| Hotline: 0983.970.780

Hành trình người nhập cư lậu tới châu Âu: [Bài 2] Cảnh sống bấp bênh của người nhập cư trái phép

Thứ Năm 31/10/2019 , 09:41 (GMT+7)

Salman và gia đình đã cố vượt biển tới Anh ba lần, những ở tất cả các lần, người đàn ông Iraq cùng vợ và ba con, đứa bé nhất mới 4 tuổi, đều bị buộc phải quay về.

Một khu lều tạm của người di cư ở Dunkirk, Pháp. Ảnh: Reuters.

Giờ đây, khi thời tiết xấu đi, khiến điều kiện trên biển trở nên khó khăn hơn, gia đình Salman lại tìm đường tới Anh trên thùng xe tải, vẫn với hy vọng đến được “miền đất hứa”, theo Independent.

Salman, 42 tuổi, biết rõ những rủi ro chết người khi phải trốn trong thùng xe tải đóng kín nhưng như bao người di cư khác đang sống lay lắt tại các khu trại tạm bợ ở miền bắc nước Pháp, anh không có nhiều lựa chọn.

“Nó rất nguy hiểm nhưng còn nguy hiểm hơn nếu chúng tôi ở lại Iraq”, Salman nói, đứng bên chiếc lều nằm cạnh đường cao tốc ở thành phố biển Dunkirk, Pháp, trong khi các con anh chơi đá bóng gần đó. “Chúng tôi chỉ muốn vượt biên thành công”.

Hàng trăm người khác, trong đó có cả những gia đình mang theo trẻ nhỏ, cũng đang lưu lại các khu trại tương tự ở Calais, nơi nhân viên cứu trợ cho biết điều kiện tại đây cực kỳ tồi tàn.

Bên cạnh đó, những di dân với khát khao cháy bỏng tới Anh thường xuyên được mời chào bằng lời hứa hẹn “đảm bảo đến đích” từ các nhóm buôn người. Giá cho sự đảm bảo này lên tới 10.000 bảng.

Salman và gia đình anh đang sống tạm tại một khu bảo tồn thiên nhiên ở Grande-Synthe, Dunkirk, nơi mọi điều kiện sinh hoạt đều thiếu thốn. Họ không thể tiếp cận với nguồn nước sạch. Nhiều người phải uống nước từ hồ. Cuộc sống không đảm bảo vệ sinh khiến bệnh tật gia tăng, đi kèm sức khỏe suy yếu.

Các nhà vận động cho rằng sự thù địch đối với những người di cư đã gia tăng nhanh chóng sau khi một thị trưởng mới được bầu ở Grande-Synthe thay thế người cũ là ông Damien Careme. Tân thị trưởng Martial Beyaert được cho là có cách tiếp cận “ít nhân đạo” hơn đối với người di cư.

 “Chúng tôi chưa bao giờ thấy tình cảnh tồi tệ như thế này trước đây. Chính quyền chưa bao giờ thực hiện những biện pháp cực đoan như vậy. Cảnh sát đến, tịch thu lều trại, bỏ mặc lũ trẻ dưới mưa, ngăn các tổ chức từ thiện phân phát đồ ăn và quần áo”, cựu ủy viên hội đồng Grande-Synthe Dany Wallyn nói. “Những con người này cần giúp đỡ. Chúng ta không thể để họ như vậy, không có gì trong tay. Thật sự vô nhân đạo”.

Chloe Lorieux, điều phối viên của tổ chức nhân quyền Doctors of the World, nhận định tình hình ở Dunkirk hiện “tồi tệ hơn bao giờ hết”. Các tổ chức từ thiện đang phải điều trị y tế cho từ 40 đến 60 người mỗi ngày tại những khu lều tạm, tăng gấp đôi so với cách đây 6 tuần.

 “Khi bạn không thể tiếp cận nguồn nước, bạn không thể giữ cơ thể sạch sẽ, các vết thương sẽ bị nhiễm bẩn, bạn sẽ trở nên dễ bị tổn thương và khó phục hồi hơn”, bà cho hay. “Tuần trước, thậm chí họ còn không có cả nước uống. Họ uống nước từ hồ. Ít nhất họ phải có nhà vệ sinh và nơi tắm rửa. Khi lều của bạn ngày nào cũng bị người ta dỡ bỏ, bạn không có gì để che chở mình trước thời tiết, lạnh giá và ẩm ướt. Điều này khiến khả năng bị nhiễm trùng tăng cao”.

Theo Lorieux, việc liên tục bị trục xuất còn khiến sức khỏe tâm thần của người di cư suy giảm nghiêm trọng. “Mọi người đều kiệt quệ và rất căng thẳng. Họ không thể nghỉ ngơi hoàn toàn. Họ luôn ở trong trạng thái sẵn sàng di chuyển. Chúng tôi đã thấy những đứa trẻ có phản ứng nguy hiểm. Chúng bị căng thẳng. Một số tự làm đau bản thân. Chúng hoảng loạn”, bà lưu ý.

Claire Millot, tổng thư ký tổ chức từ thiện cho người tị nạn Salam, đồng tình với ý kiến rằng tình cảnh của người di cư đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. “Chúng ta đang đi thụt lùi bởi chúng ta từng gặp tình huống này từ 10 năm trước. Nhưng lúc đó chỉ có từ 30 đến 70 người, giờ ta có 500 người”, bà nói. “Họ phải pha trà bằng nước hồ. Họ sợ hãi vì cảnh sát liên tục xuất hiện, vài lần mỗi tuần. Thời tiết đang ngày càng lạnh với những cơn mưa khủng khiếp. Họ đang rất ốm yếu”.

Cảnh sát dỡ bỏ khu lều tạm của người di cư ở Calais hồi năm 2016. Ảnh: Reuters.

Tại Calais, cách Dunkirk gần 50km, điều kiện cũng không khá hơn. Cảnh sát không ngừng thực hiện các vụ bắt bớ và dập tắt bất kỳ hoạt động dựng trại nào.

“Tôi phải đi theo cách phi pháp bởi tôi không còn cơ hội nào khác”, Ahmed, 15 tuổi, đến từ Afghanistan, chia sẻ. Cậu tới Pháp một mình nhằm trốn chạy khỏi tình cảnh khốn cùng ở quê hương và hy vọng gặp được bác ở Anh.

Để đoàn tụ với người thân, Ahmed đang phải sống trong điều kiện tồi tệ đến cùng cực bên canh hàng chục trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng khác. “Không có thưc ăn hay nước uống”, Ahmed nói. “Cảnh sát đến và lấy đi mọi thứ. Họ lấy cả áo khoác của tôi. Họ phun hơi cay vào chúng tôi”.

Maddy Allen, đại diện tổ chức Help Refugees, đánh giá việc thắt chặt an ninh nhằm ngăn người nhập cư trái phép vượt eo biển vào Anh chỉ khiến họ tìm đến những hành trình nguy hiểm hơn. “Các biện pháp an ninh ở Calais và Dunkirk ngày càng khó khăn nên mọi người đành phải chọn những tuyến đường khác, ít phổ biến hơn nhưng đi kèm với đó là khó khăn và nguy hiểm hơn”, bà nhấn mạnh.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất