Phải đến lần thứ 3 sang Việt Nam, nam thanh niên Tiểu Lỗ mới lấy được cô vợ ưng ý sau hai lần bị bà mối “quát giá” chóng mặt.
Tiểu Lỗ làm nghề thợ hàn ở Trung Quốc kể lại quá trình sang Việt Nam tìm vợ của mình với báo mạng Hồ Bắc của nước này.
Ước mơ được cưới vợ
Tiểu Lỗ nói ý định sang Việt Nam lấy vợ của anh ta đến một cách ngẫu nhiên. Trong một lần về nhà ăn Tết, bị họ hàng hỏi dồn chuyện vợ con, Tiểu Lỗ bực bội tự nhốt mình trong phòng.
Ở cái tuổi 33, Tiểu Lỗ nói anh ta thực sự cũng muốn có một người vợ ở bên để chia sẻ những cay đắng ngọt bùi trong đời.
Mong muốn lấy vợ, Tiểu Lỗ chọn cách lên mạng để tìm cơ hội cho riêng mình. Lang thang trên nhiều trang web môi giới hôn nhân, Lỗ bất chợt nhìn thấy quảng cáo lấy vợ Việt Nam và ngay lập tức bị cuốn hút.
Lời giới thiệu trên mạng khá hấp dẫn với Tiểu Lỗ: Làm xong hộ chiếu, visa, mang theo tiền mặt hoặc thẻ ATM là có thể sang Việt Nam gặp gỡ “đối tác”. Nếu quá trình gặp mặt thuận lợi, chỉ cần 10 ngày đến nửa tháng là có thể cùng cô vợ người Việt Nam về nước sống như vợ chồng hợp pháp.
Tiểu Lỗ và cô vợ người Việt Nam
Tiểu Lỗ mau chóng tìm tới trung tâm môi giới hôn nhân theo địa chỉ đăng ký trên mạng và nộp 5.000 NDT tiền đặt cọc.
Đi cùng Tiểu Lỗ sang Việt Nam còn có một thanh niên độc thân khác đến từ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.
Tại Việt Nam, hai người đàn ông độc thân mang theo mơ ước cưới vợ được dẫn tới gặp “bà mối” người Việt biết dăm ba câu tiếng Trung Quốc, đủ để phiên dịch.
Ngày thứ 3 ở Việt Nam, Tiểu Lỗ được bà mối đưa đi gặp một cô gái mà theo quan sát của chàng thợ hàn thì “trang điểm như học sinh”.
Hai người gặp nhau, vốn từ tiếng Việt ít ỏi của Tiểu Lỗ chỉ đủ nói câu “xin chào” cực ngọng nghịu.
Bà mối mau chóng giới thiệu cho cô gái về gia đình, thu nhập của Tiểu Lỗ. Sau đó, hai người đưa nhau về ra mắt bố mẹ nhà gái với sự tháp tùng của bà mối.
Quá trình “tìm hiểu” diễn ra khá suôn sẻ. Sau hai lần đến nhà gái trò chuyện bằng đủ cách, kể cả dùng tay chỉ trỏ, ra hiệu để hiểu ý lẫn nhau, Tiểu Lỗ mừng như mở cờ trong bụng khi biết nhà gái đồng ý nhận chàng rể Trung Quốc.
Nhưng bất ngờ, bà mối tăng giá “dịch vụ” lên mức 6.500 NDT cho việc làm thủ tục hôn lễ. Trong khi trước đó, Lỗ đã nộp đủ số tiền 40.000 NDT cho mọi “dịch vụ” cưới hỏi, mà theo quảng cáo của trung tâm môi giới thì Lỗ sẽ được bao trọn gói toàn bộ thủ tục, chi phí phát sinh nếu có.
Đắn đo suy nghĩ hồi lâu, Lỗ đành bấm bụng từ chối dù cảm thấy rất hài lòng với cô gái mà anh ta cho là xinh đẹp, đáng yêu.
Ít lâu sau, Lỗ lại được giới thiệu cho một cô gái khác. Nhưng cũng giống lần trước, đến phút chót, bà mối lại đòi tăng giá “dịch vụ” khiến giấc mơ cưới vợ Việt Nam của anh thợ hàn một lần nữa tan vỡ.
