Nổi tiếng nhất xứ
Theo câu ca dao ấy, tôi tìm về chợ phiên Cam Lộ vào một ngày giáp tết, đúng ngày phiên chợ diễn ra. Bà Thái Thị Manh, tám mươi tư tuổi ngồi bán cau tươi giữa chợ kể rằng, nhiều thế kỷ trước, chợ phiên Cam Lộ đã trở nên nổi tiếng nhất vùng, là nơi giao lưu trao đổi hàng hóa với thị trường nội địa và quốc tế với nhiều mặt hàng lâm đặc sản.
Chợ phiên Cam Lộ hôm nay |
Bà Manh giải thích gọi là chợ phiên vì chợ nhóm họp theo phiên, mỗi tháng có sáu phiên rồi bà bất ngờ ngân lên câu ca dao: “Hẹn chàng một tháng sáu phiên/Không đi thì lỗi lời nguyền với nhau”. Sáu phiên mà câu ca dao nhắc đến là vào các ngày lẻ mùng 3, 13, 23 và ngày chẵn là mùng 8, 18, 28 theo lịch âm. Cứ vào mỗi dịp phiên, kẻ bán người mua đông đúc, hàng hóa phong phú và đa dạng. Xưa cũng như nay, từ năm đến độ sáu giờ sáng chợ Phiên mới nhóm họp và tan dần vào tầm trưa. Những ngày khác, chợ vẫn họp nhưng thưa khách, hàng hoá ít đa dạng hơn, chủ yếu để giải quyết số hàng còn tồn đọng của phiên chợ trước.
Trong tác phẩm “Phủ biên Tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết nhờ các chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế hợp lý của các chúa Nguyễn nên thị trường Quảng Trị ngày càng thu hút được nhiều nguồn hàng từ khắp các nơi đổ về chợ phiên Cam Lộ. Thuyền buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha... vào Cửa Việt ngược theo sông Hiếu lên chợ phiên Cam Lộ. Lái buôn và thương nhân các nơi như Thái Lan, Lào qua cửa khẩu Lao Bảo cùng vùng Trấn Ninh, Quỳ Hợp của Thanh Hóa - Nghệ An vào chợ phiên hội họp. Sự có mặt của các thương gia và hàng hóa giữa các vùng miền trong nước và quốc tế đã làm cho chợ phiên Cam Lộ đã trở thành trung tâm buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền với nhiều cửa hiệu sầm uất.
Bấy giờ, ngoài các thương nhân quốc tế thì luồng thương nhân theo những con đò dọc từ Cửa Việt qua Phó Hội, Mai Xá Thị theo sông Hiếu cũng ngược lên chợ phiên Cam Lộ. Rồi cùng hàng trăm chiếc thuyền từ Huế ra, Ba Ðồn của Quảng Bình đến, tất cả dồn vào con sông Hiếu để đến chợ phiên Cam Lộ. Ngoài mục đích giao lưu buôn bán của các thương nhân thì chợ phiên Cam Lộ cũng là nơi gặp gỡ, điểm hẹn của những đôi nam nữ và từ đây hình thành nên những cặp vợ chồng thương nhân.
Một đặc sản nổi tiếng của Cam Lộ là quả cau được bày bán rất nhiều ở chợ phiên. Cau Cam Lộ quả tròn, to, bóng mượt, nức tiếng thơm ngon. Đất Cam Lộ bờ xôi ruộng mật, nước Hiếu giang ngọt lành đã khiến cho miếng cau, lá trầu nơi đây có vị rất riêng, say nồng. Chuyện kể rằng trong lễ dựng vợ gả chồng nếu có được buồng cau Cam Lộ thì cặp vợ chồng đó về sau sẽ hạnh phúc và giàu có. Vì vậy các đôi nam nữ đến tuổi đính hôn đều muốn mua cho được buồng cau ở chợ Phiên về làm sính lễ.
Ngày đó, nguồn hàng hóa quy tụ về chợ phiên Cam Lộ chủ yếu lâm đặc sản từ phía tây xuống gồm ngà voi, ngựa, trâu, trầm hương, tốc hương, bạch mộc hương, hồ tiêu, dầu trẩu, dầu sơn, màn hoa, thảm hoa, bông vải, bông gòn, gai sợi, vải thổ cẩm trắng có hoa văn, vải bông trắng. Luồng nông sản, thực phẩm và các sản phẩm thủ công nội địa của các vùng lận cận đến rất phong phú như mộc nhĩ, măng khô, mật ong, sáp ong, sừng tê, đuôi trĩ, lông công, da trâu, xương hổ, nhung nai, quế, vỏ gió, vỏ gai, gỗ, tre, mây, chiếu mây. Ðây là những mặt hàng nổi tiếng được thương khách nước ngoài ưa chuộng và cũng là các sản phẩm hàng hoá chính yếu trên con đường giao thương tây - đông, ngược xuôi.
Cau tươi là mặt hàng nổi tiếng ở chợ phiên Cam Lộ |
Có một sản phẩm hàng hóa đặc biệt được buôn bán trao đổi ở chợ phiên Cam Lộ giữa người miền xuôi với miền ngược là trâu và voi. Trâu bán cho người vùng xuôi để cày ruộng. Còn voi thì thường được chính quyền sở tại mua để đưa vào triều đình phục vụ cho nhu cầu quân sự.
