| Hotline: 0983.970.780

Hiểu thêm về ngô lép hạt

Thứ Sáu 13/09/2013 , 10:09 (GMT+7)

Bất cứ loại giống nào gặp các điều kiện bất thuận đều có thể xảy ra hiện tượng kết hạt kém và trái chìa, bắp phụ.

Thời gian qua, nhiều bà con nông dân trồng ngô trên cả nước phản hồi về việc cây ngô sau khi trỗ cờ phun râu có hiện tượng bắp kết hạt kém, ra trái chìa ảnh hưởng đến năng suất.

Người dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Gia Lai, Nghệ An, Sơn La… phản ánh khi trồng ngô đến giai đoạn sắp thu hoạch thì phát hiện bắp bị kết hạt kém (hay còn gọi là bồ cào răng cưa) và đi kèm với đó là hiện tượng ra trái chìa giống như nải chuối làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng của ngô.

Thực tế, hiện tượng này khá phổ biến tại các vùng trồng ngô trên cả nước và thực sự là điều không may khi người dân đầu tư cả vụ trồng ngô từ 3-4 tháng nhưng năng suất thu được rất thấp, thậm chí thất mùa trắng. Khi xảy ra hiện tượng này, hầu hết người nông dân đều cho rằng nguyên nhân do sử dụng phải giống giả hoặc giống kém chất lượng.

Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, chuyên gia kỹ thuật Nguyễn Lân Hùng cho rằng cần phải nhìn nhận một cách hết sức khách quan. Nếu là giống giả hoặc giống kém chất lượng thì biểu hiện của cây ngô trên ruộng ngay từ giai đoạn đầu sẽ có sự khác biệt so với các tính trạng đặc trưng của giống như hình thái cây to, nhỏ khác nhau; khả năng sinh trưởng và phát triển yếu, không đồng đều ngay từ giai đoạn đầu.


Nông dân lo lắng trước mùa bắp bị dịch bệnh

Còn nếu cây ngô sinh trưởng phát triển bình thường, hình thái cây đúng theo đặc trưng của giống nhưng sau giai đoạn trổ cờ, phun râu chúng ta phát hiện ra hiện tượng kết hạt kém, bồ cào răng cưa thì 100% không phải do giống giả, giống kém chất lượng.

Có thể ở giai đoạn trổ cờ phun râu của cây ngô gặp các điều kiện nhiệt độ nắng nóng trên 35 độ C hoặc ẩm độ không khí thấp < 50% làm chết hạt phấn, giảm khả năng kết hợp giữa hạt phấn và râu ngô.

Mưa kéo dài giai đoạn trổ trờ phun râu làm hạt phấn bị rửa trôi hoặc bết lại cũng sẽ không thụ phấn được. Việc bón phân không cân đối, bón dư đạm vào giai đoạn gần trổ hoặc điều kiện đất quá chua, quá mặn cũng làm rối loạn sinh lý của cây ngô gây ra hiện tượng kết hạt kém, bồ cao răng cưa.

Còn hiện tượng trái chìa, bắp phụ cũng cần phân biệt hai loại, do đặc tính giống và do việc hạt phấn không kết hợp được với râu ngô gây ra. Nếu do đặc tính giống như một số loại giống ngô hiện nay gồm LVN4, NK6326, NK6654 thì việc ra trái chìa, bắp phụ hoàn toàn không ảnh hưởng đến bắp chính vì ở giai đoạn vào chắc của hạt, bắp phụ sẽ teo đi dinh dưỡng chỉ tập chung nuôi bắp chính.

Tuy nhiên, trong trường hợp hạt phấn không kết hợp với râu ngô, tức là hiện tượng kết hạt kém xảy ra thì các hóc môn sinh trưởng vốn dành để nuôi bắp, nuôi hạt thì nay tác động vào các đỉnh sinh trưởng giữa các lá bi hình thành nên các bắp phụ, mức độ nhiều ít khác nhau tùy thuộc vào mức độ kết hạt và điều kiện dinh dưỡng, một số ruộng bị nặng thậm chí bắp ngô trông như nải chuối có nhiều chồi và gần như không có hạt.

Thực tế ngô kết hạt kém và ra trái chìa là một hiện tượng sinh lý rất đặc trưng của cây ngô khi gặp các điều kiện bất thuận, tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng do các giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, ngưỡng chịu đựng với các điều kiện cũng khác nhau nên đôi khi mức độ ảnh hưởng trên đồng ruộng có thể khác nhau.

Do vậy, bất cứ loại giống nào gặp các điều kiện bất thuận như trên đều có thể xảy ra hiện tượng kết hạt kém và trái chìa, bắp phụ. Muốn giảm thiểu được hiện tượng kết hạt kém, trái chìa bắp phụ bà con nông dân cần lưu ý, nên lựa chọn giống ngô tốt, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng tại địa phương. Tốt nhất là các giống đã được khảo nghiệm, trình diễn và khẳng định tính thích ứng trên đồng đất của địa phương mình.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết: Cây ngô cần được gieo trồng đúng thời vụ, nhưng tại một số địa phương bà con gieo trồng lệch thời vụ hoặc vào thời vụ không thuận cho việc sinh trưởng, phát triển của cây ngô sẽ làm cho tỉ lệ kết hạt kém, trái chìa xảy ra nhiều hơn.

Do vậy, bà con nông dân cần lưu ý việc bón phân cân đối, cần bón đủ đạm, lân, kali theo khuyến cáo của nhà SX, không nên bón nhiều đạm vào giai đoạn ngô chuẩn bị trỗ cờ phun râu. Đối với các chân đất chua (hay pH đất thấp) hoặc đất mặn, cần có các biện pháp kỹ thuật khử chua hoặc thau mặn cho đất cho đất trước khi gieo.

Ngoài ra, cây ngô cũng có thể bị ngộ độc do việc sử dụng thuốc trừ cỏ không hợp lý, người nông dân cần có sự hiểu biết đầy đủ về nông học, canh tác cây ngô để hạn chế các tác động không mong muốn xảy ra trên cây ngô của mình.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.