Số liệu thống kê về tình hình thiệt hại do thiên tai của Ban Chỉ huy phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh này hứng chịu 8 đợt thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng. Các đợt thiên tai đã khiến hàng nghìn ha lúa, cây cối, hoa màu bị thiệt hại; đường giao thông và nhiều công trình hạ tầng công cộng bị hư hỏng, trên 2.000 nhà dân bị ngập lụt, xuống cấp; tổng thiệt hại khoảng hơn 200 tỷ đồng. Trong dó, trận lũ lụt diễn ra giữa tháng 7 gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Đây được xem là trận mưa lũ lớn nhất tại Hà Giang trong 60 năm qua.
Thiêt hại về tài sản, hoa màu về lâu dài có thể khắc phục được nhưng thiệt hại về con người là mất mát quá lớn. Các trận lũ lụt ở Hà Giang đã khiến 11 người chết, 13 người bị thương.
Đã hơn 1 tháng trôi qua, nhưng người dân ở thôn Lùng Chin Hạ, xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì vẫn không khỏi xót xa khi nhắc đến cái chết thương tâm của 2 anh em trong 1 gia đình là cháu: Ly Thị Mai sinh năm 2012 và Ly Văn Nam sinh năm 2009 (dân tộc Mông). Trận mưa lớn đêm 12, ngày 13/8 khiến đất đá sạt lở làm đổ tường nhà của gia đình anh Ly Seo Phỏng (bố của 2 cháu bé). Sau nhiều giờ đồng hồ, gia đình, người thân và bà con hàng xóm mới tìm thấy thi thể các cháu trong đống đổ nát.
Trận mưa giông hôm 12, 13/8 cũng khiến 14 ngôi nhà tại các huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang bị sập đổ, hư hỏng; 100 ha lúa, ngô, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, đổ gãy; 5 con trâu bị sét đánh chết…
Tại thành phố Hà Giang, đã nhiều năm nay hễ cứ mưa lớn là một số tuyến phố bị ngập úng cục bộ. Ngập úng khiến cuộc sống của không ít hộ dân bị đảo lộn. Mới đây nhất, trận mưa hôm 13, 14/9 khiến các tuyến phố ở phường Nguyễn Trãi bị ngập úng cục bộ; 54m3 đất đá sạt lở tràn ra đường. Tuyến đường Hà Sơn, phường Nguyễn Trãi và ngõ 513, phường Quang Trung là những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất.
Những người dân sống lâu năm tại tỉnh Hà Giang cho biết, ngoài việc không thực hiện tốt việc quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước thì việc làm thủy điện quá nhiều khiến tác động xấu đến dòng chảy. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp, cá nhân hộ gia đình cố ý lấn chiếm lòng sông Lô để xây dựng nhà ở, nhà hàng, khách sạn cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Lô.
Gắn bó hơn 10 năm tại thành phố Hà Giang gia đình bà Đinh Thị Thúy ở tổ 3, phường Minh Khai hiểu được nỗi khổ của bà con mỗi dịp mưa lũ. Mưa vào ban ngày người dân còn chủ động các phương án để di chuyển tài sản, vật nuôi. Còn nếu mưa bão đột ngột vào ban đêm thì thực sự bị động. Bà Thúy vẫn nhớ mãi trận lũ khủng khiếp diễn ra hôm 21/7, gần như cả thành phố bị nước bủa vây, không thể di chuyển được. Đặc biệt tại khu vực tổ 2,3,4 của phường Trần Phú nhiều ô tô của các hộ dân bị ngập úng hoàn toàn, do mưa lớn quá người dân không kịp dịch chuyển đành để dòng nước nhấn chìm.
Theo lý giải của Giáo sư Vũ Trọng Hồng về tình hình lũ lụt diễn ra tại Hà Giang khá nặng nề là do mưa lớn kết hợp với việc không có đường thoát nước phù hợp. Thành phố Hà Giang nằm bên cạnh dòng sông Lô nhưng hiện nay phía hạ nguồn đang có quá nhiều thủy điện. Hiện nay, các thủy điện này xả ít nước khiến mực nước sông dâng lên, do đó khi xảy ra mưa lớn nước từ thành phố sẽ không thoát được gây ra hiện tượng ngập lụt.