| Hotline: 0983.970.780

Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng)

Hạt ươi Lào đội lốt hàng Việt để trốn phí

Thứ Hai 17/08/2020 , 06:30 (GMT+7)

Khai gian là hạt ươi Việt Nam, doanh nghiệp chỉ đóng phí 750.000 đồng/xe khi xuất khẩu, trong khi đáng lẽ họ phải đóng 5,5 triệu đồng/xe vì là hạt ươi Lào.

Một góc Cửa khẩu Tà Lùng (huyện Quảng Hoà, Cao Bằng). Ảnh: H.Đ.

Một góc Cửa khẩu Tà Lùng (huyện Quảng Hoà, Cao Bằng). Ảnh: H.Đ.

Liệu doanh nghiệp dễ dàng “qua mặt” Hải Quan Cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), “hô biến” hạt ươi nhập khẩu từ Lào thành hàng nguồn gốc Việt Nam để xuất đi Trung Quốc?

Trốn phí hạ tầng?

Hồi đầu tháng 6/2020, Công ty TNHH thương mại Hoàng Đại (km64, QL9, Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) nhập khẩu 60,24 tấn hạt ươi từ Lào về Việt Nam (tờ khai hải quan số 103339356151 ngày 1/6/2020) với xe chuyên chở 34C-02555 và 34C-13008… Sau đó, 2 xe này chạy lên Cửa khẩu Tà Lùng làm thủ tục xuất khẩu ngày 2/6/2020 (tờ khai hải quan số 303258434530 và 303258456700).

Công ty TNHH một thành viên CT (xóm Pò Tập, thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng) đứng ra làm dịch vụ xuất khẩu số hạt ươi trên sang Trung Quốc cho Công ty TNHH thương mại Hoàng Đại.

Tại tờ khai nộp phí đối với phương tiện vận tải chở hàng hoá xuất nhập khẩu (phí hạ tầng), công ty kê khai gian là mặt hàng nông sản trong nước nên chỉ đóng phí cho 2 xe trên là 1,5 triệu đồng.

Trong khi thực tế, theo Nghị quyết 39/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Cao Bằng mức phí này đối với phương tiện chở hàng hoá tạm nhập tái xuất là 5,5 triệu đồng/container 20 feet, và đối với 2 xe trên phải là 11 triệu đồng.

Tương tự, ngày 6/6/2020, Công ty TNHH thương mại Hoàng Đại nhập tiếp 60,3 tấn hạt ươi từ Lào về Việt Nam (tờ khai hải quan số 103351189060) với xe chuyên chở là 34C-24825 và 34C-02569... Sau đó, 2 xe này tiếp tục lên Cửa khẩu Tà Lùng làm thủ tục xuất khẩu ngày 8/6/2020 (tờ khai hải quan số 303266570040 và 303266589861). Với hình thức tương tự, công ty chỉ đóng phí hạ tầng 1,5 triệu đồng.

Sau khi việc kê khai sai bị phát giác, doanh nghiệp đã đóng bù phí đối với phương tiện vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu là nông sản có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài với mức 5,5 triệu đồng/xe. Tổng số tiền cho 4 xe trên là 22 triệu đồng… Ngoài ra, còn có những xe khác cũng dùng thủ thuật theo phương thức tương tự.

Khi người nộp phí làm thủ tục thông quan hàng hoá, cán bộ hải quan có trách nhiệm truy cập hệ thống phần mềm thu phí để đối chiếu, kiểm tra thông tin về số tờ khai hải quan và loại hình hàng hoá xuất nhập khẩu trên tờ khai phí với thông tin trên tờ khai hải quan mà doanh nghiệp đã kê khai khi mở tờ khai.

“Bật đèn xanh” để kê khai sai?

Theo quy chế thực hiện thu nộp phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng… tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh Cao Bằng, 4 xe chở hạt ươi nêu trên cần qua các khâu: Tổ chức, cá nhân kê khai; xác nhận của cơ quan thuế (doanh nghiệp đã nộp phí); xác nhận của cơ quan hải quan và cuối cùng là xác nhận của biên phòng khi xe bắt đầu qua barie sang bên kia biên giới. Với 4 xe chở hạt ươi nói trên hiện tồn tại 4 tờ khai nộp phí hạ tầng đối với xe chở hàng (2 sai, 2 đúng).

Điều đáng nói, hàng hoá của doanh nghiệp nằm trong diện luồng đỏ. Có nghĩa là cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng phải kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra hàng hoá thực tế. Song khi doanh nghiệp cố tình khai sai nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng vẫn xác nhận bình thường.

Mặt khác, trường hợp là hạt ươi trong nước thì doanh nghiệp xuất khẩu phải xuất trình bảng kê thu mua, hợp đồng, chuyển tiền mua hàng… chứng minh là hàng Việt Nam. Vì vậy, không thể có sự nhầm lẫn nào ở đây.

Trên thực tế khi doanh nghiệp nộp bù phí hạ tầng, được cán bộ Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng là ông Nông Ngọc Đức và cán bộ biên phòng xác nhận lại, thì những xe hàng chở hạt ươi có nguồn gốc từ Lào nói trên đã xuất khẩu sang Trung Quốc và được các cơ quan “gác cổng” coi là hàng trong nước?

Ông Nông Phi Quảng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng - từ chối cung cấp tài liệu liên quan vụ việc vi phạm của doanh nghiệp cho báo NNVN, cố tình bưng bít vi phạm của Hải quan Tà Lùng.

Một mẫu hạt ươi tại Trạm Bảo vệ thực vật ở Tà Lùng. Ảnh: H.Đ.

Một mẫu hạt ươi tại Trạm Bảo vệ thực vật ở Tà Lùng. Ảnh: H.Đ.

Kẽ hở pháp luật để gian lận xuất xứ hàng hoá

Theo quy định của hải quan, mặt hàng hạt ươi được nhập khẩu từ Lào về Việt Nam theo hình thức nhập kinh doanh tiêu dùng hàng hoá (mã loại hình nhập khẩu A11) và xuất khẩu hàng đã nhập khẩu theo mã loại hình B13.

Trong khi đó, mặt hàng hạt ươi Lào của lô hàng nói trên do không có Giấy kiểm dịch thực vật và là nông sản của nước thứ ba… nên đối tác bên Trung Quốc không thể đón được mặt hàng này qua Cửa khẩu Tà Lùng.

Tuy nhiên, 4 tờ Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật ghi “Nơi sản xuất: Việt Nam” với phương tiện chuyên chở gồm xe 34C-02555 và xe 34C-13008 được cấp ngày 3/6/2020 tại Tà Lùng; xe 34C-02569 và xe 34C-24825 được cấp ngày 9/6/2020 tại Tà Lùng...

Vậy Công ty TNHH một thành viên CT đã làm thế nào để lấy được Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật là hạt ươi có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam?

Ông Đoàn Thế Duy - Trạm trưởng Bảo vệ thực vật Tà Lùng (Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng) - cho biết:  “Giấy giới thiệu của Công ty TNHH một thành viên CT có ba người gồm bà Đàm Thị Hạnh, Nguyễn Thị Tại, Hoàng Thị Điểm. Khi đăng ký kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp tự kê khai nguồn gốc và tự chịu trách nhiệm về việc này. Tôi chỉ làm công tác chuyên môn, kiểm soát sâu bệnh hại trên hàng hoá, không thể truy xuất nguồn gốc hàng hoá”.

Cũng theo ông Duy xác nhận, Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật có 3 liên, theo đó, 1 bản gửi sang Trung Quốc, một bản doanh nghiệp giữ và bản lưu tại Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi Cao Bằng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.