| Hotline: 0983.970.780

Hồ Ea H'leo 1 thay đổi bộ mặt vùng quê nghèo

Thứ Hai 06/03/2023 , 14:53 (GMT+7)

Hồ Ea H'leo 1 khi hoàn thành sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vực phía Nam huyện Ea H’leo, góp phần thay đổi bộ mặt vùng quê nơi đây.

Công trình ý nghĩa tại vùng khô hạn

Công trình Hồ Ea H'leo 1 từ khi khởi công đến thời điểm hoàn thành đã nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của chính quyền, nhân dân tại địa phương. Mặt dù hiện nay dự án chưa đưa vào vận hành khai thác nhưng có thể thấy rõ những lợi ích mà công trình mang lại cho khu vực phía Nam huyện Ea H’leo.

Ông Trần Mạnh Hoàng (ngụ xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) cho biết, lâu nay người dân canh tác lúa, hoa màu phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết vì địa phương không có hồ thủy lợi.

Do đó, người dân mong muốn có nguồn nước để tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt. Khi có nguồn nước thì người dân mới canh tác lúa, hoa màu được thuận lợi. “Làm nông nhưng nguồn nước phụ thuộc vào thời tiết nên mỗi năm chỉ làm được một vụ và năng suất không cao. Sau này có nguồn nước thì người dân sẽ làm được từ 2-3 vụ. Từ đó người dân có lương thực, có thu nhập thì mới đỡ khổ được”, ông Hoàng nói.

ho_1

Hồ Ea H'leo 1 khi hoàn thành sẽ giúp đảm bảo nguồn nước tưới cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp phía Nam của huyện Ea H'leo. Ảnh: Quang Yên.

Ông Mai Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ea H'leo chia sẻ, khi lòng hồ Ea H'leo 1 xây dựng xong đã tạo được cảnh quan và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đặc biệt, hồ sẽ giúp tưới từ 4.000 - 6.000ha đất trên tổng số 12.000ha đất nông nghiệp của xã. Việc này hình thành các vùng cây ăn trái tập trung và đảm bảo nước tưới cho cây lâu năm như hồ tiêu, cà phê và lúa nước.

“Khi hồ Ea H'leo 1 khởi công người dân rất phấn khởi vì xã Ea H'leo có diện tích đất tự nhiên rất lớn. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trước đây người dân dùng nước từ các dòng suối nhỏ nên khi vào khô thì không đủ tưới. Nên khi đầu tư hồ sẽ đảm bảo nguồn nước đủ tưới cho tất cả vụ mùa từ đó tăng năng suất và giá trị cây trồng”, ông Thắng chia sẻ. 

Chia sẻ về hiệu quả của Hồ Ea H’leo 1, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho rằng, địa phương là một trong những huyện rất khó khăn về nguồn nước trong mùa khô. Các công trình thủy lợi hiện có chủ yếu là nhỏ, hồ lớn nhất cũng chỉ có dung tích khoảng 1 triệu m3. Do vậy, khi Hồ Ea H'leo 1 đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước tưới cho cây trồng trên một vùng rộng lớn, không chỉ vậy hồ Ea H'leo 1 còn cung cấp nước sinh hoạt và tương lai là cấp nước cho khu công nghiệp.

Cụ thể, Hồ Ea H’leo 1 sau khi hoàn thành sẽ nâng mạch nước ngầm của địa phương. Công trình không chỉ tưới cho 5.000 - 8.000ha đất vùng hạ du mà còn cung cấp cho trên 1.000ha cây trồng xung quanh hồ.

Theo ông Hà, đến 2024 khi hệ thống kênh tưới được thi công xong thì khu vực hạ du hồ sẽ cực kỳ phát triển. “Toàn bộ vùng này đất rất màu mỡ nhưng lâu nay không có nước tưới. Đất khu vực này là đất pha cát phù hợp với cây ăn trái, cây ngắn ngày và rau củ quả. Do đó, huyện quy hoạch khu vực này làm nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời huyện đã quy hoạch ở vùng hưởng lợi từ dự án phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.000ha.

z4157649254224_3eedcc270ad73e6deeaa6c3059b3e503

Lâu nay người dân khu vực phía Nam huyện Ea H'leo chỉ canh tác được một vụ, khi có hồ thủy lợi sẽ giúp đảm bảo nguồn nước tưới cho tất cả các loại cây trồng. Ảnh: Quang Yên.

Lâu nay người nông dân khu vực này chỉ làm một vụ vào mùa mưa. Mùa khô đất bỏ hoang bạt ngàn vì không có nước tưới. Ngoài ra, không có nước tưới một số cây trồng cũng không có hiệu quả như cao su, cà phê. Khu vực này sẽ xây dựng các trang trại, trồng các cây hướng đến xuất khẩu. Quy hoạch làm nông nghiệp công nghệ cao thì buộc phải có nước tưới và được lấy nước từ hồ Ea H’leo 1”, ông Hà nói.

Theo vị Chủ tịch huyện, Hồ Ea H’leo 1 sau khi bàn giao địa phương sẽ xây dựng thành điểm du lịch, dịch vụ. “Hơn 20.000 người sẽ được hưởng lợi trực tiếp nước tưới, nước sinh hoạt. Ngoài ra, phạm vi được hưởng lợi rất nhiều như khi hình thành khu công nghiệp thì người dân sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng. Người dân Ea H’leo trong tương lai sẽ rất giàu, đặc biệt là vùng xã Ea H’leo nơi có hồ thủy lợi”, ông Hà thông tin.

Vượt khó để về đích

Hồ Ea H’leo 1 được cơ quan chức năng khảo sát nghiên cứu từ những năm 1997, nhưng do ảnh hưởng của các yếu tố dự án nhiều lần thay đổi thiết kế cũng như chủ đầu tư.

