
Người dân Na Hối lo lắng bị thu hồi toàn bộ đất sẽ không biết sinh sống bằng cách nào. Ảnh: H.Đ.
Loay hoay gần 7 năm dự án vẫn chưa xong
Tỉnh Lào Cai phê duyệt đầu tư xây dựng công trình đường vành đai 2 huyện Bắc Hà do UBND huyện này làm chủ đầu tư từ ngày 31/10/2018. Công trình giao thông cấp 4 này gồm 17 tuyến, trong đó trục chính và các đường nhánh. Với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, dự án được tỉnh hỗ trợ 30%, còn lại từ ngân sách huyện (vay quỹ phát triển đất tỉnh và đấu giá đất tạo nguồn ).
Cũng theo quyết định phê duyệt dự án, việc làm đường vành đai 2 ảnh hưởng đến 420 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu; với mục tiêu giúp phát triển hạ tầng đô thị và đi lại của nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao từng bước dưới sống kinh tế… Tuy nhiên, gần 7 năm, dự án đã gây ra nhiều hệ lụy khiến hàng chục hộ dân khổ sở.
Có quá nhiều vướng mắc trong dự án làm đường vành đai 2, giữa chính quyền và người dân bị thu hồi đất. Hầu hết trong số đó là đồng bào dân tộc thiếu số Tày, Nùng, Giáy... sinh sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trồng mận, ngô, lúa.
Trở lại câu chuyện dự án, sau khi được tỉnh Lào Cai ủy quyền thu hồi đất..., ngày 23/12/2019, ông Nguyễn Quốc Huy, khi đó là Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà đã ký quyết định chọn liên danh Công ty TNHH Anh Nguyên và Công ty TNHH Vũ Thành để thi công. Với giá trúng thầu hơn 171 tỷ đồng, thực hiện trong 1.000 ngày. Huyện Bắc Hà cũng đã ký hợp đồng xây lắp với liên danh để triển khai dự án.
Từ đó đến nay, dự án thi công cầm chừng, hiện nhiều hạng mục dang dở, chưa thông tuyến. Vành đai 2 Bắc Hà gây ảnh hưởng mỹ quan, mưa xuống lầy lội, nắng thì bụi mù mịt, đất đá lổn nhổn. Còn người dân bị thu hồi đất quay cuồng trong khó khăn.
Số ít hộ được tái định cư đã xây nhà đầu tuyến đường, còn lại là những ô đất bỏ trống, quây tôn. Số hộ bám trụ, dựng lều bạt sinh sống lay lắt trên đất bị cưỡng chế nhưng chưa nhận đền bù.
Theo bà Sùng Thị Yên ở thôn Na Hối Nùng, xã Na Hối, bà con hoàn toàn đồng tình việc nhà nước làm đường giao thông, có hộ sẵn sàng hiến đất làm đường. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư là UBND huyện Bắc Hà lợi dụng xây dựng đường vành đai nhưng lồng ghép hạng mục khác để thu hồi toàn bộ đất thì chúng tôi không nhất trí; dự án đẩy người dân vào đường cùng không cách mưu sinh…

Một góc dự án đường vành đai 2 huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: H.Đ.
“Tôi có tuổi… thu hết đất lấy gì mà sống?”
Mạng xã hội lan truyền những hình ảnh đẹp về hoa mận ở Bắc Hà. Tuy nhiên, vùng lõi mận của huyện là xã Na Hối chính là nơi đường vành đai 2 xuyên qua. Hơn chục hộ ở vẫn đang cố gắng giữ lại những cây mận cuối cùng. Song, những bản áp giá cho toàn bộ diện tích đất ở, đất canh tác đã được gửi đến họ từ lâu.
Theo bà Nùng Thị Hò sinh sống ở thôn Sín Chải, xã Na Hối, nhiều lần họp thôn, kiểm đếm nhà cửa, tài sản trên đất, cây trồng, bà vẫn không đồng ý cho thu hồi toàn bộ 1.200m2 đất gồm 400m2 đất ở và 851m2 đất trồng cây lâu năm.
“Tôi được biết là dự án mở đường, song sau này chỗ dân ở thì thu hồi để "phân lô, bán nền" - (đấu giá đất - PV) nên tôi không đồng ý, làm đường thì được. Tôi bằng này tuổi rồi, không đi làm thuê, chỉ trồng rau màu sống qua ngày, thu hết lấy gì mà sống”, bà Nùng Thị Hò nói.
Dự án dập rình nhiều năm, dân không dám bón phân cho cây mận, có đất không dám trồng rau... xáo trộn cuộc sống, thất thu. Mặc dù, trưởng thôn vẫn động viên tỷ lệ mận giảm nên phải bón phân, nhưng người dân chăm sóc nào biết có được ăn?
Cũng như nhiều hộ dân khác và từ tài liệu bà Nùng Thị Hò cung cấp, việc đền bù đất rất thấp; đất trồng câu lâu năm bồi thường 27 nghìn đồng/m2, có nhân hệ số 3 vẫn không bằng giá một cân mận ngon. Giá đất ở nông thôn bị thu hồi chỉ 170 nghìn đồng/m2...
“Thiếu kinh phí làm đường, nhà nước chi 70-80, người dân sẵn sàng góp 20-30, cớ gì thu hồi hết đất dân để bán đấu giá bù kinh phí làm đường”, bà Nùng Thị Hò bức xúc nói về dự án làm đường vành đai 2.
Gia đình bà Vàng Thị Đào chỉ có 3 mẹ con, thuộc diện hộ khó khăn. Toàn bộ 400m2 gồm nhà, vườn... của gia đình bà chỉ được bồi thường khoảng 270 triệu đồng...
“Tái định cư thì chưa biết cắm cho dân ở đâu, bồi thường thế này không đủ dỡ nhà đi dựng. Cuộc sống trông chờ mấy cây mận, cây ngô, muốn đi làm cũng không yên vì suốt ngày đo đo đạc đạc”, bà Vàng Thị Đào băn khoăn.
Trước thông tin trên, Chủ tịch UBND xã Na Hối ông Nguyễn Ngọc Hải loanh quanh trả lời xã chỉ phối hợp còn Trung tâm Phát triển quỹ đất và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện là đơn vị chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, ông này thừa nhận dự án chậm trễ tiến độ nhiều năm. Có nhiều hộ vướng mắc đến nay chưa thể giải phóng đền bù được.