| Hotline: 0983.970.780

Hôn nhân nước ngoài đổ vỡ, hàng trăm phụ nữ ôm con về quê

Thứ Ba 30/06/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tỉnh Hậu Giang khá điển hình ở ĐBSCL có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài và hàng trăm cuộc hôn nhân đã đổ vỡ, nhiều người ôm con bỏ về nước, nhiều hệ lụy.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Hậu Giang đang nỗ lực hỗ trợ phụ nữ hồi hương và gia đình họ. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Nguyễn Thị Tuyết Loan cho biết, theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến tháng 2/2020, ở tỉnh Hậu Giang có 17.532 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài.

Còn từ ngày 1/1/2018 đến nay có 2.247 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài (959 phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc). Trong đó có 541 phụ nữ Hậu Giang kết hôn với người nước ngoài đã ly hôn, mang theo 260 trẻ con hồi hương. Đông nhất là huyện Vị Thủy có 158 trẻ lai theo mẹ hồi hương.

Nguyên nhân chính khiến hôn nhân của phụ nữ Hậu Giang với người nước ngoài không thành công là gì?

Thực tế cuộc sống hôn nhân với chồng tại xứ người không phải tất cả đều đạt ý nguyện. Bên cạnh số đông chị em tìm được hạnh phúc, có điều kiện giúp đỡ gia đình vượt qua nghèo khó, vươn lên khá giả thì không ít người không đạt được điều mong muốn, gặp bất hạnh bởi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, bạo lực gia đình.

Không ít cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu, được nhiều phụ nữ coi như một con đường để đi tắt đến sự đầy đủ, giàu có, họ chấp nhận lấy chồng rất già, hoặc tàn tật, không bình thường.

Thường các cuộc hôn nhân đó xuất phát từ môi giới, với thời gian nhanh chóng, có nơi phụ nữ để cho đàn ông nước ngoài tuyển vợ như chọn hàng hóa, trong đó có cả sự mặc cả thì đó là sự phiêu lưu, mạo hiểm không hứa hẹn hôn nhân hạnh phúc.

Hàng trăm phụ nữ bỏ chồng nước ngoài, ôm con về quê sẽ phát sinh rất nhiều vụ án ly hôn, việc giải quyết đang cho thấy điều gì?

Số liệu của TAND tỉnh Hậu Giang, năm 2018 thụ lý 103 vụ, giải quyết 82 vụ, đạt 79,61%; năm 2019 thụ lý 194 vụ, giải quyết 159 vụ, đạt 81,05%.

Riêng 6 tháng đầu năm 2020 thụ lý 106 vụ, giải quyết 51 vụ, đạt 48,11%. Có thể thấy số lượng vụ ly hôn thụ lý ở TAND tỉnh Hậu Giang mới 6 tháng đầu năm 2020 đã cao hơn cả năm 2018. Đánh giá của TAND tỉnh, tỷ lệ giải quyết án này thấp hơn so với các loại án khác.

Qua các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài mà TAND tỉnh Hậu Giang thụ lý giải quyết cho thấy, trên 95% vụ án ly hôn do phụ nữ Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài.

Còn lại tỷ lệ gần 5% chia cho hai trường hợp khác là công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã ra nước ngoài (bị đơn); người Việt Nam ở nước ngoài kết hôn với người nước ngoài và việc kết hôn đó đã được công nhận tại Việt Nam, nay người Việt Nam về nước và người nước ngoài xin ly hôn.

Còn vấn đề hộ tịch của phụ nữ hồi hương và trẻ em liên quan?

Từ ngày 1/1/2018 đến nay có 2.247 phụ nữ Hậu Giang kết hôn với người nước ngoài nhưng theo số liệu của Sở Tư pháp tỉnh, ghi vào sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chỉ 1.659 trường hợp.

Sau đó, giải quyết những vấn đề pháp lý cho phụ nữ có chồng nước ngoài về Việt Nam sinh sống còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn họ không làm thủ tục ly hôn ở nước ngoài, không đem theo các giấy tờ tùy thân đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để ghi vào sổ hộ tịch tại Việt Nam.

Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài, có hộ chiếu nước ngoài, quốc tịch nước ngoài khi theo mẹ về Việt Nam sinh sống thì không đủ điều kiện đăng ký khai sinh theo Luật Hộ tịch.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc đi học, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế và các quyền khác liên quan đến trẻ em, đây là những khó khăn vướng mắc hiện nay.

Cán bộ phụ nữ Hậu Giang trao đổi cách thức giúp đỡ phụ nữ di cư hồi hương.

Cán bộ phụ nữ Hậu Giang trao đổi cách thức giúp đỡ phụ nữ di cư hồi hương.

Cụ thể khó khăn nào cho việc đi học của trẻ con theo mẹ hồi hương?

Trong số 260 trẻ hồi hương, ngành giáo dục cho biết có 241 trẻ đang đến trường học; gồm 39 trẻ mầm non và mẫu giáo, 114 tiểu học, 65 THCS và 23 THPT.

Đa số chưa có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh chưa hợp lệ (tiếng nước ngoài, chưa có bản dịch); không có hộ khẩu; một số trẻ chưa đăng ký tạm trú tại nơi các em ở. Một số trẻ chưa thông thạo tiếng Việt nên khó khăn trong giao tiếp.

Ở huyện điển hình Vị Thủy có 3.973 phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc và 158 trẻ theo mẹ hồi hương đều là con lai Việt - Hàn. Trong đó có 15 trẻ gặp khó khăn trong làm giấy khai sinh. Đây là nỗi trăn trở của địa phương khi các cô gái lấy chồng bất hạnh, mang con trở về quê sinh sống.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong công tác bảo vệ quyền lợi của phụ nữ hồi hương?

Hôn nhân với người nước ngoài không thành công, hệ lụy thường dẫn đến bất hạnh cho người phụ nữ. Điều này thấy rất rõ ở những phụ nữ hồi hương muốn giải quyết ly hôn.

Khi cuộc sống hôn nhân không thể tồn tại trên thực tế thì ly hôn là hết sức cần thiết, giúp cho người phụ nữ thoát khỏi sự ràng buộc về mặt pháp lý, chấm dứt quan hệ vợ chồng trên cơ sở pháp luật bằng bản án hoặc quyết định của tòa án.

Theo pháp luật Việt Nam, tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên, đối với trường hợp giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thì pháp luật điều chỉnh quan hệ này không chỉ đơn thuần là các văn bản quy phạm pháp luật trong nước mà còn được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật quốc tế có liên quan như: Điều ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp, Tập quán quốc tế…Tất cả lại khiến cho việc giải quyết vụ án ly hôn bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em rất lớn.

Mới đây, báo cáo của TAND tỉnh Hậu Giang cho biết, những việc mà Tòa án Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì kết quả trả lời thường rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp không nhận được sự trả lời của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

"Đối với chị em trở về, cần có chính sách thích hợp trong việc giải quyết việc làm. Đối với trẻ em con lai cần được quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt là hướng dẫn làm giấy tờ hợp pháp để thuận lợi trong học tập cũng như quyền nhân thân. Đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể, thống nhất cho địa phương về đăng ký hộ tịch và đăng ký cư trú cho trẻ hồi hương về Việt Nam sinh sống".

(Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hậu Giang)

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.