Đến ngày 3/9/2009, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 thuộc Bộ NN-PTNT tiếp nhận dự án từ chủ đầu tư trước và nghiên cứu hoàn thiện dự án. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 trình Bộ NN-PNT và Thủ tướng Chính phủ đã có công văn “Đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng công trình Thủy lợi hồ chứa nước Ea H’Leo 1, tỉnh Đắk Lắk”.

ho_2

Giai đoạn 1 của Hồ Ea H'leo 1 hoàn thành trước tiến độ là nỗ lực rất lớn từ chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương, đặc biệt là có sự đồng lòng của người dân. Ảnh: Quang Yên.

Đến những năm 2015-2016, vùng Ea H’leo hạn hán, nếu không có nước thì có nguy cơ xa mạc hóa. Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, hạn hán triền miên và sử dụng hiệu quả nguồn nước đến từ lưu vực sông Ea H’leo, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư hồ Ea H’leo 1 vào tháng 3/2017.

Thời điểm này, dự án được điều chỉnh nhiệm vụ tưới lên 5.000ha, chuyển từ đập đất ban đầu thành đập bê tông trọng lực kết hợp đập, bố trí tại tuyến II. Diện tích giải phóng mặt bằng lòng hồ của dự án là 260ha và 26 hộ bị ảnh hưởng phải di dời.

Ông Lê Khắc Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 cho biết, từ trước đến nay quá trình triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn.

Tuy nhiên, dự án Hồ Ea H’leo 1 lại là một câu chuyện đáng để các dự án khác học hỏi. Dự án được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chính quyền địa phương nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng rất nhanh. Đây là một trong những công trình do Ban 8 làm chủ đầu tư có tốc độ đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh đến như vậy. Ngoài ra, thời điểm thi công dự án Hồ Ea H’leo 1 trúng vào lúc đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nên nhà thầu cũng như chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các địa phương thực hiện giãn cách, dự án phải xây dựng phương án 4 tại chỗ cho hơn 300 công nhân, kỹ sư tại công trường để đẩy nhanh tiến độ.

Theo thiết kế, Hồ Ea H’leo 1 có đập bê tông chính dài 314m, cao 59m với tổng 200.000m3 bê tông được thi công trong vòng 2 năm. Để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị thi công là Binh Đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đã đưa rất nhiều máy móc, thiết bị vào công trường.

“Đơn vị thi công đã lập 3 trạm trộn bê tông, chia làm 3 mũi để đẩy nhanh tốc độ. Từ giữa năm 2020 dự án mới bắt đầu đổ mẻ bê tông đầu tiên cho thân đập nhưng đến tháng 3/2021 đã hoàn thành. Lúc này, địa phương cũng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng lòng hồ. Sau đó, Ban đã trình Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk để triển khai chặn dòng cho hồ Ea H’leo 1 đúng như tiến độ dự án”, ông Tuyến tự hào.

ho_3

Hồ Ea H'leo 1 sẽ là điểm nhấn, giúp chính quyền địa phương nơi đây phát triển du lịch. Ảnh: Quang Yên.

Cũng theo ông Tuyến, hồ Ea H’leo 1 có thân đập cao, ngắn. Nên thi công bê tông trọng lực là phương án tối ưu. Thời điểm thi công Bộ NN-PTNT cũng có nhiều hướng dẫn, cho sử dụng phụ gia để giải quyết một số bài toán về kỹ thuật của bê tông để đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể, đơn vị thi công sử dụng tro bay để làm phụ gia, làm mát nước xuống đến 0 độ để đảm bảo nhiệt ban đầu của bê tông đưa vào. Việc này nhằm đảm bảo yêu cầu về thời gian, kỹ thuật để nhanh chóng hoàn thành đập.

Để đảm bảo việc thi công không để xảy ra sai sót, chủ đầu tư đã mời thêm một đơn vị độc lập kiểm tra lại địa chất. Đặc biệt trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã mời các chuyên gia đầu ngành về địa chất, bê tông, thủy văn vào để kiểm tra, đưa ra các giải pháp tối ưu nhất.

Về công nghệ vận hành hồ, ông Tuyến cho biết có nhiều điểm mới so với các dự án trước đây. Tất cả hệ thống đo đếm, báo mực nước, trạm đo mưa là lắp đặt đầy đủ. Ngoài những thiết bị theo dõi tất cả nằm trong lòng đập đều hiện đại và mới nhất bây giờ.

Liên quan đến dự án, Bộ NN-PTNT cũng cho thực hiện công tác chỉnh trang để phù hợp với cảnh quan môi trường cho toàn bộ công trình đầu mối. Do đó, chủ đầu tư thuê kiến trúc sư thiết kế cảnh quan đầu mối của công trình làm sao phù hợp với phong tục, tập quán mang bản sắc Tây Nguyên.

Hệ thống tưới của dự án được đầu tư toàn bộ bằng đường ống. Sau khi hoàn thành đây sẽ là hệ thống thủy lợi lớn đầu tiên của Đắk Lắk sử dụng mô hình kênh tưới này. Cụ thể, đường chính dài 8,8km còn đường ống nhánh cấp 1 và 2 có tổng chiều dài 46km. Chênh cao từ điểm đầu mối đến điểm cuối của đường ống khoảng hơn 100m do đó áp lực nước rất lớn, rất thuận lợi cho việc cấp nước tưới và sinh hoạt.

Xem thêm
Bộ Công Thương đề xuất phương án tinh gọn bộ máy, giảm gần 18% đầu mối

Với phương án đề xuất, số đầu mối trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương sẽ giảm 5 đơn vị, từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.