Ngày 23/4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã ra quyết định khởi tố và đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra, xử lý vụ án huỷ hoại rừng liên quan đến việc tích nước lòng hồ tại Thủy điện Thượng Kon Tum làm hơn 25 ha rừng bị chết. Ngoài ra, vụ việc cũng đã báo cáo lên Ban Nội chính Tỉnh uỷ Kon Tum để theo dõi, giám sát.
Theo tìm hiểu được biết, Thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Bình Định) làm chủ đầu tư đã tích nước làm 25 ha rừng bị thiệt hại nằm ở 2 xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) và xã Đăk Côi (huyện Kon Rẫy).
Số diện tích rừng bị thiệt hại do 3 đơn vị quản lý gồm Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (15,63ha) UBND xã Đăk Tăng (6,34ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy (3,39ha). Rừng bị ảnh hưởng phần lớn là rừng tự nhiên, có chức năng sản xuất và phòng hộ. Diện tích này nằm ngoài khu vực được phép thu hồi, chuyển đổi.
Trước đó, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực lòng hồ thủy điện, các đơn vị chủ rừng đã phát hiện rừng đang quản lý bị ảnh hưởng, chết do tích nước lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum nên báo cáo lên cơ quan chức năng.
Cụ thể, vào tháng 6/2021, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông trong quá trình khi kiểm tra, phát hiện rừng bị chết và ảnh hưởng do việc tích nước lòng hồ Thuỷ điện Thượng Kon Tum. Tuy nhiên sau khi kiểm tra, cán bộ của công ty thuỷ điện này không thống nhất ký biên bản.
Sau đó ít ngày, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông tiếp tục có văn bản gửi chủ đầu tư để làm việc và kiểm tra hiện trường nhưng kết quả kiểm tra vẫn không được chủ đầu tư thuỷ điện thống nhất.
Đến cuối tháng 6/2021, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông tiếp tục có văn bản gửi chủ đầu tư thuỷ điện đến làm việc, xác định hiện trường nhưng chủ đầu tư vẫn viện lý do để từ chối làm việc.
Nhận thấy chủ đầu tư không hợp tác, đến tháng 8/2021, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông đã báo lên Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Kon Tum.
Trong báo cáo giải trình gửi lên UBND tỉnh Kon Tum mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh thừa nhận, trong quá trình tích nước để phát điện đã xảy ra tình trạng một số diện tích ven lòng hồ có cây chết. Theo giải thích của chủ đầu tư, trường hợp cây chết dưới mực nước dâng bình thường thì theo đúng quy định, không phải thực hiện biện pháp gì thêm.
Đối với cây chết trên mực nước dâng bình thường có thể do nước dền, sóng đánh, gây ngập úng làm cây chết. Ngoài ra, một số đồi dốc núi đứng, nước thấm làm sụt lở đất cũng gây ngập úng và cây chết. Đối với những trường hợp chết này xảy ra ngoài dự tính của con người. Công ty sẽ có trách nhiệm cùng với các đơn vị liên quan xác định số diện tích rừng có cây chết để bồi thường, trồng lại rừng theo đúng quy định…