ liên lạc với thuyền trưởng để yêu cầu tàu quay trở lại.

Từ tháng 5/2015 đến tháng 9/2018, Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 87 triệu euro cho các chương trình chống khai thác IUU, trả lương cho đội ngũ gồm 4.000 thanh tra và thiết lập hệ thống MCS mới.

Thái Lan đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng quốc tế các sản phẩm thủy sản. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của nước này rất phát triển, nhưng phụ thuộc nguyên liệu thô từ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Là một bên tham gia PSMA, Thái Lan đã tăng cường kiểm soát việc cập bến của các tàu đánh cá nước ngoài tại các cảng của Thái Lan và tăng cường hợp tác với các quốc gia treo cờ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Việc tăng cường hệ thống hành chính và pháp lý nghề cá ở Thái Lan có thể tạo ra hiệu ứng cấp số nhân trong sự bền vững toàn cầu của nguồn lợi thủy sản.

EC cũng ghi nhận những nỗ lực của Thái Lan trong việc giải quyết nạn buôn người và cải thiện điều kiện lao động trong lĩnh vực nghề cá. Mặc dù không phải là một phần của cuộc đối thoại song phương về khai thác IUU nhưng EC và Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu đã cùng Thái Lan giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và cưỡng bức lao động trong ngành khai thác thủy sản. Thái Lan đã công bố phê chuẩn Công ước số 188 của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động trong nghề cá (C188), trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn công ước này, được EC đánh giá rất cao.

Là đối tác thương mại thủy sản lớn thứ 5 của EU với giá trị thương mại 426 triệu euro trong năm 2016, Thái Lan đã thực hiện trách nhiệm của mình để giải quyết thách thức toàn cầu mang tên IUU một cách nghiêm túc. Quốc gia Đông Nam Á này cải tổ và hiện đại hóa ngành thủy sản, đồng thời xây dựng một khuôn khổ chính sách và luật pháp mới mạnh mẽ để đảm bảo một ngành công nghiệp bền vững, có đạo đức, thân thiện với môi trường và xã hội hơn.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày 8/1/2019, EC tuyên bố gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU với Thái Lan, công nhận tiến bộ thực chất mà quốc gia này đã đạt được trong việc giải quyết các hoạt động khai thác IUU.

Để tiếp tục phòng, chống khai thác IUU, giữa năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã cắt giảm 3.000 tàu cá cũ không đủ tiêu chuẩn khai thác hải sản. Theo Bangkok Post, tính tới cuối năm 2020, các chủ tàu thuyền khai thác biển phải chịu sự ràng buộc của hơn 300 điều khoản luật định. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan vẫn giữ vững lập trường và tiếp tục cải cách nhằm đảm bảo tính bền vững biển và đưa đất nước trở thành quốc gia tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về chống khai thác IUU. Với những thay đổi quyết liệt, Thái Lan hiện có sẵn tất cả chính sách cần thiết để cản trở, ngăn chặn và loại bỏ khai thác IUU.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc Kim Young-Suk chia sẻ: “Từ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn đã có, tôi muốn khuyên các quốc gia đang bị cảnh báo “thẻ vàng”, cần có cam kết chính trị mạnh mẽ và hành động quyết liệt để giải quyết các hoạt động khai thác IUU. Quyết tâm chính trị là yếu tố quan trọng nhất để giải quyết điều này. Giải quyết vấn đề khai thác IUU là một nghĩa vụ toàn cầu”.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.