“Thót tim” cưới vợ
Tiểu Lỗ nói anh ta cảm thấy mình vô cùng may mắn, may hơn rất nhiều so với những người đàn ông còn đang chịu phận độc thân ở Trung Quốc.
Lần thứ ba gặp “đối tác”, Tiểu Lỗ kể anh ta tưởng chừng quả tim mình muốn bay vọt ra khỏi lồng ngực bởi cô gái quá xinh xắn so với những cô gái ở quê hương của anh.
Tiểu Lỗ vận dụng “kinh nghiệm” được học từ bố mẹ: Sờ thử xem bàn tay cô gái thế nào. “Đôi tay có nhiều vết chai của cô ấy cho thấy đây là người chịu khó làm lụng, lam lũ và sẵn sàng chịu được khó khăn”, Lỗ kể lại.
Quá say mê khi tìm được “người trong mộng”, Lỗ quyết tâm cưới vợ cho dù lại phải trả thêm “phí dịch vụ gia tăng” cho bà mối.
Đám cưới diễn ra sau đó vài ngày với đầy đủ thủ tục như các đám cưới khác ở Việt Nam. Chỉ có điều hơi khác là chàng rể người Trung Quốc ngơ ngác chẳng biết xung quanh mọi người nói gì.
Tiểu Lỗ kể: “Cảm giác rất lạ khi thấy rất đông bạn bè cô dâu đến chơi. Có vẻ người Việt Nam thích hát. Vợ tôi và bạn cô ấy hát hết bài này tới bài khác trong khi tôi chẳng hiểu họ đang hát cái gì, chắc là các ca khúc được giới trẻ yêu thích”.
Các cô gái Việt Nam chờ được gặp mặt trai Trung Quốc
Đôi tai bất lực dẫn đến đôi mắt của Lỗ luôn phải chăm chú nhìn theo từng cử động và ánh mắt ra hiệu của vợ để làm lễ bái tổ tiên, gia đình và các nghi thức khác.
Lỗ nói điều may mắn với anh ta trong đám cưới là các nghi lễ khá giống ở Trung Quốc nên anh không có cảm giác “ngợp” về văn hóa.
Chi phí cho việc chụp ảnh cưới, theo Lỗ cũng là rẻ so với ở xứ sở của anh ta khi thuê ba bộ quần áo, váy vóc cho cô dâu chú rể cùng 100 tấm ảnh chỉ hết tổng cộng 1.600 NDT (xấp xỉ 5 triệu đồng).
Lỗ nhẩm tính: Chi phí ban đầu nộp cho trung tâm môi giới hôn nhân hết 40.000 NDT, hai lần “tìm hiểu” thất bại tốn 20.000 NDT tiền đi lại, quà cáp; Một số chi phí phát sinh khi ở Việt Nam cũng tốn thêm ít tiền. Tổng cộng, để lấy được cô vợ người Việt Nam, thợ hàn Tiểu Lỗ phải chi ra hơn 70.000 NDT.
“Không hề đắt. Tôi thấy như vậy là hợp lý”, Lỗ nói với phóng viên báo mạng Hồ Bắc, Trung Quốc. (còn nữa)
Năm 2012, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc từng nói hiện tượng mua vợ Việt Nam nảy nở ở Trung Quốc vì các lỗ hổng pháp lý tạo ra một thị trường phi pháp mua bán các cô gái Việt. Ngày 29/5, trang tiếng Anh của tờ báo là Global Times, nói đến một Cty ở Côn Minh (Vân Nam) chuyên tổ chức mua chung để cung cấp vợ cho đàn ông Trung Quốc. Dù quy định của Quốc vụ viện (Chính phủ) từ năm 1994, coi hoạt động kiếm lời qua môi giới hôn nhân quốc tế là phi pháp, Thời báo Hoàn cầu nói hiện tượng này nở rộ vì đàn ông Trung Quốc đã hết hy vọng kiếm vợ trong nước. Với giá từ khoảng 4.700 - 6.300 USD, họ có thể kiếm được “một cô dâu Việt Nam hấp dẫn, tuổi từ 18-25”. Bài báo viết rõ, người ta có thể “đặt qua bưu điện” cô dâu Việt Nam hoặc mua từ một Cty ở Vân Nam.