Thuyền buôn của các thương nhân nước ngoài đem đến bán ở chợ phiên các loại vũ khí như gươm, giáo, áo giáp, diêm sinh; đồ dùng bằng đồng, sắt; đồ gốm, sành, sứ; các loại vải vóc quý, lược, kim khâu. Sau đó họ mua sản vật quý ở chợ phiên mang về.
Từ thế kỷ XIX, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của các vua nhà Nguyễn, các cửa biển Cửa Tùng, Cửa Việt bị đóng cửa, hàng hóa ở Quảng Trị cũng như nhiều nơi khác phải theo đường bộ vào Ðà Nẵng để thông thương với bên ngoài. Chợ phiên Cam Lộ chỉ còn giữ vai trò là một chợ vùng.
Chợ phiên ngày tết
Không vì thế mà chợ phiên Cam Lộ bây giờ mất đi cái tính thiêng liêng vốn có. Cuộc sống đổi thay nhưng những nét quê vẫn mãi tồn tại ở chợ phiên. Vào các phiên chính, chợ luôn đông đúc. Từ bốn, năm giờ sáng những bước chân đã rậm rịch, những tiếng còi xe đã hối hả dồn về chợ phiên. Hôm nay là đúng vào phiên chợ, một ngày hẹn hò, một ngày đợi chờ cho những đợi chờ của trai tài, gái sắc ở một huyện vùng gò đồi này. Chợ phiên không chỉ có bán mua, cũng không chỉ có trao đổi hàng hóa, nông lâm sản. Mà nơi ấy còn có cái nghĩa, cái tình đến tìm nhau.
Mỗi người đến chợ mang theo một sản phẩm của vùng quê. Già có, trẻ có, mà nhỡ nhỡ cũng có. Cô gái từ vùng Cùa xuống đẹp rạng rỡ xúng xính trong bộ áo bà ba mới giữa rét đại hàn. Cái rét hanh hao nhưng không vì thế làm nhạt nét hồng tươi mặn mà trên môi, trên má thiếu nữ vùng Cùa đi chợ sớm mai.
Đi trong ngạt ngào hương thơm của bánh rán, bánh khoai, qua hàng gạo trắng muôn muốt, thò tay vào bao, đưa lên mũi ngửi, một loại gạo khi trồng được thừa hưởng nhiều sương ngọt (Cam Lộ) nên thơm lừng, một đặc sản gạo Cam Lộ. Hàng ngô luộc bốc hơi, nóng hôi hổi, hàng ổi chín trái mùa vàng ươm, hàng đu đủ lốm đốm quả dài cả gang tay, làm ta cảm nhận ngon ngọt từ lúc chưa ăn.
Cô gái xứ Cùa xinh đẹp lung linh |
Ngày tết chợ phiên như một thế giới nông sản thu nhỏ. Chợ bày bán các chủng loại hàng hóa của người dân địa phương như bánh ít lá gai, chè Cùa, chuối, mít, cau, măng rừng, gà, vịt, những sản phẩm thủ công đan bằng tre, lá; rồi các đặc sản như cao lá vằng, hồ tiêu.
Bà Lê Thị Lý, người làng Đông Định, gần tám mươi tuổi vẫn đi chợ phiên, nhỏ nhẹ kể từ nhỏ đến giờ, không biết bao lần bà đi chợ phiên. Bà đã ghiền mùi chợ rồi. Mà chợ phiên ngày tết nhất định phải đi. Mấy buồng cau, chuối mật mốc này, ngày tết được giá lắm. Chuối mật mốc, một đặc sản của Quảng Trị, ngày tết nhà nào cũng đặt cúng vài nải chuối trên bàn thờ ông bà nên có tết một nải chuối cả trăm ngàn đồng. Bà trải lòng những ngày này, cau thực sự là đắt khách, nhà nào cũng cần vài trái cau, vài miếng thuốc, miếng vỏ, rồi lá trầu để cúng gia tiên, ông bà. Tại chợ phiên, cau thì không thiếu, đã thiếu cau thì hãy đến chợ phiên.
Để dần dần đưa chợ phiên sầm uất trở lại và mang đúng đặc điểm vốn có là chợ nông sản như xưa, lãnh đạo huyện Cam Lộ mấy năm gần đây đã từng bước tổ chức các hội chợ nông sản sạch và thú hút được nhiều du khách, thương nhân tham gia. Những khi ấy khách thập phương đỗ về tấp nập mua sắm, giao lưu trao đổi hàng hóa rất nhộn nhịp.
Đi chợ phiên Cam Lộ mới thấy hết cái tinh túy trong cách chuyển mình của nền kinh tế mới ở một vùng quê; là để hiểu hết sự sự hòa nhập mà không hòa tan, cả tình cảm lẫn phát triển kinh tế. Ngày cuối năm, trời se lạnh, mưa bụi lất phất. Loanh quanh chợ phiên một hồi tôi vào quán nước ven chợ, lẩm nhẩm câu ca dao và muốn đổi lại “Hẹn nàng một tháng sáu phiên/Không lên thì lỡ lời nguyền với em”.