| Hotline: 0983.970.780

HDPE và ống kẽm là vật liệu làm lồng bè nuôi biển ưu việt nhất

Thứ Ba 20/09/2022 , 06:54 (GMT+7)

Hiện, nuôi hải sản trên biển có nhiều hình thức với đối tượng phong phú, trong đó nuôi cá lồng là thông dụng, hiệu quả nhất với người nuôi gần bờ và ngoài khơi.

IMG_20220909_113352

Mô hình nuôi cá lồng bè bằng vật liệu HDPE tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành

Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng nghề nuôi biển nói chung và nuôi cá lồng bè nói riêng của nước ta vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là hoạt động nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa bám theo quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch cho từng khu vực cụ thể, công nghệ, kỹ thuật nuôi còn thấp chưa tạo được số lượng hàng hóa tập trung.

Quảng Ninh là tỉnh có bờ biển 250km chạy dọc từ Móng Cái đến Quảng Yên với 2.077 đảo lớn nhỏ, có 40.000ha bãi triều và trên 20.000 ha eo vịnh là lợi thế để phát triển kinh tế biển và thủy sản. Có 3/28 khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh). Có 4 cảng khẩu trên biển (Cẩm Phả, Cái Lân, Hòn Gai, Vạn Gia) biến đất mỏ trở thành nơi trung chuyển hàng hoá xuất khẩu của Miền Bắc sang thị trường quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc.

Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chuẩn về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn. Đồng thời, quy định rõ lộ trình thực hiện là từ ngày 01/01/2021, các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện đầu tư mới phải đáp ứng đúng theo quy chuẩn.

Từ ngày 01/01/2023, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp sẽ phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn.

Các địa phương có nghề nuôi cá lồng bè lớn trong tỉnh gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái với 14.502 lồng nuôi cá biển. Về kết cấu công trình nuôi, phổ biến là ô lồng có kích thước 3m x 3m x 3m liên kết lại thành hệ thống bè nuôi, mỗi bè trung bình được liên kết lại từ 4-8 ô lồng; vật liệu làm lồng thường là gỗ, tre; vật liệu nổi thường sử dụng phao xốp, một số cơ sở sử dụng phao làm từ phi nhựa loại 200 lít.

20220909_103110

Diễn đàn Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi biển bằng hình thức nuôi lồng bè. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lưới làm lồng nuôi thường là loại lưới không gút của Nhật hoặc liên doanh. Đã có một số cơ sở sử dụng vật liệu ống nhựa HDPE hoặc khung lồng bằng ống kẽm kết hợp phao phi để làm lồng nuôi cá. Qua đánh giá cho thấy, đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường, độ bền cao, khả năng chống chịu với điều kiện sóng gió khá tốt. Tuy nhiên, do giá thành đầu tư ban đầu khá cao nên sức lan tỏa chưa lớn.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Diễn đàn Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại TP. Cẩm Phả vừa qua, để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển cần chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm các đối tượng cá biển, tôm biểm, ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE, sử dụng thức ăn công nghiệp giảm thức ăn cá tạp, ứng dụng công nghệ thông tin giám sát môi trường, dịch bệnh, quản lý sức khoẻ đàn cá nuôi cho người dân. 

Còn ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao như cá biển, nhuyễn thể. Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thủy sản đạt trên 7%/năm và trở thành kinh tế mũi nhọn chiếm 60% giá trị sản xuất trong toàn ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung đầu tư phát triển nuôi biển theo quy mô công nghiệp, hiện đại đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm thuỷ sản của miền Bắc. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ các vùng nuôi biển tập trung xa bờ tại Quảng Ninh. Phát triển các mô hình trang trại nuôi biển quy mô công nghiệp gắn với du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.