Ngay sau khi hết quota 400.000 tấn gạo trong bất ngờ, nhiều doanh nghiệp và địa phương cho rằng Tổng cục Hải quan mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo có vấn đề và gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết khẩn cấp.
Ông Hiroshi Sanuki, Giám đốc Công ty TNHH Angrimex - Kitoku của Nhật Bản đóng trên địa bàn tỉnh An Giang cho biết: Sau khi nhận được Quyết định của Bộ Công Thương (có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11/4/2020) và các văn bản liên quan, Cty tiến hành mở tờ khai hải quan ngay trong sáng 11/4 cho các lô hàng đã đóng vào container, có số container/ số chì đầy đủ ở cảng Mỹ Thới (TP Long Xuyên, An Giang), nhưng Cty không thể truy cập được vào hệ thống hải quan để khai báo cho các lô hàng.
Cty liên hệ với hải quan cảng Cát Lái, nơi sẽ làm thủ tục thông quan, nhưng được trả lời là chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương và của Tổng cục Hải quan. Vì đang là ngày nghỉ cuối tuần nên các DN hy vọng đến thứ hai (13/4) sẽ có hướng dẫn cụ thể để khai báo hải quan.
Tuy nhiên, ngay đầu giờ sáng ngày 12/4 (Chủ Nhật), chúng tôi được báo tin hệ thống hải quan đã cho mở tờ khai XK gạo từ 0 giờ 30 đến khoảng 3 giờ 30 phút ngày 12/4 và số lượng đăng ký xuất trên website của hải quan là 399.989 tấn. Điều này khiến chúng tôi hết sức bất ngờ và hoang mang tột độ. Ngay lập tức chúng tôi tiến hành mở các tờ khai hải quan đã khai báo sẵn (khai nháp). Tổng cộng chúng tôi đang có số lượng hàng chờ xuất khoảng 892 tấn, gồm 17 tờ khai đã có số tờ khai nhưng chưa được xác nhận thông quan, phân luồng.
Rất nhiều DN gạo đều chưa kịp mở tờ khai vì chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ cơ quan hải quan.
Do vậy, theo quan điểm chúng tôi, việc cho mở tờ khai hải quan như trên là không công khai minh bạch. Hàng năm Cty chỉ xuất 20.000 tấn gạo và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng xáo trộn trong kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Trường hợp Cty chúng tôi không thể giao hàng như đã cam kết, khách hàng của chúng tôi ngay lập tức sẽ không mua gạo Việt Nam mà chuyển sang mua gạo nước khác, điều này gây thiệt hại rất lớn cho DN chúng tôi.
Theo ông Hiroshi Sanuki, đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan kiểm tra và giám sát lại việc khai báo tờ khai hải quan xuất khẩu gạo.
Vì hạn ngạch xuất khẩu gạo có giới hạn 400.000 tấn, nên DN rất mong muốn nhận được hướng dẫn công khai, minh bạch và chính xác với tiêu chí xuất khẩu, hạn ngạch xuất khẩu gạo nên được phân bổ rõ ràng cho tất cả DN. Cần sự xem xét công tâm nhất của các đơn vị chủ quản, tạo sự công bằng và ổn định cho các DN xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ hiện có 41 DN đủ năng lực xuất khẩu gạo trực tiếp và hiện nay số lượng gạo lưu kho trên địa bàn còn rất nhiều.
Có gần 10.000 tấn gạo đang nằm ở kho cảng, trên các ghe tàu chờ XK, chi phí phát sinh mà các DN phải trả lên tới tiền tỷ.
Hiện các DN vẫn còn lượng lớn lưu kho chưa được phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, trong khi đó, số nợ cho vay của các ngân hàng đối với các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn đã lên tới 7.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Ngày 13/4 Hiệp hội có văn bản số 57/CV/HHLTVN gửi các hội viên của VFA là thương nhân xuất khẩu gạo, đề nghị các thương nhân góp ý về tình hình khai hải quan và các tồn đọng hiện nay đối với hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 đã được Chính phủ phê duyệt để Hiệp hội kịp thời phản ánh đến Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan.
Ý kiến đóng góp gửi về Văn phòng Hiệp hội qua email: info@vietfood.org.vn chậm nhất lúc 9 giờ ngày 14/4/2020.