| Hotline: 0983.970.780

"Hà bá" liên tục nuốt chửng nhà dân!

Thứ Hai 19/03/2012 , 10:07 (GMT+7)

PV NNVN đã chứng kiến hàng chục đoạn sạt lở mới “ăn” trọn hết con đường trải đá dăm hai bên kênh khiến giao thông tê liệt, hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp...

Dự án cải tạo kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) – tuyến giao thông thủy huyết mạch nối ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam bộ, suốt 4 năm qua ì ạch không thể triển khai khiến đất đai, nhà cửa của hàng trăm hộ dân sống ven kênh liên tục bị “hà bá” nuốt chửng.

Trong ngày 15/3, PV NNVN đã chứng kiến hàng chục đoạn sạt lở mới “ăn” trọn hết con đường trải đá dăm hai bên kênh khiến giao thông tê liệt, hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp tại khu vực này…

>> Tan nát dòng kênh Chợ Gạo

CHẾT NGƯỜI, CHÌM NHÀ, MẤT CẢ ĐƯỜNG ĐI

Theo chân anh Tám Mừng, một người dân sống ven kênh Chợ Gạo, trên chiếc xe Wave chạy men theo bờ kênh, chúng tôi không khỏi ớn lạnh khi chứng kiến hàng loạt hàm ếch rộng hàng chục mét sâu hoắm, ăn hết đường, vào tận khu vườn của nhiều hộ dân. Để minh chứng sự nguy hiểm, anh Mừng dừng xe lại và nói với chúng tôi lấy chân đạp nhẹ lên những vết đất nứt trên đường, lập tức hàng chục tảng đất lớn đổ ầm xuống sông và mất hút. Đúng lúc đó, hơn chục cháu học sinh vừa tan trường trở về đi men theo mép kênh, nhiều người dân hốt hoảng chạy ra lùa các cháu đi nép sâu vào trong vườn bên kia đường để tránh sụt hố.  

Người dân hốt hoảng ra canh chừng các cháu học sinh

Anh Ngô Minh Hải (ấp Tân Bình 2B, xã tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) khi thấy chúng tôi, chạy đến bức xúc kể: “Khoảng 8h tối ngày 14/3, nguyên khu đất trước đây là tiệm sửa chữa xe máy, xe đạp của anh rộng tới 20 mét bị lôi tuột xuống kênh. Rất may lúc đó, cả gia đình anh đã di dời nên thoát nạn. Hiện anh Hải phải chuyển nghề xe ôm để nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học, cuộc sống vô cùng khó khăn.

“Ngay sáng nay, tôi đã phải lấy cây và tấm áo mưa màu trắng để cắm tạm báo hiệu cho mọi người chạy xe trên đường chú ý, nếu không cẩn thận sẽ lao thẳng xuống kênh”. Trong khi đó, trước mặt nhà ông Dương Văn Luyến (ấp Quang Thọ, xã Quơn Long, Chợ Gạo) cũng vừa hình thành một hố sâu khổng lồ, ăn vào 2 phần 3 con đường trải đá dăm. Ông Luyến bức xúc nói: “Hố sâu này trước đây là ngôi nhà của ông cậu ruột, nhưng vào một đêm, bỗng dưng ngôi nhà chuyển động răng rắc rồi đổ sụp xuống sông. Rất may cả nhà cậu thấy bất thường nên đã kịp thoát ra ngoài. “Mới ngày hôm qua, khu vực này lại sạt lở thêm vài mét ăn sát gần đến cửa nhà. Tôi cấm cửa 3 đứa con bén mảng ra ngoài vì khu đất có thể sụp bất cứ lúc nào”. 

Nền đất, quán sửa xe máy của gia đình anh Hải bị đổ sụp xuống sông ngày 13/3

Đau đớn nhất là trường hợp của gia đình chị Lê Thị Khỏe (ấp Tân Bình 2B, xã tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo). Chị Khỏe rơm rớm nước mắt nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện định mệnh về đứa con gái bé bỏng 12 tuổi của mình tên Nguyễn Thị Trà My đã chết tức tưởi dưới lòng sông vì sạt lở. Hôm đó, vào khoảng 3h chiều, cháu My ở một mình trông nhà để mẹ đi chợ. Khi cháu ra đằng sau chuồng heo (dựng sát mép sông), bỗng dưng cả khu đất chuồng heo đổ sụp xuống sông, tạo ra một hàm ếch lớn.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, hàng chục thanh niên trong xã mới tìm thấy thi thể cháu My bị tấm bê tông lớn đè dìm sâu dưới lòng sông. Chỉ cho chúng tôi điểm sạt lở mới nhất phía sau nhà, chị Khỏe nói: “Mới cách đây 3 ngày, toàn bộ góc nhà phía trái lại sụp xuống sông, trơ ra nguyên bộ móng nhà. Chính quyền cũng đã yêu cầu gia đình không được ngủ qua đêm vì rất nguy hiểm. Gia đình tôi nằm trong diện di dời, giải tỏa nhưng do tiền đền bù chưa có nên chưa thể ổn định chỗ ở mới được!”.

