| Hotline: 0983.970.780

Gọi bố mẹ đẻ là ông, bà ngoại

Thứ Tư 11/04/2012 , 10:25 (GMT+7)

Việc nhận con nuôi chỉ diễn ra với người cùng họ hàng. Người con đó sẽ ăn ở truyền kiếp với bố mẹ nuôi và gọi bố mẹ đẻ là ông, bà ngoại.

Bao đời nay, người Dao Tiền ở xã Tân Minh (Đà Bắc, Hoà Bình) có tập tục nhận con nuôi. Việc nhận con nuôi chỉ diễn ra với người cùng họ hàng. Người con đó sẽ ăn ở truyền kiếp với bố mẹ nuôi và gọi bố mẹ đẻ là ông, bà ngoại.

>> Những ông bố tuổi 15
>> Tục cạo trọc đầu & chuyện ông giáo ''nuôi tóc''

Chỉ nhận người trong họ

Từ trung tâm huyện Đà Bắc, chúng tôi đi gần 70 km, vượt qua những con dốc quanh co, hiểm trở mới đến được xã Tân Minh, một xã đặc biệt khó khăn. Tân Minh có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như: Kinh, Mường, Tày, Dao, Thái song dân tộc Dao Tiền chiếm khoảng 40%, tập trung chủ yếu ở (xóm Diều Luông, xóm Yên, xóm Tát).

Từ trung tâm xã tiếp tục cuốc bộ gần một giờ đồng hồ mới đến bản Diều Luông. Khi đặt chân đến đây, chúng tôi nghe không ít về tập tục của người Dao Tiền; trong đó ấn tượng nhất là tục nhận con nuôi.

Khi hỏi người dân về tập này có từ bao giờ thì ai cũng nói: Cứ đến nhà cụ Hà Văn Tom (86 tuổi), cụ ấy già nhất bản, chắc chắn sẽ biết.

Và chúng tôi được cụ Tom cho hay, tục nhận con nuôi có từ thời xa xưa, khi cụ sinh ra và lớn lên đã thấy. Người nhận con nuôi là những gia đình hiếm con hoặc nhà đẻ toàn con gái. Theo quan niệm của người Dao Tiền thì đã sinh ra trời phải sinh ra đất, đẻ con cũng phải có nếp có tẻ, thì trong nhà mới hoà hợp âm dương.

Cụ Tom cho biết thêm, nếu nhà nào đẻ toàn con gái sẽ không có người nối dõi tông đường, khi chết không có người  chống gậy. Do đó những gia đình sinh toàn con gái với giá nào cũng phải đi xin bằng được con trai về nuôi. Tuy nhiên người con nuôi bắt buộc tuân theo luật của người Dao là phải người trong dòng họ. 

Gia đình anh Pắm - chị Thanh sinh được toàn con gái nên phải xin con trai về nuôi

Điều chúng tôi ngạc nhiên, đó là người Dao Tiền cho con và nhận con rất dễ dàng. Gia đình bên kia không có con trai, khi đến xin gia đình bên này cũng đồng ý luôn. Thủ tục nhận con nuôi rất đơn giản, khi hai bên gia đình gật đầu thì chỉ cần làm một cái lễ, trong đó có đĩa xôi, con gà để báo cáo với ông bà tổ tiên, hay như người ta thường gọi là “nhập khẩu” cho người con đó.

Gọi bố mẹ đẻ là ông, bà ngoại

Người con nuôi về bên gia đình kia sinh sống nhưng khi gặp lại bố mẹ đẻ của mình đều gọi bằng ông bà ngoại. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề xưng hô kỳ lạ này thì ông Tom cũng không thể lý giải nổi. Ông chỉ biết rằng từ xưa khi có tục nhận con nuôi đã thấy người ta xưng hô như vậy. Và đến đời sau, con cháu noi theo đời trước, ai cũng tuân thủ luật này.

