| Hotline: 0983.970.780

Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” WB7 tại Quảng Trị:

Hiệu quả mô hình lúa CSA

Thứ Bảy 25/04/2020 , 13:35 (GMT+7)

“Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu”(CSA) là hợp phần quan trọng của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) tại Quảng Trị.

Thu hoạch lúa CSA ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh.

Thu hoạch lúa CSA ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh.

Vụ đông xuân 2019 - 2020, nông dân Quảng Trị đã sản xuất hơn 704ha lúa theo mô hình nhân rộng CSA cho năng suất cao. HTX Phước Thị của xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh sản xuất 30ha lúa theo mô hình nhân rộng CSA.

Xã viên Nguyễn Xuân Thọ ở đội 3 gieo 0,5ha giống lúa Đài thơm 8 chuẩn bị thu hoạch. Ông Thọ cho biết năm nay lúa rất được mùa, dự kiến sản lượng đạt 64 tạ/ha.

Giám đốc HTX Phước Thị Nguyễn Giang cho biết, toàn HTX có 50 hộ trồng lúa theo mô hình này. Sau 3 năm cùng với Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị triển khai mô hình, nông dân HTX Phước Thị rất vui vì từ trước đến nay chưa có mô hình sản xuất nào có ý nghĩa như CSA. Vụ này có 9 HTX của huyện Gio Linh đang sản xuất 92ha lúa mô hình CSA.

Ông Lê Đức Tuyến, Giám đốc HTX Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cho biết xã viên của ông bắt đầu sản xuất lúa theo mô hình CSA từ năm 2018 với diện tích ban đầu 13ha, thấy làm lúa mô hình thuận lợi và khoa học nên năm sau các xã viên đăng ký sản xuất lên 65ha, còn vụ này sản xuất 20ha. Ở huyện Vĩnh Linh vụ này có 7 HTX sản xuất lúa theo mô hình nhân rộng CSA với diện tích 199ha.

Kiểm tra lúa đông xuân CSA chuẩn bị trổ ở HTX Duy Viên

Kiểm tra lúa đông xuân CSA chuẩn bị trổ ở HTX Duy Viên

Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị Bùi Phước Trang cho biết, sản xuất lúa theo mô hình nhân rộng CSA cho thấy hiệu quả hơn sản xuất lúa truyền thống.

Gieo lúa bằng công cụ sạ hàng nên cây thưa, tiết kiệm được giống, nhờ đó cây lúa phát triển mạnh tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc, khi lúa bị bệnh thì xử lý bằng các thuốc sinh học tự chế như nước tỏi, ớt, gừng nên hạn chế được sử dụng các hóa chất BVTV; đặc biệt lúa mô hình này cho năng suất cao.

Tính đến nay qua 3 năm triển khai, diện tích được hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 5.600ha. Trong đó diện tích thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu” 188,9ha, diện tích CSA nhân rộng chính 3.527,3ha, diện tích CSA nhân rộng đại trà 1.888ha.

Ngoài ra, nhiều HTX mặc dù chỉ được hỗ trợ thực hành CSA trong 1 vụ nhưng nhận thấy được hiệu quả của mô hình nên đã tiếp tục duy trì, mở rộng, phát triển trên diện rộng, điển hình như HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ; HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy; HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang…

Theo ông Trang, qua theo dõi các vụ sản xuất cho thấy thành công của mô hình đã giúp phổ biến các bước thực hành CSA để áp dụng phù hợp từng biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, khuyến khích các địa phương khác ngoài mô hình triển khai.

(Kiến thức gia đình số 17)

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.