DÂN DÀI CỔ NGÓNG DỰ ÁN!

Ông Nguyễn Văn Khuyên (ấp Tân Bình 2B, xã Tân Thuận Bình, Chợ Gạo) nói: “Người dân chúng tôi nhiều năm nay nghe nói về dự án cải tạo kênh Chợ Gạo, nhưng chờ dài cổ mà chẳng thấy họ làm gì, trong khi nhà dân sụp, đường mất, tai nạn liên tục xảy ra, cuộc sống xáo trộn vô cùng khổ sở!”.

Trao đổi với NNVN về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tám – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Gạo cho biết: Năm 2008 Bộ GTVT có dự án mở rộng và cải tạo kênh Chợ Gạo với kinh phí trên 4.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên cuối năm 2011 mới bắt đầu tiến hành kiểm kê, đo đạc để làm căn cứ bồi thường cho dân. Đến nay mới cơ bản hoàn thành kiểm kê, chưa triển khai bồi thường, giải tỏa nên cũng không biết bao giờ dự án mới hoàn tất.  

Hàng chục điểm sạt lở mới xuất hiện (ngày 14/3)

Ông Nguyễn Văn Tám – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Gạo, Tiền Giang:

Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch thông thương giữa các tỉnh ĐBSCL lên TPHCM và Đông Nam bộ, hàng ngày có hàng trăm chiếc tàu, sà lan chở hàng hóa nặng, đặc biệt là chở cát, đá qua lại khiến tình trạng sạt lở ngày càng thêm nghiêm trọng. Liên quan đến đền bù giải tỏa, huyện đang đề nghị tỉnh sớm giải quyết cho dân để họ di dời ổn định cuộc sống mới, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Ông Tám cũng khẳng định, khu vực ảnh hưởng sạt lở trên địa phận huyện Chợ Gạo dài khoảng 18 km, kéo dài từ Vàm Kỳ Hôm (đầu cống Xuân Hòa) đến giáp địa phận huyện Gò Công Tây.

Đến nay, đã có nhiều đoạn đã “ăn” sạch sẽ con lộ đỏ khiến hàng trăm hộ dân phải tự tìm đường khác di chuyển hết sức khó khăn. Nhiều hộ dân đã mất một phần hoặc toàn bộ đất đai, nhà cửa, chỉ còn lại mỗi sổ đỏ để minh chứng và chờ bồi thường. Mới đây nhất có 42 hộ dân nằm trong điểm sạt lở đã phải di dời khẩn cấp và được tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để tạm ổn định chỗ ở mới.

Theo tìm hiểu của PV, tuyến kênh Chợ Gạo hiện có đến hàng trăm khu vực sạt lở, trong đó nhiều vị trí sạt lở ăn sâu vào bờ từ 12-15 mét. Đặc biệt, hai tuyến giao thông độc đạo cặp kênh này nhiều đoạn gần như bị cắt đứt. Vài năm gần đây đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn, trong đó có nhiều vụ chìm tàu. Không ít vụ tàu siêu trọng từ 500-1.000 tấn “lạ dòng” bị mắc cạn, gây ùn tắc giao thông nhiều giờ liền. Để xảy ra tình trạng này, theo cơ quan chức năng do hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, mật độ tàu thuyền quá lớn vì là tuyến đường thủy gần như độc đạo từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL.

Ước tính, mỗi ngày có khoảng 1.200 lượt tàu thuyền qua lại, chủ yếu là tàu trọng tải lớn 100 tấn cho đến trên 1.000 tấn, trong đó rất nhiều tàu vi phạm chở quá tải trọng. Thứ hai, chủ trương “ngọt hóa” khu vực Gò Công - Chợ Gạo đã khiến các tuyến kênh rạch nhỏ hai bên tuyến Chợ Gạo bị ngăn dòng mà không tính đến việc điều tiết giao thông cũng như lượng thủy triều. Ngoài việc tàu thuyền không còn đường thoát đã ùn ùn đổ gần như toàn bộ vào kênh Chợ Gạo, cộng với lũ lụt, thủy triều lên xuống thất thường đã tạo ra những xoáy nước rất mạnh và lớn gây sạt lở nghiêm trọng hai bờ kênh.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.