| Hotline: 0983.970.780

Kể chuyện món quê: Canh mít cá chuồn

Thứ Hai 12/12/2022 , 09:48 (GMT+7)

Canh mít non cá chuồn là món ăn bình dân của người Nam Trung bộ, dù sống tận nguồn rừng phía tây hay dọc theo đồng bằng, ven biển.

Empty

Cá chuồn.

Mùa mít non là vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch. Mít nài hoang sườn đồi, mít rẫy của người H’re, người Cor, người Cà Tu, mít mật vườn nhà người Kinh, như có lời hẹn ước với thiên nhiên, với gió nồm, chíu chít những quả non mơn mởn.

Không như các loại cá khác hầu như có bán quanh năm ở chợ, cá chuồn chỉ đánh bắt được vào độ chớm hè đến giữa năm (rộ nhất là từ tháng 3, tháng 4 âm lịch), gọi là “mùa cá chuồn đầy bến” như lời hát trong một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Empty

Mít non.

Cá chuồn được gọi là con cá của người bình dân vì có thể chế biến thành nhiều món ăn phù hợp với nguyên liệu phụ và điều kiện của từng vùng, từng gia đình: Nấu canh chua lá giang, nấu canh với mít non, chiên với củ nén bằm, kho mặn để ăn thường ngày, hấp chín để mang đi xa, muối hoặc làm mắm thính để ăn vào mùa mưa bão… Với người vùng duyên hải Nam Trung bộ, canh cá chuồn nấu mít non là món thú vị hơn cả.

Empty

Nguyên liệu chuẩn bị nồi canh.

Bài liên quan

Cá chuồn tươi được làm sạch, để ráo nước rồi cắt thành từng khúc. Mỗi con cá cắt thành đôi hoặc ba khúc, ướp gia vị, nước mắm cho thấm đều. Luộc cá chuồn tươi, thêm vài quả ớt xanh với mấy hạt tiêu, nước cá nổi mở đốm sao. Cá chín vớt ra, cho vào đĩa mắm làm miếng ngon cho người già, con trẻ. Mít non gọt vỏ, thái thành từng mẫu như con cờ đưa vào nồi nước cá đang sôi, giữ lửa đều, sau năm, bảy phút là có nồi canh. Nhớ đừng để sôi lâu, mít sẽ bị nhũn, mất đi vị ngon riêng. Nhưng nồi canh mít cá chuồn vừa thơm ngon vừa đúng kiểu phải có lá lốt làm gia vị và nêm cho vừa miệng bằng mắm cái. Mắm cái chế biến từ muối với cá cơm ủ lên men. Ngày trước, nhà nào cũng có sẵn một lu mắm sẵn trong góc bếp. Lá lốt mọc thành vạt ở cuối vườn hoặc bên bờ suối.

Những người thợ sơn tràng, đi điệu (tìm trầm), sau này là những người đi đãi vàng, khi vào rừng mang theo cá chuồn hấp hoặc chuồn thính để nấu canh với mít non hái từ những cây mít mọc hoang trong rừng. Canh mít nấu với cá chuồn thính, chuồn hấp, và cả cá chuồn muối, dĩ nhiên là không ngon như cá chuồn tươi, nhưng vẫn có được phần nào hương vị, làm cho miếng ăn vốn kham khổ của người đi rừng trở nên “dễ nuốt”. Ngư dân đi biển trong mùa đánh cá chuồn, trên khoang thuyền luôn có sẵn những quả mít non để thổi nồi canh nóng, ấm lòng bạn chài những ngày lênh đênh sóng nước...

Empty

canh mít cá chuồn.

Tiện đây cũng xin nhắc lại một điều, những chiếc ghe câu của người đi đánh cá chuồn (tiểu điếu thuyền, điếu thuyền, ghe câu, ghe cá chuồn) của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chính là những phương tiện di chuyển trên biển của các đội Hoàng Sa lừng danh trong lịch sử.

Ngày trước, những người đi buôn nguồn (nậu nguồn) theo các dòng sông (sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Côn…) thường mang cá chuồn lên bán ở miền núi, mua (hoặc đổi) mít non đem về miền xuôi. Vì thế, canh mít non cá chuồn là món ăn bình dị nhưng đậm đà hương vị quê hương, quyến luyến nghĩa tình miền xuôi, miền ngược. Người Nam Trung bộ, ai mà chẳng nhớ câu ca dao truyền lại tự bao đời:

Ai về nhắn với nậu nguồn

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên...

Xem thêm
Câu chuyện thứ bảy: Đặt tên sản phẩm

Tương tự như tên một người, tên một sản phẩm cũng gửi gắm vào đó những tình cảm, sự trân quý, lòng mong muốn, khi mọi người nhắc đến, nhớ đến có nhiều cảm xúc.

Kinh nghiệm hay từ mô hình ‘xen canh lúa - tôm càng xanh, luân canh tôm sú’

Ông Mai Văn Quốc ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau) đã nuôi thành công mô hình ‘xen canh lúa - tôm càng xanh, luân canh tôm sú’.

Vinaseed và Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Tứ Xuyên ký kết hợp tác và chuyển giao khoa học công nghệ

Bản ghi nhớ mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác sâu rộng trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng và đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp trong nước và cơ quan nghiên cứu khoa học nước ngoài.

Trung Quốc rút ngắn thời gian sinh trưởng cây nho bằng trí tuệ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây nho.