Hôm chúng chúng tôi đến xóm Diều Luông, ghé thăm nhà anh Lường Văn Bốn - chị Hà Thị Quế, cũng là lúc gia đình đang sửa lại mái nhà. Đứa con trai mà anh chị cho nhà người khác nuôi gần chục năm nay cũng về làm giúp cho nhà bố mẹ đẻ.

Anh Bốn cho biết: Vợ chồng mình sinh được ba đứa con trai, cách đây hơn 10 năm có một gia đình cũng mang họ Lường ở xóm Cò Phầy là vợ chồng anh (Lường Văn Pắm - chị Xa Thị Thanh) sinh được bốn người con gái. Ngày đó thằng con trai út của tôi là Lường Văn Sình vừa tròn một tuổi, khi có người đến xin nó làm con nuôi thì gia đình tôi lưỡng lự không muốn cho. Sau thấy hoàn cảnh nhà bên kia cũng đáng thương nên hai vợ chồng chấp nhận gửi đứa út sang bên đó.

Hơn chục năm nay, số lần Sình trở về nhà bố mẹ đẻ rất ít. “Cách đây khoảng 5 năm về trước, lần đầu tiên Sình quay về nhà bố mẹ đẻ để làm giỗ cho ông nội, vừa thấy bố mẹ, nó liền chào ông, bà ngoại. Nghe đứa con mình mang nặng đẻ đau chào thế khiến cả nhà ngớ người. Lúc đó tôi định đánh cho nó một trận, sau nghĩ lại thì mới nhớ con mình đã cho người ta nuôi rồi nên giờ không thể bắt nó phải gọi mình là bố mẹ được”, anh Bốn tâm sự.

Khác với gia đình anh Bốn, gia đình anh chị Bàn Văn Chiến - Lò Thị Đối ở xóm Yên  (Tân Minh) lấy nhau được hơn chục năm nay nhưng không có con. Gia đình, họ hàng của anh ở xã Đoàn Kết, cách Tân Minh gần 20 km. Từ khi lấy vợ, anh Chiến đã chuyển về xã Tân Minh ở nên việc xin con nuôi có phức tạp hơn nhiều.  

Bàn Văn Tính, con nuôi của gia đình anh Bàn Văn Chiến - Lò Thị Đối

Ông Hà Văn Tăm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Minh, cho biết: Trong năm vừa qua trên địa bàn xã có 5 trường hợp nhận con nuôi, chủ yếu vẫn là cho nhận từ các xóm trong xã với nhau. Đây cũng là một tập tục tốt đẹp thể hiện tình người, nét văn hoá của người Dao Tiền. Nghi lễ nhận con nuôi được thực hiện theo phong tục, sau khi cả hai bên đồng ý thì ra xã làm thủ tục nhận con nuôi theo đúng pháp luật.

Anh Chiến kể lại: Thấy gia đình mình không có con, nhiều người trong xóm cũng gợi ý nhận lấy một người con nào đó về nuôi để sau này có người hương khói khi chết. Thậm chí nhiều gia đình tự nguyện cho con của mình, nhưng gia đình mình không thể nhận vì những người con nuôi đó không cùng họ.

Để có một người con nuôi, anh Chiến đã phải về tận xã Đoàn Kết tìm đến những gia đình cùng họ đặt vấn đề xin con nuôi. Đến nay đứa con nuôi của anh là Bàn Văn Tính đã 19 tuổi, nhưng theo lời của anh Chiến, từ khi làm xong thủ tục nhận con nuôi cho đến bây giờ Tính chưa bao giờ xin bố mẹ cho về nhà mẹ đẻ dù một lần.

Nói về chuyện đứa con nuôi không về thăm bố mẹ đẻ, anh Chiến cho biết: “Sở dĩ nó không muốn sang là từ khi sang bên này sống Tính nói không còn quan hệ gì với bên mẹ đẻ nữa, mà cũng chỉ xem như hàng xóm với nhau thôi, vì thế nó chẳng hề muốn sang một chút nào”.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất