| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả sản xuất tăng 15 - 20% nhờ cải thiện nông nghiệp có tưới

Thứ Hai 20/12/2021 , 14:05 (GMT+7)

Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất từ 15% đến 20% so với phương thức canh tác truyền thống.

Ngày 20/12, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội thảo tổng kết Hợp phần 3 Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu thuộc Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới Việt Nam (VIAIP/WB7).

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, trong bối cảnh phải chịu nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, ngành nông nghiệp vẫn luôn phải đảm bảo mục tiêu quốc gia liên quan đến an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.

Hội thảo tổng kết Hợp phần 3 Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu thuộc Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới Việt Nam (VIAIP/WB7). Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội thảo tổng kết Hợp phần 3 Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu thuộc Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới Việt Nam (VIAIP/WB7). Ảnh: Phạm Hiếu.

Để thực hiện các mục tiêu đó, Bộ NN-PTNT đã đề xuất Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới Việt Nam và được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tổng kinh phí 210 triệu USD, trong đó 180 triệu USD là vốn vay ưu đãi và 30 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án được triển khai từ năm 2014, cho đến nay đã hoàn thành toàn bộ nội dung, hoạt động được phê duyệt vào tháng 6/2021. Mục tiêu phát triển của Dự án là cải thiện tính bền vững của các hệ thống sản xuất nông nghiệp có tưới tại hơn 93.000 ha canh tác của các tỉnh được lựa chọn thuộc khu vực miền núi phía Bắc là Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình và khu vực ven biển miền Trung là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam.

Số người được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án là hơn 245.000 hộ nông dân. Hệ thống các công trình thủy lợi của 7 tỉnh đã được nâng cấp và đáp ứng các công nghệ mới nhất.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dự án cũng đã xây dựng 49 mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm: 14 mô hình chuyên canh lúa và lúa - màu; 12 mô hình sản xuất rau - màu; 5 mô hình trồng chuyên rau; 12 mô hình trồng cây ăn quả; 3 mô hình cây công nghiệp dài ngày (chè và hồ tiêu); hỗ trợ 3 trung tâm giống cây trồng.

Cây trồng canh tác tại 49 mô hình thực hành là các giống cây trồng chủ lực, có giá trị về an ninh lương thực và hàng hóa đặc hữu tại từng địa phương như lúa, các loại rau màu, cây ăn quả và cây lâu năm khác.

Cùng với sự đồng thuận tham gia của người dân, Dự án đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất từ 15% đến 20% so với phương thức canh tác truyền thống, qua đó thu nhập của các hộ nông dân đã được cải thiện rõ rệt.

“Bộ NN-PTNT đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, Ban Quản lý Dự án các cấp và chính quyền địa phương của 7 tỉnh, vùng Dự án đã tích cực phối hợp với nhà tài trợ thực hiện thành công Dự án trong thời gian qua”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá.

Canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giúp cho người dân tăng được hiệu quả kinh tế. Ảnh: Phạm Hiếu.

Canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giúp cho người dân tăng được hiệu quả kinh tế. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhân rộng các gói kỹ thuật nông nghiệp thông minh

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, khoảng thời gian đầu triển khai, Dự án đã làm việc với lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Sở NN-PTNT và đặc biệt là bà con nông dân của 7 địa phương để lựa chọn đối tượng cây trồng ưu tiên, có lợi thế của địa phương.

Dự án cũng cùng với bà con nông dân lựa chọn quy trình kỹ thuật trong canh tác không chỉ để phù hợp với đối tượng cây trồng mà còn phù hợp với địa bàn, điều kiện địa phương đó.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá: Với việc triển khai bài bản cùng sự tham gia của người dân, sau khoảng 6 năm triển khai, qua đánh giá, Dự án đã đạt hiệu quả cao. Tất cả đối tượng từ cây lúa, cây ăn quả đến rau màu, cây công nghiệp dài ngày đều cho kết quả rất tốt.

Qua đó, đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất, đầu tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, lao động, nguồn nước tưới… Việc giảm chi phí sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn có tác động tích cực đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh, thông qua việc đánh giá toàn bộ kết quả Dự án, đặc biệt đánh giá những bài học kinh nghiệm, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các nhà tài trợ xây dựng các dự án nhân rộng gói kỹ thuật nông nghiệp thông minh. Đây cũng là sự mong đợi của nông dân các địa phương cũng như mong muốn của Bộ NN-PTNT cũng như các nhà tài trợ trong thời gian tới. 

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.