| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang sớm lên kịch bản tiêu thụ cam sành

Thứ Tư 13/10/2021 , 06:00 (GMT+7)

Hà Giang sớm lên kịch bản, giải pháp tiêu thụ cam sành niên vụ 2021 - 2022, đảm bảo không lặp lại tình trạng cam bị rụng do không tiêu thụ được như năm trước.

Chuyển mạnh sang thương mại điện tử

Cam sành là cây đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Cam sành bước vào giai đoạn chín và thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch của năm sau.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện tổng diện tích cam sành niên vụ 2021 - 2022 vào khoảng 7.600ha và diện tích cho thu hoạch khoảng 6.900ha (còn lại là diện tích các giống cam khác). Năng suất cam sành bình quân đạt 105 tạ/ha và sản lượng cam sành niên vụ 2021 - 2022 ước đạt trên 72 nghìn tấn.

Hà Giang sớm lên kịch bản tiêu thụ cam sành niên vụ 2021 - 2022. Ảnh: Văn Phú.

Hà Giang sớm lên kịch bản tiêu thụ cam sành niên vụ 2021 - 2022. Ảnh: Văn Phú.

Mặc dù hiện nay chưa bước vào vụ thu hoạch cam sành, nhưng với lượng sản phẩm lớn, dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, dự báo sức mua của thị trường sẽ giảm và các phương tiện vận chuyển cam về các tỉnh dưới xuôi tiêu thụ sẽ gặp không ít khó khăn…

Để chủ động tiêu thụ sản phẩm cam sành niện vụ 2021 - 2022, UBND tỉnh Hà Giang đã sớm tổ chức hội nghị nhằm đánh giá tình hình sản xuất và xúc tiến các giải pháp nhằm tiêu thụ sản phẩm cam sành, niên vụ 2021 - 2022, với quan điểm xuyên suốt “lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ và phát triển thương hiệu cam sành Hà Giang”.

Định hướng ứng dụng thương mại điện tử và số hóa các hộ sản xuất và kinh doanh là hướng chủ đạo cho giải pháp tiêu thụ cam sành trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử cho quá trình tiêu thụ sản phẩm cam sành; phối hợp với các đơn vị quản lý và giao dịch sàn thương mại diện tử để triển khai đưa sản phẩm cam sành lên sàn giao dịch điện tử và bán hàng trực tuyến.

Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích cam sành của Hà Giang được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đạt trên 97% diện tích cho thu hoạch (gần 6.700ha). Việc đẩy mạnh sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần nâng cao nhận thức của người trồng cam.

Bên cạnh đó, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi quan trọng góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP đối với sản phẩm cam sành.

Không để tái diễn thiệt hại như năm trước

Để duy trì sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP, ngay từ đầu năm, Sở NN-PTNT Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp kỹ thuật như bón phân, cắt cành, tạo tán, sử dụng thuốc BVTV theo đúng quy trình, nhất là không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ trên các vườn cam...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khi bước vào vụ thu hoạch cam, sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm giám sát quá trình thu hái, vận chuyển và test nhanh các chỉ tiêu sinh hóa để đảm bảo ATTP cho sản phẩm ngay tại vườn và các lô sản phẩm trước khi đưa vào siêu thị nhằm đảm bảo cho các lô cam sành của Hà Giang đạt các chỉ tiêu về vệ sinh ATTP trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường.

Niên vụ 2020 - 2021, vùng cam sành Hà Giang đã bị rụng rất nhiều do quá kỳ thu hoạch. Ảnh: VP. 

Niên vụ 2020 - 2021, vùng cam sành Hà Giang đã bị rụng rất nhiều do quá kỳ thu hoạch. Ảnh: VP. 

Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Cần lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ, đánh giá và phát triển thương hiệu của cam sành Hà Giang.

Trong quá trình tiêu thụ, khâu vận chuyển cam sành Hà Giang về các tỉnh dưới xuôi đóng vai trò quan trọng. Quá trình vận chuyển lệ thuộc chủ yếu vào các xe chở hàng của các tiểu thương. Năm trước, trong niên vụ cam 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm tháng 3/2021, sản lượng cam sành tiêu thụ của Hà Giang cũng mới chỉ đạt khoảng trên 55%, lượng cam còn lại, các chủ vườn vẫn phải để cam chín trên cây.

Trong khi đó, thời điểm cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 dương lịch là giai đoạn cam sành Hà Giang đâm chồi và ra hoa nên cam tự điều tiết dinh dưỡng để nuôi chồi và nụ hoa nên cây sẽ tự đào thải các quả đã quá chín trên cây, nhưng lượng quả chín trên cây còn quá nhiều nên đã dẫn đến hiện tượng rụng quả hàng loạt.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, trong niên vụ cam 2020 -  2021, cam sành Hà Giang đã bị rụng trên 15.000 tấn quả. Hiện tượng cam sành bị thối rụng hàng loạt không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà vườn mà còn gây ô nhiễm môi trường và làm thay đổi tính chất của đất vườn, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây cam vào những vụ tiếp theo nếu không có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất