| Hotline: 0983.970.780

Hết muốn về quê ăn tết vì gia tộc 'lùng nhùng'

Thứ Năm 16/01/2020 , 09:24 (GMT+7)

Về nước năm nào cũng như năm nào, háo hức mấy tuần đầu, đi giáp rồi tôi lại muốn xách túi du lịch cho khỏe vì anh chị em xét nét.

Thưa chị Dạ Hương!

Tôi năm nay sáu mươi lăm tuổi, con cái trưởng thành, cháu nội và cháu ngoại đầy đủ. Tôi có điều kiện hơn anh chị em của tôi là con cái học hành đỗ đạt rồi sống ở nước ngoài, tôi đi ra đi vào thường xuyên.

Cũng chính vì có điều kiện mà tôi cũng nhìn ra quan hệ gia tộc của người mình rõ hơn, có lẽ vì tôi cũng không phải sa hẳn vô mớ lùng nhùng của những người bám trong quê hay ở thị trấn thị xã gần nhau. Nói vậy không có nghĩa là tôi đứng trên mọi người.

Có sống ở nước ngoài mới thấy người Việt mình chăm chút nhau hơi quá mức. Mặt tốt thì hẳn nhiên rồi. Chồng tôi có học vấn, có đi làm lâu năm, lý giải là xã hội nông dân, nông thôn rộng lớn, chiến tranh dai dẳng nên thành truyền thống cưu mang, để ý tới nhau. Nhưng khi yên ổn thì vẫn cứ muốn sống xà quần như vậy rồi để mắt hoặc là xét nét nhau.

Tôi nhiều anh chị em hơn nhà chồng nên chuyện nhà người này nói nhà người kia tưởng tôi được yên cái lỗ tai nhưng về nước năm nào cũng như năm nào, háo hức mấy tuần đầu, đi giáp rồi lại muốn xách túi du lịch cho khỏe.

Má tôi già, rất già rồi, năm nay bà 95 tuổi, tôi là áp út nên má có con trai út nhỏ hơn tôi chăm sóc má. Tôi bị coi là Việt kiều ba rọi (tức là đi đi về về) nhưng tôi biết điều, tôi đóng góp nhiều, thuốc men, thuê người phụ với em dâu chăm má.

Từ anh Hai năm nay 75 tuổi cho đến chị Ba chị Tư anh Năm ai cũng khá giả nhưng hay ý tứ cái mác lỡ cỡ của tôi mà dèm. Ví như anh Hai phải nhiều, chị Ba chị Tư con gái phiên phiến, anh Năm lại lấy cái lý con đầu và con cuối quan trọng, anh khúc giữa, đừng tính đến.

Thôi, tôi có chồng dễ tính, tôi quyết hết, để tôi để tôi. Vậy là bị mang tiếng làm tàng, làm phách, bảy ỷ bảy sang bảy oách. Kệ, tôi kệ hết, miễn đừng đến tai má là được.

Nhưng nội bộ của các nhà khi có giỗ ba hay đám cưới đám gả của nhau, mắc mệt. Mời kiểu gì cũng bị trách, phong bì dày mỏng là đề tài kinh khủng sau lưng. Tôi luôn bị đưa vào diện con ở nước ngoài, phải tiền đô chớ.

Quê hương là chùm khế ngọt hay tôi là chùm khế ngọt mà tôi đâu có ở hẳn trong quê, trong nước? Tôi phải có công việc bán thời gian bên đó để có tiền đi về và chi phí các kiểu nữa. Nói chung, chán rồi cũng nên ít về, đúng không chị?

-------------------

Bạn thân mến!

Có một quy luật mà chắc bạn cũng nghiệm thấy như tôi thấy: rằng các dân tộc lớn họ có triết gia của họ và họ sống dưới cái bóng của một hoặc nhiều triết gia ấy. Như Ấn Độ là bình tâm tự tại nhờ vào các triết gia của đạo giáo và sau này là lãnh tụ tinh thần Ghandi của họ nữa.

Như Nhật Bản là Minh Trị hoàng đế anh minh một cách khiêm nhường cộng với tiết tháo của võ sĩ đạo. Như Trung Hoa ngoài đạo Lão còn có đạo Khổng khuyên chữ tín chữ trung.

Chúng ta là nước nhỏ, không dám sánh, chiến tranh như cơm bữa và trong cơm có máu và nước mắt. Vậy nên chúng ta dễ khóc và dễ cười, để bụng những điều nhỏ nhặt. Bởi ngày qua rồi lại ngày qua, chưa ấm no thì có khi đã lại đao binh, gia tộc dắt díu nhau sống sót.

Nết người và nết đất nó hình thành từ hàng ngàn năm lịch sử bạn ạ. Tôi không lạ gì những điều bạn kể ra. Tôi cũng có gia tộc lùng nhùng buồn cười của mình. Nhìn sang những gia tộc khác cũng lùng nhùng không kém.

Có nhà mẹ già gần trăm tuổi, con chín đứa đùn đẩy mãi, giờ muốn bán ngôi nhà nhiều tỷ để chia nhau mà không ai nghĩ mẹ về quê thì ai chăm và người chăm lấy gì nuôi mẹ, người chăm ấy được gì? Cứ nghĩ mỗi người chia trăm triệu, xong.

Có oải, có chán thì cũng là người Việt bạn ạ. Dù bạn sẽ có thẻ định cư ở nước ngoài thì tâm hồn và cốt cách bạn vẫn cứ là người Việt. Dân mình cũng có câu “xa thương gần thường”, tôi nghĩ, quốc gia hay dân tộc nào cũng có ưu và nhược điểm lồ lộ ra.

Nhiều người lấy vợ Việt lại khen gia đình vợ đầm ấm, tình cảm, thích, quá thích (dĩ nhiên họ xa được tiếng bấc tiếng chì của người mình vì họ không nghe thấu hoặc họ không lấy đó làm trọng).

Còn mẹ già, ai cáng đáng nhiều là phúc lớn cho chính mình. Rồi sẽ có ngày muốn chăm cũng không được nữa rồi. Bạn đi nhiều, văn minh hơn, nói trắng ra là vậy, có thể thu nhập cao hơn, thôi thì châm chước và thể tất, bạn nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm