| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng tìm cách ngăn chặn dịch bệnh ở tôm nuôi

Chủ Nhật 24/05/2020 , 16:33 (GMT+7)

Tại Hải Phòng, từ trung tuần tháng 4 đến nay, dịch bệnh tôm nuôi xuất hiện, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Hơn 500ha có nguy cơ nhiễm bệnh

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, từ đầu năm đến nay, do điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến bất lợi, làm dịch bệnh tôm nuôi phát sinh, lây lan.

Dịch bệnh xuất hiện từ ngày 14 tháng 4, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra tại 2 huyện, quận, tổng diện tích tôm nuôi nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố 250,43 ha, diện tích nuôi tôm có nguy cơ nhiễm bệnh trên 503 ha tại quận Dương Kinh và huyện Tiên Lãng.

Ông Phạm Văn Thép (thứ 2 từ phải sang), GĐ Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra tình hình dịch bệnh thủy sản ở Tân Thành, Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Phạm Văn Thép (thứ 2 từ phải sang), GĐ Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra tình hình dịch bệnh thủy sản ở Tân Thành, Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn là 508,12 ha (nuôi theo hình thức thâm canh 43,15 ha; bán thâm canh 3 ha; quảng canh 461,97 ha). Tính đến ngày 21/04/2020 tổng diện tích tôm mắc bệnh là 15 ha tại 11 hộ nuôi tôm, diện tích nguy cơ 340,6 ha; ước tính thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.

Còn tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, tính đến ngày 27/4/2020 tổng diện tích tôm bị bệnh 235,43ha, trong đó có 80,186 ha thuộc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy và 155,24 ha của các hộ nuôi riêng lẻ.

Trước đó, tại phường Tân Thành, ngày 21/4, sau khi nhận được báo cáo về tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Dương Kinh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng phối hợp với địa phương kiểm tra thực tế, lấy mẫu tại 24 hộ nuôi tôm gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm. Tại phiếu trả lời, 19 mẫu dương tính với virus gây bệnh đốm trắng; 4 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trên tôm (EHP); 9 mẫu dương tính với vi khuẩn vibrio parahaemolyticus.

Huyện Tiên Lãng cũng trong tình trạng tương tự, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã kiểm tra, lấy 17 mẫu tôm tại 9 hộ nuôi ở xã Vinh Quang thì phát hiện 17/17 mẫu dương tính virus gây bệnh đốm trắng (WSSD), 3/17 mẫu dương tính với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), 3/17 mẫu dương tính với vi khuẩn vibrio paraheamolyticus.

Theo phản ánh của người dân, ngoài các địa phương như đã nói ở trên, 1 số vùng nuôi tôm khác của Hải Phòng cũng đã có dấu hiệu dịch bệnh ở tôm nuôi như: tôm đỏ thân, bơi dạt bờ, kém ăn và chết... Theo 1 số hộ dân nuôi tôm, nguyên nhân 1 phần do nguồn nước và 1 phần do con giống.

Xuất cấp hóa chất dự phòng chống dịch

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh ở tôm nuôi, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã kịp thời trình UBND TP sử dụng nguồn hóa chất dự phòng chống dịch thủy sản, xuất cấp cho huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh 8,8 tấn Chlorine 65% min và 20 tấn Sodium Chlorite 20% giúp 2 địa phương này phòng, chống dich bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh và các huyện, quận có diện tích nuôi tôm trên địa bàn thành phố tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

Xuất cấp hóa chất cho người dân phòng chống dịch bệnh kịp thời tại Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Xuất cấp hóa chất cho người dân phòng chống dịch bệnh kịp thời tại Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Cụ thể, đối với các cơ sở nhiễm bệnh, tiếp tục giám sát chặt chẽ cơ sở nuôi, hướng dẫn biện pháp khử trùng tiêu độc, tổ chức tiêu hủy ao tôm nhiễm bệnh, thu gom xác tôm chết chôn hủy theo quy định, không vận chuyển tôm nhiễm bệnh ra khỏi cơ sở.

"Tuyệt đối không xả thải nước từ cơ sở nhiễm bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh. Tiêu độc, khử trùng toàn bộ nước trong ao nuôi, dụng cụ liên quan bằng hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành, sử dụng trong nuôi thủy sản tại Việt Nam theo quy định của Bộ NN-PTNT như Chlorine, Sodium chlorite, BKC....", ông Phạm Văn Thép, GĐ Sở NN-PTNT Hải Phòng, cho hay.

Đối với các cơ sở nuôi ở khu vực xung quanh chưa có bệnh, phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Yêu cầu các cơ sở khi nhập thủy sản giống về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và báo cáo chính quyền địa phương kế hoạch nhập  thủy sản giống. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đối với những hộ nuôi thủy sản trên địa bàn. Hướng dẫn các hộ nuôi biện pháp phòng, chống dịch bệnh, quản lý ao nuôi chặt chẽ; không lấy nước chưa qua xử lý vào ao nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Phòng, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến các hộ nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cách phát hiện và báo cáo dịch bệnh, không để dịch lây lan ra diện rộng. Khuyến cáo người dân, tuyệt đối không thả nuôi mới tôm trong vùng bị bệnh, đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ NN-PTNT.

“Khi phát hiện ao nuôi thủy sản có dấu hiệu bất thường phải báo cáo chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y, các hộ nuôi xung quanh để có các biện pháp xử lý kịp thời, không xả thải nước ra ngoài kênh mương chung làm lây lan dịch bệnh. Mặt khác hướng dẫn các hộ nuôi tăng cường chăm sóc, quản lý thủy sản, môi trường nuôi, tránh hiện tượng gây sốc cho tôm.

Đối với các hộ nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio sp trong nước vượt ngưỡng cho phép; dùng hóa chất, chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao định kỳ 15 ngày/lần; quản lý thức ăn hàng ngày, tránh dư thừa gây ô nhiễm ao. Thường xuyên giám sát dịch bệnh, khi phát hiện thủy sản có dấu hiệu bất thường báo ngay cho chính quyền địa phương và Chi cục Chăn nuôi và Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời” – ông Bùi Văn Luyện – Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Phòng cho biết.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất